09:11, 03/11/2019

Giải bài toán về lao động, việc làm

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa vừa nghiệm thu đề tài Đánh giá thực trạng lao động - việc làm giai đoạn 2010 - 2016 và đề xuất giải pháp phát triển lao động - việc làm giai đoạn 2017 - 2025 trên địa bàn tỉnh. 

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa vừa nghiệm thu đề tài Đánh giá thực trạng lao động - việc làm giai đoạn 2010 - 2016 và đề xuất giải pháp phát triển lao động - việc làm giai đoạn 2017 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Kết quả của đề tài là cơ sở để các ngành chức năng định hướng phát triển thị trường lao động và quản lý nhà nước về việc làm.


Thiếu lao động lành nghề


Theo số liệu của đề tài, năm 2016, lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh hơn 689.000 người nhưng chỉ có khoảng 169.000 người có việc làm đã được đào tạo. Các nhóm ngành nghề cơ bản gồm: Dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng hơn 137.000 người; lao động có kỹ thuật trong nông, lâm, ngư nghiệp 106.000 người; thợ thủ công và các thợ khác có liên quan hơn 85.000 người… Trong khi đó, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc cao (chỉ chiếm 8,73%) và bậc trung (3,97%) chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn.

 

Công nhân ngành may mặc của Tổng Công ty Khánh Việt. Ảnh: V.G

Công nhân ngành may mặc của Tổng Công ty Khánh Việt


Đối với việc đào tạo nghề, toàn tỉnh hiện có 50 cơ sở giáo dục nghề và tham gia giáo dục nghề nghiệp. Mỗi năm, các đơn vị đào tạo hơn 32.000 người; trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp khoảng 4.000 người/năm, còn lại là sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng.


Báo cáo cũng đưa ra kết quả khảo sát 348 doanh nghiệp (DN) về nhu cầu tuyển dụng giai đoạn 2016 - 2018. Theo đó, các DN cần khoảng 12.000 người/năm. Trong đó, nhóm ngành dịch vụ - thương mại - du lịch chiếm 51,36%, công nghiệp -xây dựng 45,9%. Theo các DN sử dụng lao động, các học viên được đào tạo nghề sau khi tốt nghiệp có kiến thức cơ sở và chuyên ngành tốt. Tuy nhiên, họ vẫn lúng túng khi vận dụng lý thuyết vào công việc, thiếu kinh nghiệm thực tế, yếu về kỹ năng ngoại ngữ… Vì vậy, có 35,34% DN trong tổng số DN được khảo sát phải đào tạo lại lao động. “Qua nghiên cứu cho thấy, chất lượng đào tạo nghề dài hạn trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu của DN cả về số lượng và chất lượng. Cơ cấu ngành nghề chưa phù hợp với thị trường lao động, thiếu hẳn lao động kỹ thuật trình độ cao, nhất là các ngành trong lĩnh vực du lịch, công nghiệp. Riêng lĩnh vực xây dựng hầu như có rất ít trường đào tạo ở trình độ trung cấp trở lên…”, Tiến sĩ Võ Ngọc Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định, chủ nhiệm đề tài nói.

Cần có giải pháp bền vững


Đề tài đã đưa ra một số giải pháp nhằm mở rộng việc cung cấp việc làm, tín dụng, đào tạo nghề, cải thiện thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân của tỉnh giai đoạn 2017 - 2025. Cụ thể, tỉnh cần nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng dịch vụ - du lịch, công nghiệp - xây dựng, nông - lâm - thủy sản; đồng thời giảm tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế và xây dựng nông thôn mới. Đối với công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, cần đổi mới quản lý nhà nước về đào tạo; xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đào tạo nhân lực có tay nghề; huy động các nguồn vốn đầu tư thuộc các thành phần kinh tế để thực hiện kế hoạch đào tạo nhân lực có tay nghề; đẩy mạnh thực hiện liên kết đào tạo và hợp tác, hội nhập quốc tế. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 90%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt khoảng 72,5%. Riêng 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tập trung đào tạo các ngành nghề tại chỗ như: Thủ công mỹ nghệ, nông nghiệp, du lịch, nấu ăn, trồng trọt, chăn nuôi…


Ngoài ra, tỉnh cần đẩy mạnh việc thực hiện Đề án hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, phấn đấu đến năm 2020 là 500 lao động. Trong đó, tập trung khai thác thị trường đòi hỏi chất lượng lao động và thu nhập cao ở các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức. Đối với lao động khu vực nông nghiệp, cần có chính sách dịch chuyển vào các khu công nghiệp, làng nghề truyền thống, dịch vụ, du lịch, văn hóa; xây dựng, quản lý và vận hành có hiệu quả cơ sở dữ liệu thông tin thị trường lao động; nâng cao năng lực hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm; hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp… Bên cạnh đó, tỉnh cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt điều chỉnh mức hỗ trợ đối với đối tượng được thu hút đến làm việc lâu dài tại tỉnh.


Theo ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng, kết quả của đề tài cung cấp cho tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan có được cơ sở khoa học để xây dựng và định hướng các vấn đề về lao động - việc làm trong thời gian tới; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, xây dựng mô hình chuyển đổi nghề cho lao động…


KHÁNH HÀ