Đề án "Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025" vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu, đánh giá đạt.
Đề án “Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) bị thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025” vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu, đánh giá đạt. Kết quả của đề án là cơ sở để các sở, ngành nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp, hài hòa lợi ích nhằm đảm bảo an sinh xã hội trong tiến trình phát triển của tỉnh.…
Chưa nhiều người dân học nghề
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương - Viện Khoa học Lao động và Xã hội, chủ nhiệm đề án, những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành thu hồi diện tích đất lớn để đáp ứng yêu cầu phát triển. Cùng với quá trình thu hồi đất, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NLĐ bị thu hồi đất như: hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước; hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách cũng như đánh giá hiệu quả chưa được quan tâm đúng mức và hiệu quả chưa cao.
Theo số liệu của đề án, giai đoạn 2010 - 2016, tỉnh đã thực hiện thu hồi đất của 26.317 hộ gia đình; trong đó Vạn Ninh có số hộ bị thu hồi đất nhiều nhất với 5.833 hộ, chiếm 40%, tiếp đến là Cam Lâm, TP. Nha Trang với trên 4.000 hộ/địa phương, thị xã Ninh Hòa, Cam Ranh, Diên Khánh trên 3.000 hộ/địa phương… Nhóm khảo sát đã đánh giá thực trạng đời sống, việc làm, nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm của NLĐ bị thu hồi đất. Kết quả cho thấy, có 45,6% số hộ cho biết họ nhận được hỗ trợ về đào tạo và chuyển đổi nghề sau thu hồi đất, gần 43% cho biết không được hỗ trợ… Đáng chú ý, chỉ có 11,68% NLĐ bị thu hồi đất có tham gia đào tạo nghề và chủ yếu đào tạo trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng…
Đối với việc thay đổi việc làm, có khoảng 15,68% hộ cho biết việc thu hồi đất ảnh hưởng lớn đến việc làm của họ… Bà Mai Thị Thọ - Khu tái định cư Ninh Thọ (Ninh Hòa) cho biết, trước đây, khi ở Ninh Yển, Ninh Phước, bà mở quán bán tạp hóa và trồng hành tỏi, mỗi tháng thu nhập cả chục triệu đồng. Từ khi chuyển về ở khu tái định cư, nhà cửa được xây dựng khang trang nhưng thu nhập giảm đáng kể. Không có đất sản xuất, chồng và con bà đi làm thuê, bà nhận các mặt hàng về đan với thu nhập 20.000 đồng/ngày. Trước đó, bà cũng được chính quyền địa phương thông tin về việc hỗ trợ học nghề nhưng vợ chồng bà đã lớn tuổi không học được, con trai bà thì bảo học mất nhiều thời gian, học ra chắc gì đã xin được việc nên không học.
Đề xuất giải pháp hỗ trợ người dân
Từ thực tế trên, đề tài nhận định, tuy đã có nhiều chính sách hỗ trợ gia đình bị thu hồi đất nhưng chưa hiệu quả. Phần lớn các gia đình không có nhu cầu đào tạo nghề, họ cho rằng phải làm việc ngay để có thu nhập lo cho gia đình. Giai đoạn đến năm 2025, dự kiến trên địa bàn tỉnh có khoảng 860ha đất bị thu hồi, dự báo số hộ bị ảnh hưởng khoảng 8.600 hộ, tổng số lao động nông nghiệp bị ảnh hưởng khoảng 10.000 người. Chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm và an sinh xã hội là một trong những nội dung quan trọng nhất để đảm bảo ổn định đời sống, sinh kế bền vững cho NLĐ. Do vậy, đề tài đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách hỗ trợ, phù hợp với thực tế và nhu cầu của người dân.
Theo đó, cần mở rộng phạm vi hỗ trợ đào tạo, không chỉ giới hạn trong đào tạo nghề mà bất cứ một hình thức, trình độ đào tạo nào; tổ chức tốt việc kiểm kê nhu cầu của hộ gia đình có liên quan như: phân loại khả năng lao động và nhu cầu học nghề; cần sự tham gia của doanh nghiệp, các trung tâm dịch vụ việc làm và các tổ chức đào tạo để xây dựng được kế hoạch đào tạo và chuyển dịch việc làm tốt nhất; tạo điều kiện cho người dân đăng ký đào tạo theo nhu cầu… Đối với những đối tượng lớn tuổi, không có nhu cầu học nghề, cần hỗ trợ họ vay vốn phát triển kinh tế. Song song đó, tăng cường vai trò của chính quyền địa phương ở nơi đền bù giải tỏa và nơi tiếp nhận dân tái định cư; hỗ trợ thông qua giao đất dịch vụ để người nông dân bị thu hồi đất chuyển sang hoạt động kinh doanh dịch vụ; tăng cường thực hiện chương trình việc làm tại các địa bàn bị thu hồi đất.
Bên cạnh các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, để hỗ trợ tạo việc làm cho nông dân, Nhà nước cần quy định các đơn vị kinh tế sử dụng đất thu hồi phải tạo điều kiện tiếp nhận lao động nông dân có đất bị thu hồi; các phương án cam kết tuyển dụng cần được xây dựng ngay trong giai đoạn chuẩn bị giải phóng mặt bằng và có sự giám sát toàn bộ quá trình thực hiện cam kết của doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh cần tạo điều kiện cho lao động mất đất là hộ nghèo, cận nghèo đi làm việc ở nước ngoài; thông tin đầy đủ các ưu đãi đối với người đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là được vay vốn ưu đãi. Đồng thời, mở rộng các chính sách hỗ trợ, bổ sung chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện; hoàn thiện hình thức và cơ chế thực hiện, chuyển hỗ trợ tiền mặt sang các phiếu đào tạo, phiếu tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
KHÁNH HÀ