11:01, 10/01/2019

Chú trọng công tác quản lý, bảo trì đường bộ

Với nhiệm vụ quản lý, bảo trì, khai thác 33 tuyến đường tỉnh và tuyến Quốc lộ 1C, Quốc lộ 27B với tổng chiều dài hơn 600km, công tác quản lý, bảo trì đường bộ luôn được ngành Giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa đặc biệt quan tâm, góp phần đảm bảo giao thông được thông suốt, an toàn.

 

Với nhiệm vụ quản lý, bảo trì, khai thác 33 tuyến đường tỉnh và tuyến Quốc lộ 1C, Quốc lộ 27B với tổng chiều dài hơn 600km, công tác quản lý, bảo trì đường bộ luôn được ngành Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Khánh Hòa đặc biệt quan tâm, góp phần đảm bảo giao thông được thông suốt, an toàn.


Đẩy nhanh tiến độ sửa chữa


Tỉnh lộ 8 có chiều dài toàn tuyến gần 50km, đi qua huyện Diên Khánh, Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa. Hàng ngày, tuyến đường này có lưu lượng phương tiện qua lại rất đông, nhất là các xe có tải trọng lớn chở vật liệu xây dựng, đất đá. Do đó, nhiều đoạn mặt đường bị rạn nứt, xuất hiện ổ gà, lề đường bị hư hỏng nặng, người điều khiển phương tiện giao thông đi lại khó khăn. Hàng năm, Sở GTVT đều bố trí nguồn vốn đầu tư sửa chữa một số đoạn bị hư hỏng nặng. Hiện nay, có đoạn đã được nâng cấp mở rộng khoảng 5,5m (đoạn qua xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa), đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Năm 2018, sở tiếp tục bố trí nguồn vốn kịp thời sửa chữa những đoạn hư hỏng. Theo kế hoạch, đến ngày 24-12-2018, các đơn vị thi công phải hoàn thành việc sửa chữa trên tuyến đường này. Tuy nhiên, thời gian qua do thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình. Vì vậy, đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện phần láng nhựa. Bà Nguyễn Thị Lan sống gần tuyến đường này cho biết: “Tôi thấy năm nào tuyến đường này cũng được nâng cấp, sửa chữa nhưng do lượng phương tiện chở đất đá nặng đi lại nhiều nên rất mau xuống cấp, hư hỏng. Mấy hôm nay, tôi thấy máy móc, công nhân làm từ sáng sớm cho đến tối. Khi đường hoàn thành, đi lại thuận lợi hơn, chúng tôi rất mừng”.

 

Công nhân vá ổ gà, thảm nhựa tuyến đường Lê Hồng Phong.

Công nhân vá ổ gà, thảm nhựa tuyến đường Lê Hồng Phong.


Bên cạnh đó, Sở GTVT tập trung vốn sửa chữa tuyến đường Phạm Văn Đồng, Trần Phú. Hiện nay, các tuyến đường này đã thảm tăng cường bê tông nhựa xong toàn bộ, thi công hạ thấp các vị trí lối vào nhà dân. Công trình sửa chữa đường Ba Cụm Nam hiện đã hoàn thành 50% khối lượng (kế hoạch thực hiện trong 2 năm 2018 - 2019) và đang tiếp tục thực hiện các khối lượng còn lại. Riêng Đại lộ Nguyễn Tất Thành, hiện đã thảm tăng cường bê tông nhựa xong toàn bộ, nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công sơn phản quang an toàn giao thông mặt đường… Tại đường Lê Hồng Phong, sáng 9-1, đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ thảm nhựa các vị trí do ảnh hưởng của mưa lũ phát sinh hư hỏng.

Hoàn thành kế hoạch


Năm 2018, Sở GTVT đã triển khai sửa chữa 17 công trình đường bộ với tổng mức đầu tư 86,108 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh 33,5 tỷ đồng, Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương 32,778 tỷ đồng, nguồn vốn Trung ương thực hiện sửa chữa định kỳ Quốc lộ 1C, Quốc lộ 27B là 12,83 tỷ đồng. Theo đó, sở đã thực hiện mở rộng mặt đường láng nhựa từ 3,5m - 5,5m khoảng 20,67km; sửa chữa ổ gà, thảm tăng cường bê tông nhựa 15,72km; sơn an toàn giao thông trên đường 10.766m2; sửa chữa, sơn lại toàn bộ cầu dầm trụ cầu Trần Phú, thay gối cầu... Ngoài ra, sở cũng tập trung nguồn vốn cho công tác quản lý và bảo dưỡng thường xuyên. Trong năm, đã bố trí 40 tỷ đồng (vốn địa phương) và hơn 1,7 tỷ đồng (vốn Trung ương) vá ổ gà bê tông nhựa hơn 13.780m2, thảm tăng cường bê tông nhựa gần 16.000m2, láng nhựa mặt đường gần 50.000m2, vét rãnh, phát quang hơn 360.000m2… Đồng thời, triển khai 2 công trình đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1C và 27B; xây gờ giảm tốc 11 vị trí đường bộ giao cắt với đường sắt với tổng kinh phí hơn 6,3 tỷ đồng.


Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở GTVT cho biết: “Năm 2018, kinh phí sửa chữa gặp khá nhiều khó khăn, do tỉnh tập trung kinh phí khắc phục bão lũ. Đến giữa năm 2018, tỉnh mới cân đối bố trí nguồn vốn cho sở khoảng 50% so với nhu cầu. Tuy nhiên, sở đã khắc phục khó khăn, bố trí nguồn vốn cho công tác sửa chữa hoàn thành kế hoạch năm 2018”. Khó khăn lớn nhất hiện nay là do tình hình thời tiết mưa nhiều, một số tuyến đường đã được sửa chữa tiếp tục phát sinh hư hỏng lớn như: Nguyễn Tất Thành, Trần Phú, Tỉnh lộ 9, Tỉnh lộ 5, Tỉnh lộ 8. Sở đã chỉ đạo đơn vị thi công tiếp tục huy động máy móc, phương tiện đẩy nhanh tiến độ sửa chữa. Công trình nào đến ngày 26-1 chưa hoàn thành phải tạm ngưng thi công đến hết ngày 14-2 và thu dọn mặt bằng gọn gàng, sạch sẽ, bố trí biển báo, đèn tín hiệu, đảm bảo an toàn giao thông để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.


Theo kế hoạch, năm 2019, sở tập trung kinh phí sửa chữa các tuyến đường gồm: Tỉnh lộ 8 (đoạn qua huyện Diên Khánh - Khánh Vĩnh); Tỉnh lộ 9; Nguyễn Tất Thành; Tỉnh lộ 1A (Ninh Hòa); đường Xóm Mới - Cam Thịnh Tây; đường Tô Hạp - Sơn Bình; Sông Cầu - Yangbay; Trần Phú - Phạm Văn Đồng; Tỉnh lộ 5, 7, Hương lộ 62…


Theo định mức Bộ GTVT quy định, mỗi năm kinh phí cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ thường xuyên khoảng 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện mỗi năm tỉnh chỉ bố trí được khoảng 40 tỷ đồng để thực hiện công tác này. Chính vì vậy, việc quản lý, bảo dưỡng thường xuyên vẫn còn hạn chế.


KHÁNH HÀ