Nghị quyết 32 của Chính phủ quy định, từ ngày 1-1-2010 cấm xe 3 - 4 bánh thô sơ, tự chế… lưu thông trên toàn quốc. Tuy nhiên hiện nay trên địa bàn tỉnh, các loại xe này vẫn hoạt động công khai.
Nghị quyết 32 của Chính phủ quy định, từ ngày 1-1-2010 cấm xe 3 - 4 bánh thô sơ, tự chế… lưu thông trên toàn quốc. Tuy nhiên hiện nay trên địa bàn tỉnh, các loại xe này vẫn hoạt động công khai.
Tại một số tuyến đường của TP. Nha Trang như: Lê Hồng Phong, 2-4, Nguyễn Trãi… vẫn thường xuyên xuất hiện xe ba gác thô sơ, tự chế lưu thông và chở đủ loại hàng hóa. Thậm chí, có nhiều chủ xe còn chở hàng cồng kềnh khuất cả tầm nhìn nhưng vẫn chạy rất nhanh, gây mất an toàn giao thông.
Xe ba gác chở hàng cồng kềnh trên Quốc lộ 1A. |
Anh Hải, sống tại khu vực chợ Đầm, TP. Nha Trang, hành nghề xe ba gác gần 14 năm nay chia sẻ, tuy đã được hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề nhưng anh vẫn không thể bỏ chiếc xe này. Thời gian qua, chiếc xe là nguồn thu nhập chính nuôi 5 miệng ăn trong gia đình. Bỏ xe, anh không biết làm gì để sinh sống. Nhận chở hàng rau quả cho các tiểu thương ở chợ, mỗi khi chạy xe, anh thường canh chừng và đi vào những giờ Cảnh sát giao thông không làm việc hoặc đi vào các tuyến đường ít tuần tra kiểm soát. Anh Hải cho biết, hiện một số người sau khi nhận tiền hỗ trợ đã chuyển sang làm nghề khác nhưng cũng có người vẫn quay lại bám nghề. Bởi thực tế, nhu cầu thuê xe 3, 4 bánh chở hàng của người dân rất cao. Trong khu đô thị có nhiều hẻm nhỏ, xe tải không vào được, người dân có nhu cầu vận chuyển hàng hóa đều phải thuê xe ba gác. Do nhu cầu lớn nên nghề này cũng mang lại thu nhập ổn định và chính vì vậy, nhiều người vẫn tìm đủ mọi cách để chạy xe ba gác chứ không muốn chuyển sang nghề khác.
Tại thị xã Ninh Hòa, theo ghi nhận của chúng tôi, trên một số tuyến đường khu trung tâm và trên tuyến Quốc lộ 1A trong ngày 29-5, các loại phương tiện này vẫn hoạt động khá nhiều, nhất là trên tuyến đường Trần Quý Cáp. Bởi đây là tuyến đường huyết mạch trong khu trung tâm dẫn tới chợ Dinh. Chỉ trong 30 phút, chúng tôi đã thấy cả chục chiếc xe ba gác qua lại, nhất là những chiếc xe ba gác được gắn sau đuôi xe máy. Những chiếc xe này chạy rất nhanh, nhiều xe chạy tương đương với vận tốc xe máy trong nội thị, khiến những người tham gia giao thông đều phải nhường đường. Chị Nguyễn Thị Hà - phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa cho biết: “Nhà nước đã cấm xe ba gác, xe thô sơ hoạt động nhưng tôi thấy những chiếc xe này vẫn chạy đầy ngoài đường. Theo tôi, do nhu cầu của người dân nên cũng có thể cho họ hoạt động, nhưng phải đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Hiện nay, loại xe này thường chở hàng hóa cồng kềnh, lại còn chạy rất ẩu. Mới hôm qua, bạn tôi trên đường tới Bệnh viện Ninh Hòa, đã bị một chiếc xe máy kéo thêm xe ba gác chất đầy hàng hóa lao tới, va vào đuôi xe máy của chị. Cũng may, khi đó xe chạy chậm nên bạn tôi chỉ bị nghiêng xe bên đường”.
Ông Văn Long, tài xế xe 3, 4 bánh tự chế chuyên hoạt động tại khu vực quanh chợ Dinh cho biết: “Sau khi nhà nước có quy định cấm xe ba gác, xe thô sơ hoạt động, tôi đã nhận tiền hỗ trợ và bán chiếc xe ba gác. Lúc đó, tôi được hỗ trợ 5 triệu đồng. Thêm tiền, tôi mua được chiếc xe máy để làm nghề xe ôm. Tuy nhiên, chạy được một thời gian thấy cũng cực, chi phí xăng xe cao mà thu nhập không đủ sống nên tôi quyết định bán xe máy mua lại chiếc xe ba gác khác. Tuy hoạt động chui, không thoải mái nhưng tôi ít học nên cũng chẳng biết chuyển đổi nghề gì cho phù hợp. Trong khi đó, mỗi ngày chạy xe ba gác cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng. Thực tế, không phải ai cũng chạy ẩu, gây mất an toàn giao thông, đó chỉ là một số trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh” nên ảnh hưởng đến người khác”.
Ông Phan Văn Dọn - Phó phòng Quản lý đô thị thị xã Ninh Hòa cho biết, sau khi được hỗ trợ, nhiều người đã chuyển sang nghề khác hoặc mua ô tô. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn vẫn còn một số đối tượng hoạt động chui. Vì vậy, thị xã thường xuyên nhắc nhở các xã, phường tiếp tục rà soát, nắm danh sách các đối tượng còn sử dụng loại phương tiện này; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu. Thời gian tới, thị xã tiếp tục chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thực tế, không chỉ trên địa bàn TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa mà tại các tuyến đường trên địa bàn các huyện Vạn Ninh, Cam Lâm, TP. Cam Ranh… xe 3 - 4 bánh thô sơ, xe tự chế vẫn còn lưu thông trên đường, mặc dù hầu hết các địa phương đều đã chi trả xong tiền hỗ trợ cho các đối tượng này chuyển đổi nghề. Ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở giao thông vận tải cho biết, đến nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh đã chi trả xong tiền hỗ trợ cho các đối tượng này. Hiện nay, Sở vẫn yêu cầu các địa phương sau khi chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng, cần kiểm tra, rà soát lại xem đối tượng nào đã nhận tiền hỗ trợ mà vẫn hoạt động để có hướng xử lý. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông của Sở tăng cường kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp theo quy định.
KHÁNH HÀ - THÀNH NAM
- Tại thị xã Ninh Hòa, năm 2010, tổng số các chủ phương tiện được hỗ trợ là 1.676 trường hợp; trong đó có 1.676 trường hợp chuyển đổi nghề, 73 trường hợp chuyển đổi phương tiện với tổng số tiền hơn 8,6 tỷ đồng. Năm 2011, toàn thị xã có 616 trường hợp được hỗ trợ chuyển đổi nghề với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng và 11 trường hợp hỗ trợ chuyển đổi phương tiện với tổng số tiền 44 triệu đồng.
- Tại Nha Trang, tính đến thời điểm này, thành phố có 446 xe công nông, xe lôi máy, xe cơ giới ba bánh thuộc diện đình chỉ tham gia giao thông đã được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng; trong đó 395 chủ phương tiện được hỗ trợ chuyển đổi nghề với số tiền gần 2 tỷ đồng, 50 chủ phương tiện được hỗ trợ để mua xe mới với tổng số tiền 450 triệu đồng.