10:03, 01/03/2022

Ngày xửa ngày xưa

Ông Huân hay kể chuyện, bà Huân thì chẳng bao giờ thích nghe kể chuyện. Những câu chuyện ngày xưa ấy luôn ở lại trong ký ức của người già. Với họ, những dòng sông dẫu đã tải biết bao nhiêu nước ra biển cả thì nó vẫn là dòng sông. 

Ông Huân hay kể chuyện, bà Huân thì chẳng bao giờ thích nghe kể chuyện. Những câu chuyện ngày xưa ấy luôn ở lại trong ký ức của người già. Với họ, những dòng sông dẫu đã tải biết bao nhiêu nước ra biển cả thì nó vẫn là dòng sông. Với họ, những cánh rừng dẫu đã biết bao lần thay lá thì dấu chân từng in dấu của họ vẫn mãi ở lại. Từ ngày Hồng Hạc về nhà, trở thành một phần chộn rộn của cái không gian vốn yên ả này, dường như ông Huân vui hẳn lên. Ông vui vì ông được kể cho Hồng Hạc nghe chuyện ngày xưa. Ừ, cái ngày xưa khi ông mặc áo lính, đi qua những cánh rừng mùa khô trụi lá, mùa mưa đầy những con suối vắt ngang trong gang tấc tử sinh, Hồng Hạc chưa có mặt trong cuộc đời này.


Vậy đó, những người già vẫn bị gọi là cũ kỹ, khởi đầu câu chuyện với bọn trẻ, họ hay bắt đầu bằng câu nói: “ngày xưa”. Mà đã gọi là ngày xưa thì có biết bao nhiêu điều để kể. Ông Huân cũng vậy, ngày xưa từng là lính ở chiến trường, sau đó giải ngũ vì bị thương, nay trở thành một nhà kinh doanh giỏi. Thường thì ai đã từng là một người lính, vào sinh ra tử, đói no có đủ thì nhìn cuộc đời rất nhân hậu. Hồng Hạc trở thành người để ông tâm sự, giống như ông gặp cố tri. Đôi lúc, Hồng Hạc cảm thấy gần gũi với ông biết bao nhiêu. Cô thầm cảm ơn Tuấn đã yêu thương cô, còn tặng cho cô một mái ấm gia đình như thể cô đã từng lớn lên và sống ở đây.


Ông bảo với Hồng Hạc: “Tụi con về ở chung với ba mẹ tức là tụi con được che chở, không phải con làm dâu mà là con có thêm một người cha và một người mẹ”. Hồng Hạc vốn là cô gái quê, sống quen với những cánh đồng lúa, không quen phố thị. Khi bước đến căn nhà đẹp với sân vườn nhiều cây cảnh, có cả một chiếc xích đu bằng gỗ, Hồng Hạc rất lạ. Tuấn bảo: “Rồi em sẽ về ở cùng anh, cùng ba mẹ trong căn nhà này”. Hồng Hạc có đôi chút chần chừ. Bởi giao tiếp với bạn bè, nghe kể chuyện làm dâu, Hồng Hạc rất lo, nhất là chuyện phải đi chợ nấu ăn, bị mẹ chồng chê mua đắt mua rẻ, chê vụng về nấu nướng. Hồng Hạc không phải là tiểu thư, nên việc biết nấu ăn là chuyện bình thường. Cái khó là ở nhà cô chỉ kho cá, luộc rau, nấu canh - những món đơn giản, còn ở đây lại có những món cầu kỳ như thể nấu ăn cho nhà hàng.


Nhà mở một cửa hàng bán đồ trang trí nội thất, chính xác hơn là showroom với những mẫu trưng bày, bà Huân quán xuyến mọi thứ, còn ông Huân gần như không quan tâm đến chuyện làm ăn, mà cái thú chính là chăm sóc vườn hoa lan.


Về ở hai tháng, ông Huân bảo: “Tụi con là một gia đình, nên tự ăn tự nấu đi. Con ăn không quen món mẹ con nấu, con có thể nấu tùy thích và cũng có thể bỏ bữa mà không sợ bị la rầy”. Ông Huân nhìn cuộc sống riêng tư của gia đình con trai mình theo cách riêng của ông, muốn cho con cái tự do. Thật vậy, ông vốn ăn ít, lại thích ăn đơn giản, chỉ cần đĩa rau luộc nhỏ, ít cá kho mặn, kèm thêm một ít cà pháo. Ông Huân lại ăn uống không đúng giờ quy định, còn bà Huân lại thường xuyên ở cửa hàng, nhiều lúc không về ăn cơm nhà. Buổi chiều, thường có một chị giúp việc làm thêm giờ phụ dọn nhà cửa và nấu ăn cho hai ông bà. Ông Huân nói khi Hồng Hạc gợi ý rằng để cô nấu ăn: “Con còn nhiều việc phải làm, vả lại còn phải lo cho chồng con. Làm dâu có nghĩa là về ở chung một mái nhà chứ đâu phải là hầu hạ ba mẹ chồng”.


Vậy là nhà có hai mâm cơm. Hai mâm cơm có cách nấu ăn cũng khác biệt theo sở thích của hai người đàn ông trong nhà. Mâm cơm của ba mẹ chồng khá cầu kỳ bởi chị phụ việc nấu, và không thể thiếu đĩa cà pháo cho ông Huân. Mâm cơm của gia đình trẻ thì ngẫu hứng có gì nấu nấy, đôi khi chỉ là lát cá chiên, đĩa trứng chiên. Hai vợ chồng ở trên tầng hai, bếp cũng ở trên đó luôn, bàn ăn là một góc lan can nhìn ra con phố. Hai vợ chồng đợi nhau cùng so đũa, ngồi ăn nhìn xuống con phố rồi bàn đủ thứ chuyện trên đời. Bàn ăn của ba mẹ ở bên dưới, chỉ khi nào bà Huân về mới dọn lên, hoặc lắm lúc bà về trễ thì ông Huân ăn một mình.


Dạo này, Tuấn hay đi công tác xa. Có lúc anh đi nửa tháng trời, loay hoay trên tầng hai chỉ có Hồng Hạc đi và về. Tất nhiên là mỗi ngày anh đều livestream để vợ chồng nhìn thấy mặt nhau, cùng nói cười. Nhưng những bữa cơm trở nên nhạt, như ai đã nói rằng ăn cơm một mình buồn lắm. Để nấu những món ngon cho Tuấn ăn, Hồng Hạc cũng đã dày công phân chia thời gian để đi học nấu ăn. Mỗi lần học xong món nào cô liền về nhà chế biến, và không quen chia phần cho ba mẹ ăn cho vui. Vì vậy, đôi khi trong nhà có hai mâm cơm mà đồ ăn lại giống nhau. Hồng Hạc cũng vừa học một món mới, đó là món chân gà om. Cái món ăn thiệt là cầu kỳ. Tuấn cười vui bên kia đầu máy: “Đợi anh về em làm cho anh nhen”.


Bà Huân cũng đi vào Sài Gòn ký hợp đồng với đối tác. Ông Huân cũng ăn cơm một mình. Hai mâm cơm cũng chỉ có một mình. Gió mùa đang réo rắt thổi qua thành phố. Hồng Hạc chợt nghĩ ra một điều là đi chợ mua chân gà chế biến món chân gà om. Cô đem đĩa chân gà còn nóng hổi xuống nhà dưới, dọn ra, nói với ông Huân: “Cho con ăn cơm chung với nghe ba. Ăn cơm một mình buồn lắm”. Bữa cơm có hai người, món gà om thiệt ngon. Vừa ăn, ông Huân lại kể chuyện ngày xửa ngày xưa…


Truyện ngắn của Khuê Việt Trường