09:10, 22/10/2019

Mùa hoa sữa về

Những ngày cuối thu, với những cơn mưa mùa rả rích trong đêm, theo làn gió lạnh, chúng ta thấy thoang thoảng hương thơm và nhận ra đó là mùi hoa sữa! Rồi sáng ra, trên các thềm phố thấy rải đầy mảng li ti màu trắng phớt xanh cốm, đó chính là hoa sữa rơi cùng mưa đêm qua. Đó là hình ảnh thật đẹp của mùa thu với đủ hương và sắc màu gợi cảm dịu dàng.

Những ngày cuối thu, với những cơn mưa mùa rả rích trong đêm, theo làn gió lạnh, chúng ta thấy thoang thoảng hương thơm và nhận ra đó là mùi hoa sữa! Rồi sáng ra, trên các thềm phố thấy rải đầy mảng li ti màu trắng phớt xanh cốm, đó chính là hoa sữa rơi cùng mưa đêm qua. Đó là hình ảnh thật đẹp của mùa thu với đủ hương và sắc màu gợi cảm dịu dàng.

 


Hoa sữa chỉ đẹp và ngào ngạt hương khi ánh hoàng hôn cuối cùng biến mất và cứ thế suốt đêm tới sáng, cũng giống như dạ lý hương, sử quân tử, ngâu, nguyệt quế, nhài… - những loài hoa thích ẩn hiện mùi hương cùng ánh trăng sao của màn đêm. Khác với cây ngọc lan với tán cây bao la giữa bầu trời nhưng chỉ lác đác những búp hoa trắng ngà, hương cũng thấp thoáng, hoa sữa hào phóng tới mức thái quá, cả vòm cây bung kín hoa, mỗi lần nở hàng triệu bông hoa li ti tung thả hương làm cho cả không gian ngào ngạt hương tới gắt. Có lẽ chỉ hoa sữa mới đủ sức làm cho hương của mình đặc quánh như khói rơm. Có người nói hoa sữa đang bị gió mưa và đời ruồng bỏ vì chính mùi hương quá hào phóng của mình.


Đó là nguyên do vì sao thời nay khi nghe đến mùi hoa sữa, nhiều người thấy ngại và sợ? Thấy mỗi cây hoa sữa bị chặt hạ trên đường phố, hầu như ai cũng đồng tình. Vậy vì sao trước đây hoa sữa đã vào thơ ca làm say đắm bao trái tim? Hà Nội cuối thu đầu đông, nhiều người thích đi trên những con đường: Quang Trung, Nguyễn Du, Quán Thánh hay ven hồ Thủ Lệ, Thiền Quang… để thưởng thức, coi đó là hương vị của mùa lạnh?


Ngẫm thấy, sự “bi kịch” của hoa sữa trước hết do người quy hoạch cây xanh đô thị. Đầu thập niên 1990, nhiều đô thị phía nam có phong trào trồng hoa sữa, trong đó có Nha Trang. Nhiều con đường mới mở đều trồng hoa sữa, nhiều nhà có sân, góc rào cũng trồng hoa sữa. Những năm đầu, khi hàng cây hoa sữa còn tơ non xanh mơn mởn, ai cũng thầm hát bài “Hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng: “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm”, hay ngân nga ước vọng theo “Hà Nội mùa thu” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Mùa hoa sữa về thơm từng con phố”… Rồi sau vài năm, những cây hoa sữa bói đợt hoa đầu tiên với thưa thớt chùm hoa trắng ngà màu sữa làm cho các con phố thoang thoảng hương thật ngọt ngào thi vị. Nhưng tới mùa sau,  khi các nàng hoa sữa nở bung dữ dội, thì từ đấy những ngày cuối thu đầu đông, nơi có hoa sữa thực sự là “thảm họa” của mọi người. Mùi hương đậm đặc, ngạt quá trở nên khủng khiếp cho cư dân sống bên gốc hoa sữa và ai đi qua con phố đó lúc sẩm tối. Rồi phong trào chặt bỏ cây hoa sữa rộ khắp nơi.


Như vậy đã rõ, hoa sữa vốn là loài cây dại sống ở rừng núi, nơi nó sống là khoảnh trời bao la thoáng đãng. Giai đoạn thập niên 1960, Hà Nội và một số thị tứ miền Bắc có trồng nhưng chọn loại cây có tán cao và trồng thưa. Vả lại khi đó, thành phố thưa vắng người nên hoa sữa trở thành thi vị. Hoa sữa càng lâu năm tán càng cao nên mùi hương loãng. Còn hôm nay và những năm trước đó, trồng hoa sữa dày đặc theo cảm tính, nhà cửa, dân cư đều khác nên hiển nhiên hoa sữa không thích hợp.


Vậy hoa sữa là thứ bỏ đi? Không cái gì trên đời là vô vị cả, huống chi đây là một cây hoa. Hoa sữa rất đáng yêu, đáng quý nếu biết đặt đúng vị trí với sự vừa phải, như tô điểm cuộc sống đô thị. Như mỗi con phố chỉ một vài cây ở ngã ba có không gian rộng, những đại lộ lớn có vỉa hè rộng hay bên bờ sông, hồ nước… và nên tránh xa phố nhỏ, nhà đông. Có như thế hoa sữa mới thực sự đúng nghĩa là hoa của thi ca. Trồng một cây nhỏ cho cộng đồng cũng phải đầy tinh tế vì cây sẽ xanh theo thời gian của con người.


Dương Trang Hương