06:09, 13/09/2017

Nha Trang ngày về

Hắn nói, bây giờ mới có cảm giác được sống. Xa Nha Trang có hơn 10 năm lẻ, sống ở nơi phồn hoa đô thị, muốn gì đều có, vậy mà vừa đặt chân xuống máy bay hắn đã nói thế. Tôi lắc đầu cười. Có lẽ, cảm giác trở về nhà luôn là cảm giác được con người che giấu kín nhất, để rồi chỉ cần chạm đến là tự động bung ra.

Hắn nói, bây giờ mới có cảm giác được sống. Xa Nha Trang có hơn 10 năm lẻ, sống ở nơi phồn hoa đô thị, muốn gì đều có, vậy mà vừa đặt chân xuống máy bay hắn đã nói thế. Tôi lắc đầu cười. Có lẽ, cảm giác trở về nhà luôn là cảm giác được con người che giấu kín nhất, để rồi chỉ cần chạm đến là tự động bung ra.


Chở hắn trên chiếc xe máy cà tàng, gia tài sau 10 năm bôn ba ngoài đường, tôi thấy ái ngại cho hắn. Còn hắn cứ líu ríu sau lưng tôi hỏi đủ thứ chuyện. Hơn 10 năm lẻ ấy, biết bao chuyện đã xảy ra, nhưng với hắn, mọi thứ vẫn nguyên xi như ngày ra đi.


Hắn vốn là anh chàng sinh viên an ninh năm ba. Ngày gia đình xảy ra chuyện, hắn không làm chủ được bản thân, đã tự mình đưa ra quyết định điên rồ, để rồi sau đó hắn khóc trên vai tôi như một đứa trẻ. Hắn từ bỏ giảng đường đại học, từ bỏ một nửa ước mơ của hắn và tôi để đi làm. Tôi không thể khuyên hắn vì chính bản thân tôi cũng chỉ là một cô bé sinh viên, lấy gì giúp hắn đây? Hai đứa tôi cứ ôm nhau khóc như thế cả đêm trên cầu Sài Gòn. Ngày hôm sau, hắn đi - một chuyến đi dài.


Không ai biết hắn đi đâu, làm gì. Hắn biến mất như một làn khói. Thi thoảng, tôi nhận được những gói bưu phẩm gửi về, trên đó có ghi địa chỉ. Chỉ là khi tôi dò hỏi được thì hắn cũng “bốc hơi” rồi.


Hắn đi, để lại mình tôi lang thang khắp Sài Gòn, đến đâu cũng chỉ một mình. Nhiều lúc buồn, tôi đạp xe xuống trường của hắn ngồi hàng giờ ngoài cổng, mắt nhìn đăm đăm vào nơi hắn đã từng ăn, ngủ ở đó. Nước mắt tôi lăn dài. Nếu như tôi đủ dũng cảm như hắn, biết đâu tôi đã thực hiện được ước mơ của hai đứa. Và giờ, tôi sẽ không phải hối tiếc.


Ra trường, tôi trở về Nha Trang làm việc. Vẫn là con đường Trần Phú chạy dọc bờ biển, nơi tôi và hắn đạp xe dưới mưa ngày đi học. Ngày ấy, hắn nói, sau này nếu chúng ta xa nhau, cung đường này sẽ là nơi gặp mặt. Chỗ làm việc của tôi phải đi qua con đường Trần Phú, mỗi lần như vậy, sống mũi tôi lại cay. Không ngày nào tôi không nhớ nụ cười của hắn, nhớ ánh mắt hắn nhìn tôi mỗi lần tôi đạp xe đến gặp hắn. Bạn bè nói bao nhiêu năm rồi, có khi đến cả khuôn mặt tròn hay méo của tôi chắc gì đi ngoài đường hắn đã nhận ra, nhưng chỉ cần trong tim tôi còn nụ cười của hắn, còn cung đường kỷ niệm là còn nhớ, không quên.


Tôi vẫn thường chạy xe đến góc phố, nơi ngày xưa tôi và hắn cùng ngồi học bài với nhau. Nơi đây giờ là một quán cà phê sang trọng. Tôi nhớ, mình đã đếm không biết bao nhiêu giọt cà phê rơi, bao nhiêu giọt nước mắt khi trốn mình trong góc nhỏ bình yên ấy của tôi. Có lẽ, cô bé nhân viên biết tôi thích ngồi góc nhỏ đó nên lần nào vào cô đều để dành chỗ cho tôi. Ở đó, tôi là tôi. Ở đó, tôi có hắn. Hạnh phúc nhiều khi cân đo đong đếm chỉ khiến con người thêm mệt mỏi, vậy nên tôi chọn cho mình chút hạnh phúc nhỏ nhoi ấy để sống và tồn tại. Biết đâu, một ngày nào đó, hắn trở về như những nhân vật mà tôi và hắn đã đọc trong truyện.


Và hắn về thật! Không biết bằng cách nào hắn có được số điện thoại của tôi. Một buổi chiều như bao buổi chiều đã hẹn trong tháng, tôi cuộn mình trong góc quán cà phê gặm nhấm nỗi nhớ, điện thoại chợt rung lên. Là một số lạ. Tôi nhấn nút nhận cuộc gọi và đưa mắt lơ đễnh nhìn ra ngoài xa, nơi những hạt mưa to vừa rơi xuống đường. Cùng lúc đó tai tôi mơ hồ nghe được giọng nói từ nơi xa xôi nào đó vọng về, giọng nói mà trong mơ tôi vẫn hằng mong chờ: “Mình về rồi!”. Nước mắt tôi bỗng lăn dài.


Tôi đi chiếc xe cà tàng ra sân bay đón hắn. Dáo dác tìm, rồi tôi cũng bắt gặp khuôn mặt góc cạnh, vầng trán cương nghị và... cả nụ cười của hắn. Chợt hắn ôm chầm lấy tôi. Cả hai chúng tôi lại quay trở về cái đêm hôm ấy trên cầu Sài Gòn. Thời gian đằng đẵng, không gian xa ngái, chỉ là giờ đây, hai chúng tôi đã không còn trẻ nữa.


Hắn lại huyên thuyên hỏi về cuộc sống của tôi, về những tháng ngày không có hắn tôi sống ra sao. Tôi vẫn im lặng chạy xe. Đoạn đường 30km không quá dài so với quãng thời gian hai chúng tôi xa nhau. Tôi mặc kệ hắn nói, chỉ trỏ sau lưng, chỉ là tôi không biết điều gì sẽ đến với mình khi hỏi hắn những câu hỏi tương tự. Liệu nó có cho tôi một đáp án mong đợi nhất hay sẽ là nỗi buồn triền miên?


Huyên thuyên mãi mà không có câu trả lời, hắn đành im lặng. Hắn bắt đầu tựa đầu vào lưng tôi. Cảm giác quen thuộc này lại trở về. Ngày ấy, khi hắn chở tôi đi học, tôi thích được ngả đầu trên lưng hắn như thế này nhưng hắn không cho, nói bạn bè nhìn thấy sẽ không hay. Sau này vào đại học, hắn bị nhốt trong trường, thỉnh thoảng mới chạy lên Sài Gòn để thăm tôi. Hắn chở tôi lang thang khắp nơi, kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện về cuộc sống của hắn ở trường. Khi đó, ngả đầu trên lưng hắn, tôi thích thú nghe hắn kể chuyện và còn tưởng tượng ra mình là một thành viên trong đó, để rồi tôi và hắn cùng mơ một giấc mơ của riêng mình.

 
Về đến khách sạn, hắn để đồ đó rồi lôi tôi ra ngoài. Tôi lại chở hắn lang thang trên đường Trần Phú, đến những nơi tôi và hắn cùng trải qua những tháng ngày thanh xuân. Cuối cùng, tôi chở hắn về quán cà phê - nơi tôi vẫn ngồi mỗi tháng một lần. Dắt hắn vào quán, cô bé phục vụ ngạc nhiên nhìn tôi rồi lại nhìn hắn. Có lẽ, cô bé ngạc nhiên vì hôm qua tôi vừa đến, về lý thì sẽ không có mặt hay bởi hôm nay tôi đến cùng hắn? Kéo hắn vào chỗ ngồi quen thuộc, tôi cười gọi hai ly cà phê đen. Lúc này tôi mới có dịp nhìn kỹ hắn: vẫn thế, chỉ rắn rỏi hơn, đen hơn và già hơn.


Buổi chiều hôm ấy, chúng tôi ngồi ôn lại những kỷ niệm đã qua, cùng kể cho nhau nghe về quãng thời gian xa cách.


Hắn trở về như thế đấy. Nha Trang đón hắn về như đón một đứa con xa mẹ đã lâu, nay có dịp gặp lại. Biển vẫn hiền hòa như thế. Con đường Trần Phú vẫn như ngày nào, chỉ là ồn ào và đông đúc hơn. Nhưng ít ra, trong hắn, đó vẫn là con đường mà hắn không bao giờ quên.


Nguyễn Thị Phong Lê