06:07, 26/07/2017

Gió chiều hun hút

Sau ngày vợ mất, ông Trãi buồn đến mấy tháng trời, không nói, không cười, suốt ngày ngồi nhà, các cuộc vui của bạn bè mời gọi ông cũng dứt khoát từ chối.

Sau ngày vợ mất, ông Trãi buồn đến mấy tháng trời, không nói, không cười, suốt ngày ngồi nhà, các cuộc vui của bạn bè mời gọi ông cũng dứt khoát từ chối. Thấy ba thay đổi hẳn tính tình, ngày ngày nhìn ông đôi lúc ngồi yên bất động rồi thở dài, mấy đứa con rủ nhau ngày nào cũng bế các cháu đến thăm ông. Có khi chúng còn tổ chức những bữa cơm sum họp mấy gia đình cho ông vui. Thế nhưng, dù đôi lúc phải cười cười nói nói, ông cũng không thể vợi hết nỗi buồn sâu thẳm trong lòng. Những lúc bất chợt đó, ông lại lặng lẽ lần từng bước lên phòng thờ tầng trên, thắp nén nhang thơm trước hình ảnh của vợ rồi thì thầm “bà ơi, sao bà bỏ tôi đi sớm thế, có bao nhiêu điều tôi muốn nói với bà, đã nói hết đâu mà bà không cho tôi nói, giờ bà có nghe tôi được không...”.


* * *

 

Minh họa Xuân Đinh

Minh họa Xuân Đinh


Hồi ấy, chiến tranh đang còn ác liệt, tốt nghiệp cấp 3 xong thì anh Trãi có lệnh gọi lên đường nhập ngũ. Gia đình bắt phải cưới vợ trước khi đi bộ đội, anh vùng vằng không tán thành, đôi lúc cau có cãi lại, nhưng ông bà đã dứt khoát, thậm chí còn bỏ ăn để bắt con phải theo ý mình. Đối tượng mà bố mẹ “chấm” cho anh Trãi là chị Hoa làng bên, tuy không xinh đẹp nhưng hiền hậu, nết na và đảm đang có tiếng trong xã.


Vợ chồng chưa bén hơi thì tuần sau anh Trãi đã về huyện đội để lên đường. Hôm ấy trời chưa sáng, chị Hoa ôm mo cơm nếp thịt gà mà chị nấu từ canh tư chạy sấp ngửa sau chân anh. Gần đến nơi tập trung quân, anh xấu hổ quay lại gắt “cô về đi, cả xã người ta đi, đâu chỉ mình tôi mà đưa với tiễn”. Chị rân rấn nước mắt nói “kệ họ” rồi cun cút theo sau chồng. Mãi cho đến khi xe chở quân khuất bóng thì chị mới lủi thủi về nhà.


Cuộc đời quân ngũ của anh bôn ba nhiều đơn vị, sau giải phóng miền Nam chưa lâu thì anh sang tiếp Campuchia làm quân tình nguyện, cơ hội về phép ít, thư từ thì thưa thoáng, có chuyện gì thật cần anh mới viết vài dòng về hỏi thăm. Kể ra thời gian anh ăn ở với vợ chỉ đếm trên mấy đốt ngón tay.  


* * *


Vốn tính chịu khó, chịu khổ, đảm đang, chị Hoa ở nhà nhận mấy sào ruộng khoán, nuôi hai con bò, bốn con heo thịt, một đàn gà vịt; thuốc thang chăm sóc bố mẹ chồng bị bệnh già nằm liệt nhiều năm trời cho đến khi ông bà nhắm mắt xuôi tay về với tổ tiên. Chị còn sửa sang nhà cửa; dựng vợ gả chồng chu toàn cho các em bên chồng; nuôi dạy hai đứa con mạnh khỏe, học hành, ngoan ngoãn. Việc nhà, việc xã hội, việc họ hàng, giỗ chạp đều một tay chị lo toan đâu vào đấy. Lầm lũi thân cò một mình, đôi lúc buồn, tủi phận nhưng chị để nước mắt mặn chát lặn vào trong lòng.


* * *


Phục viên, anh không về quê mà ở lại Tây Nguyên, làm cán bộ cho một công ty cà phê. Đời lính đi qua, nay được bay nhảy bốn phương trời, thi thoảng có một vài mối tình vụng trộm lướt qua đời anh. Những lúc ấy, trong anh hình bóng người vợ già đen đúa nhạt nhòa sau lũy tre làng. Còn chị nơi xa xôi đó vẫn đau đáu chờ chồng, không một lời oán trách.


* * *


Ngày nhận được tin nhắn của đứa con gái út qua điện thoại “ba về gấp, mẹ ốm nặng”, anh nhảy vội lên xe đò đi gần hai ngày trời mới có mặt. Ở quê cả tuần nay mưa to, áo quần phơi giăng đầy nhà không kịp khô, chị nằm co quắp, nhỏ bé trên chiếc giường rộng thênh thang. Nghe tiếng chân bước vào thềm nhà, chị thều thào nói với con  “hình như ba chúng mày về rồi” rồi gượng nhổm dậy. Anh đỡ chị nằm xuống và giữ chặt đôi tay gầy guộc của vợ trong tay mình, xoa xoa hai bàn tay như để truyền hơi ấm từ mình sang. Lúc sau, anh cúi xuống nói nhỏ vào tai chị “tôi có lỗi với mình”, đôi môi khô héo của chị khẽ cười “chiến tranh mà anh”, rồi tay chị níu chặt lấy tay anh và thiếp đi.


Hôm sau, chị lặng lẽ ra đi, gần như cả xóm cùng đến để tiễn đưa chị ra nghĩa trang. Trời đã tạnh mưa, nhưng gió chiều cứ hun hút thổi qua mấy ngọn đồi. Trong lòng anh tự nhiên thấy trống trải, cô đơn vô cùng, anh ôm lấy mộ chị và khóc òa lên như một đứa trẻ.


. Truyện ngắn của PHÙNG NGUYÊN MỸ