12:06, 24/06/2017

Cái lò rèn ở quê tôi

Tôi không rõ ở các vùng quê khác ngày xưa người ta rèn đồ dùng bằng sắt như: dao, rựa, cuốc, rìu… bằng cách nào, riêng quê tôi, ngay ở đầu làng có một cái lò rèn, và từ khi lớn lên hình ảnh chiếc lò rèn đã in đậm trong ký ức tuổi thơ chúng tôi.

Tôi không rõ ở các vùng quê khác ngày xưa người ta rèn đồ dùng bằng sắt như: dao, rựa, cuốc, rìu… bằng cách nào, riêng quê tôi, ngay ở đầu làng có một cái lò rèn, và từ khi lớn lên hình ảnh chiếc lò rèn đã in đậm trong ký ức tuổi thơ chúng tôi.

Nói là lò, thực ra, đó chỉ là một túp lều nhỏ nằm dưới gốc một cây me cổ thụ, gốc to, sù sì, bên trong được đặt một cái lò để đốt lửa than cùng mấy thanh sắt to để làm đe, cộng thêm vài thứ như búa, giũa và một chậu nước.


Chủ lò rèn ở quê tôi ngày ấy là bác Ba Được, một người đàn ông to khỏe, có bộ râu mọc tua tủa, cánh tay luôn để trần, cơ bắp nổi cuồn cuộn… Thoạt nhìn, ai cũng tưởng bác Ba Được là người hung dữ, nhưng thực ra bác rất hiền lành, thấy ai đến bác cũng niềm nở chuyện trò, kể cả bọn nhỏ chúng tôi mỗi khi đến đây bác cũng đón tiếp bằng những nụ cười.


Ngày ấy, ở quê tôi, sau tiệm hớt tóc hay những quầy hàng xén nằm hai bên cái chợ nhỏ, thì lò rèn có lẽ là một trong những nơi mà bà con thường lui tới nhiều nhất. Người đến nhờ rèn dao. Người nhờ rèn lưỡi cày, lưỡi cuốc... Suốt ngày, từ cái lều nhỏ dưới gốc cây me già, lúc nào cũng vang lên những tiếng búa đập vào các thanh sắt. Từ một thanh sắt đỏ rực vừa được gắp ra đặt trên chiếc đe, dưới những nhát búa mạnh mẽ của bác Ba Được, chẳng bao lâu sau đã trở thành vật dụng để dùng theo yêu cầu của mọi người.


Nằm ngay bên đường nên cái lò rèn giống như nơi tụ họp của nhiều người trong làng. Người ta đến đặt rèn các thứ đã đành, nhiều người quen biết bác Ba Được, có việc đi ngang qua cũng ghé vào, trò chuyện đôi ba câu, hút điếu thuốc hoặc uống ly nước chè xanh có sẵn đặt trên bếp lửa đỏ gần đó. Chuyện làng, chuyện xóm, vui có, buồn có… thông qua trò chuyện chỗ lò rèn, tiếp tục được truyền đi khắp làng.


Ngày ấy, chúng tôi mới lên mười hai, mười ba, những buổi cho trâu ăn trên mấy cánh đồng gần đó thường ghé vào lò rèn của bác Ba Được để chơi. Trong lò có cái bệ lửa, để cho than cháy đỏ, người ta thiết kế  hai chiếc ống bằng thiết, bên trong có hai bó giẻ được buộc chặt vào hai cái cán. Để cho than được hồng, người ta ngồi trên một cái ghế cao, cầm hai chiếc cán đẩy lên, đẩy xuống, tạo nên sức ép bằng gió, đẩy càng mạnh, càng nhiều, độ nóng của lửa để trui sắt càng cao. Bọn nhỏ chúng tôi ngày ấy đứa nào cũng rất thích được giúp bác Ba Được làm việc này, vì khi làm, âm thanh phát ra từ hai cái ống thiết “phì phò, phì phò” rất vui tai, còn than lửa thì nổ tí tách, chưa kể đứa nào làm tốt còn được bác Ba Được khen là khỏe…

 
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 

Theo lời ông nội tôi kể thì cái lò rèn ở làng tôi có lâu rồi và bác Ba Được là lớp con cháu thuộc đời thứ tư hoặc thứ năm đã tiếp nối cha ông làm nghề này ở chính dưới chân cái gốc me cổ thụ. Chất lượng hàng của cái lò rèn truyền thống này thì khỏi phải chê. Tôi nhớ hồi ấy, ở làng chúng tôi thợ hớt tóc còn ít. Bọn trẻ lớn lên, nhiều đứa khi tóc dài thay vì được ra hiệu, cha mẹ chúng tôi thường nhờ bác Ba Được rèn cho những chiếc dao cạo nhỏ. Dao tốt đến mức, rất nhiều lần mẹ tôi dùng nước thấm lên đầu tôi rồi cạo trong một lát để rồi sau đó khi soi gương tôi thấy cái đầu mình bóng trăng, không còn một sợi tóc nào…


Chiến tranh ùa tới, mọi thứ bị bom đạn thiêu rụi. Chúng tôi lớn lên, đứa tòng quân, theo các đơn vị bộ đội chủ lực, đứa tham gia du kích tại địa phương. Ngày hòa bình, khi chúng tôi về lại, xóm làng thành bãi hoang. Cái lò rèn, nơi in đậm bao kỷ niệm của làng xóm thân yêu chỉ còn là một khu đất trống nằm dưới cây me già cụt ngọn cùng cái gốc sần sùi vì vết đạn, vết bom. Những ngày chiến tranh ác liệt, bác Ba Được  cũng tham gia du kích và ông đã vĩnh viễn ra đi trong một trận chống càn…


Hôm qua, tôi về thăm làng, chú tôi ngồi chẻ tre đan nong. Chiếc rựa trên tay chú bén ngọt lướt qua từng nan tre già. Thấy tôi nhìn chăm chú chiếc rựa, chú tôi bảo: Cái rựa này bén lắm, rèn từ thời ông Ba Được, mấy chục năm rồi, chú giữ lại mà bây giờ vẫn dùng tốt.


Tôi đi dạo vòng vòng quanh các xóm, cuối cùng lại tới chỗ cái lò rèn ngày xưa. Nhìn cây me già cụt ngọn, chỉ lơ thơ vài chùm lá, bất chợt mọi chuyện náo nhiệt ở cái lò rèn ngày nào hiện về như mới hôm qua. Nhìn cảnh cũ tôi nhớ đến bài thơ “Bến lò rèn làng tôi thuở nhỏ” của nhà thơ Huy Cận. Có lẽ ở làng nhà thơ cũng có một cái lò rèn giống ở làng tôi, như lời thơ ông đã viết: …Bếp lò rèn làng tôi thuở nhỏ/Tôi nhìn hoài, không chán, không về/Sắt đập sắt, nguội rồi, lại đỏ/Cái lò cừ thôn xóm sớm khuya/Bác thợ rèn - Ông thần phép lạ/Ngực để trần hồng nâu ánh lửa/Bác cho tôi đốm lửa ban sơ/Tôi luyện rèn năm tháng thành thơ…


HOÀNG NHẬT