05:05, 17/05/2017

Trái xoài trong dân gian

Tháng 5, cây xoài nở rộ hoa. Nhiều hoa rụng xuống, nhưng cũng có nhiều hoa kết trái. Những vườn xoài rợp bóng mát, lúc lỉu những quả xoài đong đưa theo gió… Nông dân ta có kinh nghiệm trồng trọt, ba năm thì mít đóng đài/Cây cam có nụ, cây xoài có bông.

Tháng 5, cây xoài nở rộ hoa. Nhiều hoa rụng xuống, nhưng cũng có nhiều hoa kết trái. Những vườn xoài rợp bóng mát, lúc lỉu những quả xoài đong đưa theo gió… Nông dân ta có kinh nghiệm trồng trọt, ba năm thì mít đóng đài/Cây cam có nụ, cây xoài có bông. Nhưng không phải năm nào cũng được mùa xoài, được mùa xoài thì còi mùa lúa và trái lại được mùa lúa thì úa mùa xoài.

Nước ta có nhiều loại xoài: xoài cát, xoài tượng, xoài thanh ca, xoài canh nông, xoài gòn, xoài cóc… Theo nghiên cứu, ta thấy có trên 50 giống xoài. Đó là chưa kể các loại xoài từ nước ngoài du nhập vào: xoài Thái Lan (xoài Xiêm), xoài Đài Loan, xoài Úc, xoài Tà Keo ở Campuchia… Cây xoài được ương bằng hột, nên có câu: Ăn xoài lấy hột mà ương/Làm thân con gái chớ thương chồng người. Thời gian trôi, cây xoài ra trái. Trái xoài lúc la lúc lắc trên cây cũng là hình ảnh cho cô gái tự hỏi: Bớ bạn nhân tình ơi!/Thân em như trái xoài trên cây/Gió đông, gió tây, gió nam, gió bắc/Nó đánh lúc la, lúc lắc trên cành/Một mai rơi xuống biết đành vào tay ai? Rồi thời gian trôi, ba năm duyên mãn đã rồi/Cây khô lá rụng em còn ngồi chờ ai/Em ngồi chờ củ chờ khoai/Chờ cam, chờ quýt, chờ xoài chín cây.


Thuở nhỏ, tôi thích ăn xoài cà lăm. Nó là biến thái của xoài tượng. Xoài không có giá trị về kinh tế, ăn không ngon, nhưng tụi nhỏ thích cái hột xoài cà lăm này lắm. Hột của nó rất to, tụi nhỏ dùng hột xoài này để làm đồ chơi, làm cối xay lúa. Trẻ em ngày nay, không mấy đứa biết làm và biết chơi trò này. Xoài cà lăm coi như món quà quý của tuổi thơ sống nơi đồng ruộng, Chiều chiều én liệng cò bay/Bâng khuâng nhớ bạn, bạn rày nhớ ai?/Bạn rày nhớ củ, nhớ khoai/Nhớ cam, nhớ quít, nhớ xoài cà lăm.


Xoài sống, có thể bán trái sống hay đem dú cho xoài chín. Dú tức là đem xoài sống để trong rơm, lá…, ủ xoài cho kín để gây nhiệt, giữ nhiệt cho xoài chín. Miền Bắc gọi là “dấm” hay “rấm”. Người dú xoài bằng rơm hay bằng lá thầu đâu, miền Bắc gọi là lá cây xoan dâu. Sức nóng của rơm, của lá tỏa ra làm cho trái xoài chín từ từ, da xoài từ màu xanh dần dần đổi ra màu vàng. Khi dú khoảng 5 ngày 5 đêm người ta phải thăm chừng. Những trái chín trước hay bị nủng (thối) đầu, phải lấy ra bán trước. Sau này khoảng năm 1960, người ta dú xoài bằng đá carbua, trái xoài ít hư thối, mẫu mã đẹp.


Người ta dùng trái xoài làm món ăn thì… vô vàn cách. Xoài sống thì gọt vỏ, dùng dao bằm nhiều nhát trên trái xoài, rồi xắt ra thành những cọng nhỏ, rải lên trên cá chiên, cá kho, chan mắm chanh tỏi ớt đường lên là món ăn ngon tuyệt. Người mẹ ru con ngủ bằng lời ru: Con ơi con ngủ cho say/Mẹ đi kiếm cá bằm xoài con ăn. Những sợi xoài xắt ra đó còn có thể bỏ vào mắm chanh tỏi ớt, mắm ruột, mắm nêm… ăn bánh ướt, bánh xèo…, hay trộn với rau sống, trộn làm các món gỏi với các trái, củ, thịt, mực… Xoài sống còn xắt ra từng miếng chấm với muối ớt, muối tôm, mắm ruốc hay nước mắm pha nhiều đường cát, dân nhậu rất thích món này: Nước ròng, bìm bịp kêu hoài/Đợi em chưa thấy, hái xoài nhậu chơi. Lại còn có người vợ: Đói lòng ăn trái xoài xanh/Để cơm ngon dưỡng cho anh đôi ngày. Xoài sống lại còn làm mứt, làm xoài dầm chua ngọt cay giòn…


Xoài chín ngoài dùng ăn tráng miệng, còn dùng để làm sinh tố, làm kem xoài, thạch xoài, một số loại bánh xoài. Huyện Cam Lâm là nơi trồng nhiều xoài nhất tỉnh. Bánh tráng xoài được làm từ những quả xoài chín mọng, ngọt nước và hương thơm của vùng Cam Lâm. Nơi đây có cả một làng nghề làm bánh xoài cung cấp khắp cả nước, một đặc sản ít nơi nào có. Bánh tráng xoài làm từ phần cơm của trái xoài chín, đem xay nhuyễn và vắt lấy phần nước xoài. Đem phần nước này nấu lên cho đến khi nước trở nên sền sệt. Đưa phần nước này lên nia, dát mỏng và đem phơi nắng 1 - 2 ngày cho bánh khô. Bánh xoài có màu cánh gián, vị ngọt thanh như mạch nha Quảng Ngãi. Đọt lá xoài cũng là một món ngon: Biết anh thích mắm cá trèn/Nên em chịu khó bẻ thêm đọt xoài.


Ngày Tết, đơm trên bàn thờ tổ tiên mâm ngũ quả, không quên đơm trái xoài với trái mãng cầu, trái đu đủ, trái sung, trái dừa và cầu mong “Cầu sung vừa đủ xài”, “dừa” thành “vừa”, “xoài” thành “xài”, chỉ cần cầu mong như thế trong năm mới.


Cuối cùng, có ai đi ngang qua vườn xoài, có thèm thì xin, thì mua, không như anh chàng này: Thò tay hái trộm trái xoài/Làng xóm bắt được đánh hai chục đòn/Đắng cay như trái bồ hòn/Bầm gan tím ruột, dạ nào thương em?


NGÔ VĂN BAN