11:03, 24/03/2017

Góc bếp của mẹ

Gần hết một đời người rồi mà mẹ vẫn thấy thế giới của mình ngày xưa và bây giờ cũng như nhau cả, chỉ quẩn quanh trong căn nhà nhỏ, từ nhà ra chợ rồi lại về nhà cùng chiếc xe đạp cũ, loanh quanh nơi góc bếp.

Gần hết một đời người rồi mà mẹ vẫn thấy thế giới của mình ngày xưa và bây giờ cũng như nhau cả, chỉ quẩn quanh trong căn nhà nhỏ, từ nhà ra chợ rồi lại về nhà cùng chiếc xe đạp cũ, loanh quanh nơi góc bếp. Vì mẹ có biết đi xe máy đâu, và vì bếp núc là công việc của mẹ. Mẹ nhớ hôm nào đó nhỉ, được con chở đến XQ sử quán, mẹ ở phố mà lại như người từ quê ra phố, ngỡ ngàng bảo từ thuở bé đến giờ mẹ mới đến một nơi đẹp như thế. Mẹ cũng thích ăn bún chả ở cái quán gần nhà, nói là gần nhưng trừ những lúc con nằn nì chở đi, chứ mẹ ngày nào cũng đi ngang qua đó mà có khi nào đặt chân vào đâu. Chẳng phải mẹ trách chúng nó ít đưa mẹ đi đây đi đó, mà là mẹ không thích đám đông, không thích xô bồ nên lúc nào cũng ngần ngại, chẳng đi đâu xa hơn cái chợ quen thuộc.


Ừ, thì thế giới của mẹ chẳng có gì cả. Không xa hoa, không rực rỡ sắc màu, chỉ quẩn quanh căn nhà, góc bếp nhỏ ấy thôi. Từ thuở còn là cái bếp nơi vách đất đun nấu bằng mùn cưa, vỏ trấu hay rơm rạ đến bếp củi, bếp dầu, rồi bếp gas bây giờ. Góc bếp có hũ mắm tôm đứa em họ mang từ bắc vào cho, mỗi lần mở nắp lại bị các con bảo bay mùi quá, nhưng không có thứ ấy thì đào đâu ra món canh cua hay nồi riêu ngon ngọt để chúng nó khen lấy khen để. Góc bếp có chai mật ong nhãn mẹ gửi một bà hàng bán đồ khô ở chợ Xóm Mới mua về từ Hưng Yên, quê ngoại của mẹ. Mặc kệ chúng nó cứ lăn tăn đặt dấu chấm hỏi cho chất lượng của nó thì mẹ vẫn tin tưởng đó là mật ong thật, vì bà bán hàng là đồng hương với mẹ, ai lại lừa nhau bao giờ. Góc bếp có hũ kỷ tử, dầu gấc mẹ ngâm để thoa bóp chân tay cho đỡ nhức. Góc bếp lỉnh kỉnh chai với lọ, vứt cái nào mẹ cũng thấy tiếc vì tự nhủ thể nào rồi cũng có lúc cần dùng đến, có cái từ mấy chục năm trước như lon sữa Guigoz bằng nhôm chẳng hạn. Rồi mấy chai nước mơ bạn mẹ tặng dịp Tết năm nảo năm nào, cứ tồn tại qua tháng năm như một góc kỷ niệm. Góc bếp ấy còn là nơi bao năm mẹ tẩn mẩn nấu nấu xào xào cho chóng qua thời gian khi ở nhà một mình, đợi những đứa con đi làm về, những đứa cháu đi học về.


Góc nhỏ ấy, hết tháng này qua năm nọ mẹ chẳng thấy buồn chán đâu. Bởi đó là cả thế giới của mẹ. Một thế giới với những mùi những vị, có khi mặn khi nhạt, có khi thơm phức, lúc lại tanh nồng... nhưng luôn là một chốn ấm áp. Để các con có đi đâu về đâu, có lang thang bao nhiêu quán xá sang trọng rồi thì cũng về bên mẹ, ăn những món ăn dung dị từ tay mẹ làm, những món quen mà dẫu có thèm chúng cũng chả nấu vì kỳ công.


Thế nên, thấy con gái có ý định mua bếp điện thay cho cái bếp gas cũ, mẹ lại cản. Có lẽ cái bếp điện với mặt gương sáng loáng sẽ làm không gian ấy trở nên hiện đại hơn, nhưng mẹ có biết chi về công nghệ đâu, cứ cảm ứng này cảm ứng nọ, mẹ chóng quên lắm. Cũng có lúc mẹ nghĩ chắc chúng nó không muốn mẹ đụng tay đụng chân ở cái tuổi về già, nhưng mẹ không lui cui ở bếp thì còn biết đi đâu nữa. Và còn bởi có già đến đâu mẹ vẫn muốn mình là người giữ lửa gia đình bằng những món ăn đã thuộc lòng từng đứa con một, kêu chúng về quây quần cùng mẹ một ngày nào đấy chúng không bận bịu, không tiệc nọ tiệc kia, dù đứa nào đứa nấy đã có mái ấm riêng. Để chúng được hít hà những mùi vị quen thuộc. Mùi tía tô om cà dĩa hay lá lốt om chuối ốc. Mùi cá đồng kho với lá gừng, lá nghệ mẹ trồng ở trước nhà. Mùi riềng của món giả cầy. Mùi lá mơ rán trứng. Mùi của nồi canh cá nấu mẻ hay tô canh cua rau đay có xen nhúm rau nhút thơm thơm... Nó cũng là mùi của mẹ đấy thôi. Mà có đứa nào nhận ra đó còn là mùi của yêu thương không nhỉ. Giờ thì tình yêu của mẹ dành cho con chỉ thể hiện thầm lặng được như vậy thôi, đó là đem đến những bữa cơm có đủ đầy những đứa con, có đầm ấm của sự sum vầy.


Thế nên, dù mẹ cả đời chẳng đi khỏi cái góc bếp nhỏ nhoi ấy thì cũng có sao đâu.


B.T