08:11, 12/11/2016

Thả nơm đơm tép

 Mỗi năm, sau ngày 23-10 âm lịch, chuồn chuồn bắt đầu tung cánh bay thiệt cao giữa tầng trời xanh thẳm, hoa bìm bìm nở trắng cả bến sông, cò, vạc, bói cá, bồ nông tìm về đậu đầy trên bụi tre cao vút, có nghĩa là trận lụt cuối cùng đã theo nguồn ra biển bạc,.....

1. Mỗi năm, sau ngày 23-10 âm lịch, chuồn chuồn bắt đầu tung cánh bay thiệt cao giữa tầng trời xanh thẳm, hoa bìm bìm nở trắng cả bến sông, cò, vạc, bói cá, bồ nông tìm về đậu đầy trên bụi tre cao vút, có nghĩa là trận lụt cuối cùng đã theo nguồn ra biển bạc, để lại hai bên bờ lớp bùn non nứt nẻ, khô sần như đồng ruộng vào mùa hạn. Đó cũng là lúc tôm tép trong hang chui ra đẻ con, đỏ rực khúc sông quê. Ba lôi mấy cái nơm nhuộm đầy muội khói trên chái bếp, ngâm dưới bến sông, kỳ cọ cho sạch.


Ba tự tay làm nơm hết thảy. Ba ra nói với dì Tám một tiếng, đưa ít tiền, hạ cây tre già, chẻ nhỏ, chuốt thành những thanh dài hơn một thước, to bằng ngón tay cái. Một đầu nhọn, vững chãi làm chân, còn đầu kia mỏng tanh, uốn cong được. Ba bó thành từng cọc, đem treo trên chái bếp cả tháng cho muội khói và bồ hóng bám vô để có độ bền và dẻo. Lúc chuẩn bị đan, ba lôi xuống, ngâm nước sông một buổi cho mềm. Ba lấy dây cước, cột những thanh tre thành một khối hình chóp, túm đầu mỏng tanh về một mối. Dưới bụng nơm là cái lưới đan bằng tre vót nhỏ, mỏng dính, thanh này gác lên thanh kia chặt khừ, để con tép lọt vô mà không tài nào chui ra được.  


Với người đi câu lâu năm như ba, từng ngóc ngách, hang sâu, ngõ hẹp dưới lòng sông nằm sẵn trong đầu. Thế nên việc tìm chỗ con tép trú thân và thói quen đi kiếm ăn của nó là chuyện không khó. Tép là loài bơi ngược dòng, ngược gió và sợ ánh nắng mặt trời nên toàn ra khỏi hang vào lúc trời chưa sáng hẳn, nước còn lạnh. Ba nhẹ nhàng chèo tới, đặt nơm xuống, để bụng ngược dòng nước, lấy dây cột kỹ, rồi chèo ghe đi thả lưới chỗ khác. Tép bơi thành đàn, chui tọt vô nơm. Tiêu đời. Cố sức vẫy vùng cũng chẳng thể nào thoát được ra. Nắng lên, nước ấm, những con còn sót lại bơi vô hang, hay chui xuống bùn tránh nóng. Ba tới giở nơm, đầy ứ hự hàng ngàn con tép màu nâu đất, bụng trong suốt, ngoe nguẩy sợi râu bé tí xíu trên đầu lạ lẫm.


2. Năm tôi sáu, bảy tuổi, vào một đêm mưa cuồng gió giật, ba đi đơm tép về, gõ cửa rầm rầm. Cả nhà lật đật bật đèn dậy hết chạy ra coi. Ba thả xuống sân, cạnh gốc đào, hai nơm đầy ứ hự và mấy bao tải cột chặt mớ tép đang cố gồng mình búng tanh tách để nhảy ra ngoài. Ba vừa kể vừa mừng: “Gặp trúng cái hang, trời ơi, nhiều vô kể, tui phải vác lên bờ tới mấy bận. Nếu có đứa nào ở đó, chắc gấp đôi số này má Hiệp* ạ”.


Má lật đật hối mấy đứa con ra giếng xách nước đổ vô thau, rửa tép cho sạch, rồi để ráo. Hình như gần một chục thúng. Sáng hôm sau, má đem ra trước nhà trường bán cho bà con chòm xóm. Ai cũng tấm tắc khen tép chi mà tươi dữ. Má giữ lại gần hai thúng, lấy hơn nửa rải trên thềm xi măng phơi khô, bỏ vô bao treo trên gác bếp để ăn dần. Suốt tuần sau đó, nhà tôi ăn toàn những món liên quan tới tép: canh tép, gỏi tép, bánh xèo tép, mắm tép, có khi rang một tô ngồi bốc ăn không. Tất tần tật tép.


Đúc bánh xèo với rổ tép tươi xanh vào lúc trời mưa thì khỏi chê. Cả nhà tụ lại, mỗi người mỗi tay, ngâm gạo, xay bột, rửa giá, lặt rau, nấu mắm, xắt mỡ, cắt hành, một lát là xong. Nhúm hai lò than thiệt hừng, bỏ khuôn lên, thảy vô miếng mỡ. Khuôn nóng, mỡ ra mướt rượt. Thả tép vô. Cháy thơm lựng. Đổ bột. Xèo. Sướng tai. Hốt nhúm giá để chính giữa, đậy nắp lại cho chín. Bánh xèo tép phải để thiệt giòn nhưng không được cháy vì sẽ phai đi vị ngọt. Mọi người bưng đĩa ngồi chờ, vớt ra cái nào, gắp bỏ vô cái nấy, chan mắm liền liền, thêm ớt, gắp rau, trộn đều, lua một phát. Bánh còn nóng, lại nhiều mỡ, đi xuống bụng ấm hẳn cả ruột gan giữa chiều mưa rả rích.


Nắng lên, nóng bức. Canh tép với bầu tuy mát tận ruột gan nhưng ăn hoài cũng ngán; còn đúc bánh xèo giờ này thì không rồi, thôi làm gỏi tép dưa leo cho mát miệng. Mở bao chái bếp, lấy một tô tép khô, rang sơ cho chín. Con tép vàng ươm, thơm nức mũi. Dưa leo rửa sạch, để nguyên vỏ cho giòn, lấy dao hai lưỡi cắt tròn, thiệt mỏng. Đổ hết vô thau, nặn chanh hay giấm, bóp nhẹ để dưa héo lại, ra bớt nước đổ bỏ để gỏi được khô hơn. Làm chén nước mắm ớt tỏi, chanh đường, đổ vô, bỏ tép vào, lấy đũa trộn đều cho thấm. Gỏi tép dưa leo ăn với bánh tráng mè giòn rụm. Bẻ miếng bánh làm muỗng, xúc ít gỏi, nhai rau ráu. Con tép bé xíu xiu, nhai một hồi đâm ra ngọt lịm, dưa leo còn giòn, ớt cay xè, cộng với vị chua của chanh, hai ba ràng bánh tráng cũng hết.


3. Đó là lần duy nhất tôi thấy ba mang về nhiều tép đến thế. Những bận sau này, ba đơm được nhiều nhất là một thúng, không thì lưng chừng vài rổ là cùng. Tới giờ, sông Dinh ô nhiễm lắm rồi. Người ta làm đập chị Trừ chặn dòng giữ nước tưới tiêu, rồi làm bờ kè dọc hai bờ sông ngăn lụt. Những bụi tre, cây đa, bụi dúi, cây mắm, cây keo giờ đã chìm sâu vào ký ức. Tôm cá, cua ghẹ, sò ốc gì cũng eo sèo. Món tép huyền thoại sông Dinh đã trở thành dĩ vãng. Nếu có, chỉ èo uột vài nhúm, bỏ vô cối giã giập giập, nấu tô canh bầu ăn cho mát miệng.


Hai mươi mấy năm dâu bể, đá núi cũng mòn, sông Dinh cũng khác, huống hồ gì mấy con tép bé xíu cong mình búng tanh tách năm xưa, chắc đã xuôi dòng đi đâu mất biệt.


NGUYễN HỮU TÀI