22:14, 12/05/2023

Vào mùa lễ Mẫu tháng Ba

GIANG ĐÌNH

Khánh Hòa được xem là một trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Cứ mỗi lần đến mùa lễ Mẫu tháng Ba (âm lịch), người dân, khách hành hương, khách thập phương lại nô nức đến với các lễ hội: Am Chúa, Tháp Bà Ponagar và địa danh Suối Đổ.

Cứ mỗi độ tháng Ba âm lịch, chúng ta lại bắt gặp hình ảnh những dòng người từ các nơi trong và ngoài tỉnh đi đến những di tích, địa chỉ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Những đoàn hành hương trong trang phục đẹp mắt, thành tâm dâng lên Thánh Mẫu những lễ vật giản dị để nguyện cầu quốc thái dân an, những điều tốt đẹp sẽ đến với cộng đồng, gia đình và bản thân. Trò chuyện với bà Nguyễn Thị Nguyên - thành viên đoàn Bửu Lâm Ngọc (xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa), chúng tôi được biết, đây là một trong những đoàn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu có số lượng thành viên lên đến hơn 200 người. Cứ mỗi độ tháng Ba âm lịch, các thành viên trong đoàn lại sửa soạn lễ phẩm, tập luyện lại các tiết mục hát văn, múa bóng để đi dự lễ hội. 

Một gia đình người Chăm thực hiện lễ cúng dâng Mẹ xứ sở nhân dịp lễ hội Tháp Bà Ponagar.
Một gia đình người Chăm thực hiện lễ cúng dâng Mẹ xứ sở tại Lễ hội Tháp Bà Ponagar.

Ông Kiều Hoàng Miễu (dân tộc Chăm ở xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) cho biết, cứ mỗi dịp lễ Mẹ xứ sở Po Inư Nagar, gia đình ông cùng một số gia đình khác trong vùng lại đi đến các địa điểm tổ chức lễ hội ở Khánh Hòa để dâng hương, hoa, trái cây lên lễ Mẹ. Năm nay, đoàn của gia đình ông có 35 thành viên đã đi dự Lễ hội Am Chúa, đến Suối Đổ và tham gia Lễ hội Tháp Bà Ponagar. Dù thời gian hành hương về với Mẹ xứ sở kéo dài gần cả tháng, nhưng mỗi người trong đoàn đều cảm thấy phấn chấn vì đã được bày tỏ tấm lòng của mình. 

Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Khánh Hòa từ bao đời nay đã có sự giao thoa, cộng hưởng văn hóa với tín ngưỡng thờ Mẹ xứ sở Po Inư Nagar của đồng bào Chăm để cùng làm nên vẻ đẹp độc đáo tại những di tích Am Chúa, Suối Đổ, Tháp Bà Ponagar. Người dân Khánh Hòa từ xa xưa đã lưu truyền câu “Am Chúa hiển nhân, Tháp Bà hiển thánh”. Theo truyền thuyết, ngày Thánh Mẫu Thiên Y A Na giáng trần tại Am Chúa là vào mùng 1-3 âm lịch, còn ngày Mẫu thăng thiên tại Tháp Bà là 23-3 âm lịch. Ngày vía Bà ở Suối Đổ thường diễn ra vào các ngày 8, 18, 28 hàng tháng, nhưng quan niệm của nhiều người vẫn cho rằng ngày vía vào 18-3 âm lịch là ngày linh thiêng nhất trong năm. Vậy nên, tháng Ba âm lịch là mùa lễ Mẫu ở xứ Trầm Hương. Bởi từ ngày 1 đến 3-3, người dân và khách thập phương nhộn nhịp đi Lễ hội Am Chúa; đến ngày 18-3, lại rủ nhau cùng về diện kiến Mẫu ở danh thắng Suối Đổ; từ ngày 20 đến 23-3, mọi người nô nức về với Lễ hội Tháp Bà Ponagar. Hành trình di sản về tín ngưỡng thờ Mẫu ở Khánh Hòa trong suốt tháng 3 âm lịch chính là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân. Đến với các lễ hội tín ngưỡng thờ Mẫu, người dân, du khách được xem các nghi thức truyền thống, như: Lễ tắm tượng, lễ tế cổ truyền, nghi thức dâng hương, biểu diễn hát văn - múa bóng dâng Mẫu…

Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, hàng năm, lễ hội tín ngưỡng thờ Mẫu được tổ chức định kỳ tại di tích Am Chúa, Tháp Bà Ponagar với sự tham gia đông đảo của cộng đồng cư dân Khánh Hòa và các đoàn hành hương trong khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Việc tổ chức các lễ hội nhằm duy trì nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc sắc. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương; đồng thời quảng bá nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của cư dân vùng đất Khánh Hòa đến nhân dân, du khách trong và ngoài nước.

Giang Đình