11:03, 07/03/2023

Vũ điệu Chăm dưới chân tháp cổ

Ai đã từng đến di tích Tháp Bà Ponagar sẽ bị thu hút bởi tiếng trống, tiếng kèn và những điệu múa Chăm uyển chuyển. Hơn 15 năm qua, những vũ công, nhạc công người Chăm nơi đây đã góp phần đưa nét văn hóa truyền thống của đồng bào đến với du khách gần xa.

Ai đã từng đến di tích Tháp Bà Ponagar sẽ bị thu hút bởi tiếng trống, tiếng kèn và những điệu múa Chăm uyển chuyển. Hơn 15 năm qua, những vũ công, nhạc công người Chăm nơi đây đã góp phần đưa nét văn hóa truyền thống của đồng bào đến với du khách gần xa.

Không gian rộn ràng


Trong không gian linh thiêng của tháp cổ, từng phiến đá, hòn gạch, đến những phù điêu, họa tiết đều gợi nhắc về một nền văn hóa lâu đời, đậm bản sắc. Hòa trong không gian đó, tiếng trống, tiếng kèn vang lên rộn rã đã níu bước chân mọi người đến với màn biểu diễn của các vũ công, nhạc công người Chăm. Dưới bóng tháp cổ, những vũ công trong bộ trang phục dân tộc đẹp mắt, tay cầm quạt, đầu đội lu nước, uyển chuyển biểu diễn cho du khách xem các tiết mục như: Bến nước tình yêu, Chiếc khăn duyên, Tình làng gốm, Mùa xuân trên tháp cổ… Các nhạc công cũng hòa mình vào nhịp trống ghinăng, tiếng kèn saranai. “Tôi đã tham gia biểu diễn ở đây từ những ngày đầu thành lập đội văn nghệ. Hơn 15 năm qua, tôi luôn thấy vui và tự hào khi hàng ngày gửi tới du khách những giai điệu âm nhạc Chăm truyền thống”, nhạc công Vạn Ngọc Chí chia sẻ. Vũ công Dương Thị Ngọc Nga cho biết: “Để biểu diễn được những điệu múa Chăm đẹp mắt, mỗi vũ công phải thuần thục các kỹ thuật múa chong, múa dền, múa stra, múa bóng…; rèn luyện cách biểu diễn với từng loại đạo cụ như: khăn, quạt, lu nước, dây đai. Tất cả kết hợp lại với nhau một cách hài hòa nhất trong từng điệu nhạc để tạo nên các tiết mục hay phục vụ khán giả”.

 

Dưới chân tháp cổ, các thiếu nữ Chăm duyên dáng trong từng điệu múa.

Dưới chân tháp cổ, các thiếu nữ Chăm duyên dáng trong từng điệu múa.


Hoạt động biểu diễn múa Chăm đã trở thành một sản phẩm độc đáo đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến di tích Tháp Bà Ponagar. Qua thời gian, hình ảnh về đội văn nghệ Chăm ngày càng được đông đảo du khách lưu lại và truyền bá đi khắp muôn phương. “Những tiết mục múa ở đây giúp chúng tôi biết về một nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam. Tôi sẽ giới thiệu với bạn bè về những bức ảnh tôi đã chụp được ở đây”, chị Yang Hei-Ran (du khách Hàn Quốc) chia sẻ.


Đưa văn hóa Chăm đến với bạn bè


Ông Đổng Xuân Dương được gọi là “ông bầu đội múa Chăm” ở Khu di tích Tháp Bà Ponagar. Từ năm 2002, ông Dương thường đưa các đội múa Chăm ở huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận) ra biểu diễn vào mỗi dịp lễ hội Tháp Bà Ponagar. Đến năm 2007, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đã chính thức đưa hoạt động múa Chăm vào sinh hoạt văn hóa thường xuyên. “Để có được các nhạc công, vũ công đồng ý ra biểu diễn ở di tích Tháp Bà Ponagar trong một thời gian dài, tôi đã phải đi khắp các làng ở trong huyện để vừa tìm những người biết múa, biết chơi nhạc cụ, vừa thuyết phục để gia đình họ đồng ý cho con cháu mình đi làm việc ở xa. Tôi còn mời các biên đạo múa về dựng bài, tập luyện cho các em, các cháu”, ông Dương nhớ lại.


Thời kỳ đầu mới thành lập, mọi kinh phí từ việc ăn ở, đi lại, mua sắm trang phục, nhạc cụ, đạo cụ, dàn âm thanh đến tiền lương của các thành viên trong đội đều do ông Dương tự bỏ ra. Đội văn nghệ có 8 người, gồm 3 nhạc công và 5 vũ công. Các thiếu nữ trong đội múa Chăm thường từ 18 đến 22 tuổi, cứ sau vài năm lại có một số thành viên lập gia đình nên ông Dương lại phải thành lập đội mới và tập luyện từ đầu. Nhằm gia tăng màu sắc văn hóa Chăm ở di tích Tháp Bà Ponagar, ông còn giới thiệu nghề dệt thổ cẩm, nghề làm gốm đến bạn bè, du khách. Sau hơn 15 năm, hoạt động của đội văn nghệ Chăm cũng như các nghệ nhân dệt vải, làm gốm ở di tích Tháp Bà Ponagar đã góp phần tô điểm thêm màu sắc văn hóa độc đáo phục vụ du khách.

 

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Trưởng Ban quản lý di tích Tháp Bà Ponagar: Hoạt động múa Chăm cũng như các loại hình khác đã góp phần phát huy giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc đến với du khách trong và ngoài nước. Các thành viên trong đội văn nghệ Chăm cũng có sự chủ động trong việc tập luyện các tiết mục mới. Đặc biệt, đội đã thực hiện được các tiết mục múa apsara để phục vụ du khách được tốt hơn.


Giang Đình