10:06, 12/06/2022

Các di tích ở Diên Khánh: Giá trị chưa được phát huy

Với bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) vẫn còn giữ được những di tích có giá trị to lớn. Bên cạnh nỗ lực giữ gìn, cơ quan chức năng vẫn còn băn khoăn với việc phát huy giá trị di tích một cách bền vững.

 

Với bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) vẫn còn giữ được những di tích có giá trị to lớn. Bên cạnh nỗ lực giữ gìn, cơ quan chức năng vẫn còn băn khoăn với việc phát huy giá trị di tích một cách bền vững.


Có 118 di tích và dấu hiệu di tích


Qua khảo sát, thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện Diên Khánh có 118 di tích và dấu hiệu di tích, trong đó có 47 di tích cấp tỉnh và 5 di tích cấp quốc gia gồm: Am Chúa, thành cổ Diên Khánh, văn miếu Diên Khánh, đền thờ Trần Quý Cáp, miếu Trịnh Phong. Số di tích còn lại dù chưa được xếp hạng nhưng vẫn được các xã, thị trấn quản lý, giữ gìn, tôn tạo; được phân bố hầu khắp ở các địa bàn xã, thị trấn, tập trung nhiều nhất ở thị trấn Diên Khánh, xã Diên An, xã Diên Lạc, xã Suối Hiệp… Các di tích tập trung chủ yếu ở những loại hình: Di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh.

 

Di tích cấp quốc gia văn miếu Diên Khánh. Ảnh: Mã Phương

Di tích cấp quốc gia văn miếu Diên Khánh. Ảnh: Mã Phương


Theo bà Nguyễn Thị Kim Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh, hầu hết các di tích đã được trùng tu, tôn tạo từ những nguồn kinh phí khác nhau. Một số địa phương, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và ban quản lý di tích đã tranh thủ kêu gọi các nhà tài trợ ủng hộ kinh phí tu sửa với số tiền huy động hàng tỷ đồng. Ngoài ra, một số ban quản lý di tích đã phát huy được vai trò chủ động trong công việc để thu hút khách thập phương đến di tích. Từ đó, nguồn thu quỹ công đức tăng lên, giúp việc trùng tu, sửa chữa, cải tạo môi trường cảnh quan thiên nhiên được thuận lợi hơn.


Đối với các di tích cấp quốc gia, công tác giữ gìn, tôn tạo luôn nhận được sự quan tâm từ tỉnh đến cấp xã. Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cũng tích cực tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, giữ gìn, chống xuống cấp di tích. Tất cả 5 di tích cấp quốc gia đều có thành lập ban quản lý và bố trí người thường xuyên trông nom, bảo vệ.


Cần những ý tưởng đột phá


Với sự quan tâm đúng mức, nhiệm vụ bảo tồn, gìn giữ các di tích trên địa bàn huyện Diên Khánh đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, vấn đề phát huy giá trị các di tích vào cuộc sống hôm nay đang là nỗi băn khoăn của địa phương. Làm sao để các di tích lịch sử, di tích văn hóa được quảng bá, giới thiệu, thu hút sự quan tâm tìm đến của đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước đang là bài toán khó đối với huyện. Ngoài các di tích mang yếu tố tâm linh, tín ngưỡng thu hút được một số lượng khách hành hương đến chiêm bái vào những ngày lễ, Tết, còn lại đa số di tích đều rơi vào cảnh đìu hiu…  


Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, hệ thống di tích trên địa bàn huyện Diên Khánh có giá trị lịch sử, văn hóa vô cùng to lớn, hoàn toàn có thể trở thành chất liệu, nguồn lực để phục vụ phát triển du lịch. Chỉ riêng các di tích cấp quốc gia cũng đủ cho mọi người thấy được cái nhìn đa dạng về vùng đất, con người nơi đây. Thành cổ Diên Khánh được xem là thành quân sự còn giữ được sự nguyên vẹn nhất trong cả nước; miếu Trịnh Phong gắn liền với phong trào Cần Vương; đền thờ Trần Quý Cáp rạng ngời chí khí của những sĩ phu trong phong trào Duy Tân; Am Chúa là di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na thánh Mẫu; văn miếu Diên Khánh thể hiện cho tinh thần hiếu học của người dân nơi đây. Với một chuỗi giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần to lớn như thế, nhưng đến nay vẫn chưa được phát huy xứng tầm, chưa trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn thực sự là điều đáng để quan tâm, tháo gỡ.


Vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị thành cổ Diên Khánh đã được đặt ra trong nhiều năm qua. Sở Văn hóa và Thể thao cũng đã tổ chức hội thảo về chuyên đề này. Nhưng đến nay, mọi ý tưởng, việc làm liên quan đến di tích này vẫn không có nhiều biến chuyển. Với di tích Am Chúa, vào mùa lễ hội hàng năm đã thu hút một số lượng khách đến thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, nhưng hết mấy ngày lễ hội, khu di tích lại quay trở về cảnh im ắng. Ý tưởng về việc xây dựng tour, tuyến du lịch hành trình tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A na đã được nêu ra từ hơn 5 năm qua, nhưng vẫn chưa thể thành hiện thực. Với 3 di tích văn miếu Diên Khánh, đền thờ Trần Quý Cáp, miếu Trịnh Phong, người dân, du khách cũng rất ít lui tới.


Trong nội dung Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, huyện Diên Khánh được xác định là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống. Vậy nên, việc phát huy giá trị các di tích, nhất là di tích cấp quốc gia trên địa bàn huyện trở thành sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh là hướng đi đúng. Nhưng để có thể đưa điều đó thành hiện thực, huyện cần có những ý tưởng mang tính đột phá và cách làm quyết liệt, toàn diện, đồng bộ.


Giang Đình