11:01, 25/01/2022

Chụp ảnh gia đình đầu xuân

Trong nhiều gia đình hôm nay với ông bà hay cha mẹ đã lớn tuổi có một kỷ vật rất nâng niu trân trọng đó là bộ album ảnh - nơi lưu giữ tất cả những kỷ niệm hàng mấy chục năm của một gia đình. Đó là những bức ảnh đen trắng cỡ quyển sổ nhỏ, có cái nhỏ xíu như ảnh thẻ hôm nay nhưng tấm nào cũng chỉn chu từ bố cục, nước ảnh, viền ảnh cắt răng rất sang trọng. Khi giở bộ ảnh, xem từng tấm ảnh, ai cũng thấy quá khứ ùa về làm người xem thổn thức xúc động bởi những người thân xưa mới đẹp làm sao, thanh xuân rực rỡ làm sao!

Trong nhiều gia đình hôm nay với ông bà hay cha mẹ đã lớn tuổi có một kỷ vật rất nâng niu trân trọng đó là bộ album ảnh - nơi lưu giữ tất cả những kỷ niệm hàng mấy chục năm của một gia đình. Đó là những bức ảnh đen trắng cỡ quyển sổ nhỏ, có cái nhỏ xíu như ảnh thẻ hôm nay nhưng tấm nào cũng chỉn chu từ bố cục, nước ảnh, viền ảnh cắt răng rất sang trọng. Khi giở bộ ảnh, xem từng tấm ảnh, ai cũng thấy quá khứ ùa về làm người xem thổn thức xúc động bởi những người thân xưa mới đẹp làm sao, thanh xuân rực rỡ làm sao! Trong bộ ảnh này, con cháu đều gặp những tấm ảnh gia đình xưa chụp những dịp Tết, đó là những ký ức vô cùng xúc động về thời gian đã trôi qua. Không như hôm nay chụp ảnh Tết bên hoa tươi, cảnh sắc rực rỡ, ảnh Tết xưa phần lớn chụp ở tiệm với những phông vẽ hồ có thể là nội thất “nhà tây” sang trọng hay cảnh ban công, thềm nhà… hoặc công viên trên họa báo. Ảnh xưa chú trọng nhân vật, ít quan tâm tới không gian ảnh như hôm nay.


Tôi đã được hưởng cái Tết thời bao cấp sau chiến tranh ở thị xã nhỏ. Tết ngày đó rất ít hoa, phố phường trầm mặc trong giá rét. Có lẽ xuân đến từ lòng con trẻ khi được bộ quần áo mới, được mừng tuổi những tờ hào mới tinh để xúng xính chơi Tết với bạn bè xóm làng. Ngày Tết chỉ có hai việc: Đi chúc Tết họ hàng, bạn bè của bố mẹ và đi chụp bộ ảnh Tết ở tiệm ảnh ngoài thị xã. Chụp được ảnh coi như đã xong một kỷ niệm Tết! Đi chụp ảnh Tết, từ cha mẹ tới con cái đều mặc bộ áo đẹp nhất, bố mặc vest, mẹ mặc áo dài, con cái mặc đồ Tết thơm nức mùi vải mới (ngày đó mỗi năm trẻ con chỉ có mỗi bộ quần áo Tết nên rất quý giá). Gia đình ở thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn thì thuê xe xích lô, phố huyện thì đi bộ nếu gần hay đi xe đạp. Được đi chụp ảnh Tết với mọi người là niềm vui lớn, nhất là trẻ con. Bởi thời đó các phương tiện nghe nhìn còn hạn chế, sách báo cũng hiếm nên việc hình ảnh mình được lên ảnh là điều hết sức kỳ diệu.

 


Motip ảnh Tết hồi đó đều một kiểu: chụp tập thể. Nếu cha mẹ đông con thì cha mẹ ngồi, con đứng xung quanh. Bác phó nháy chụp ảnh cũng rất kỳ công bằng thứ máy mà thợ chụp phải chui vào tấm khăn đen trùm đầu hô, rồi ánh đèn flash Magie bùng sáng như ngọn đuốc. Chụp xong bộ ảnh mất cả giờ. Khác với ngày nay chụp ảnh số xem ngay, xưa chụp phim phải in tráng công phu, thợ ảnh chỉnh sửa mấy ngày nên phải tới nửa tháng sau gia đình mới nhận được ảnh. Số lượng ảnh cũng vừa đủ, không chụp đại trà như thời sau này nên mỗi tấm ảnh đều là một khoảnh khắc giá trị. Vì lẽ đó, ảnh Tết sẽ để vào những bộ album trang trọng làm bằng da hay nhung nỉ rực rỡ để lưu giữ lâu dài. Cũng có khi những bức ảnh được cho lên khung treo trang trọng trên tường.

 


Có những gia đình lớn với tứ - ngũ đại đồng đường có các cụ lớn tuổi, con cháu đông thì mời thợ ảnh tới tận nhà chụp ở sân nhà. Kiểu nhà xưa dù xây kiểu tây hay truyền thống thì khung cảnh chụp ảnh rất đẹp. Một bộ ảnh tại nhà thường có motip: chụp toàn thể, chụp các cụ ông cụ bà, chụp bố mẹ - con cháu, chụp ông bà với các cháu… và ảnh vẫn giống như ở tiệm, rất nghiêm trang! Tuy nhiên qua ánh mắt ai cũng thấy những nụ cười rực rỡ thầm kín.


Thời thế chuyển sang ảnh màu, phố phường đổi mới, hoa cảnh rực rỡ khắp nơi của thời hậu bao cấp thì các thợ ảnh xuất hiện nhiều hơn, họ đến từng nhà chụp ảnh cho gia đình. Tuy nhiên, nhiều gia đình truyền thống vẫn cố gắng đến tiệm ảnh uy tín để chụp những bộ ảnh kỷ niệm ngày Tết.


Ở Nha Trang trước đây có những tiệm ảnh lớn như: Mai Ngôn (đường Phan Bội Châu), Tiệm 57 (đường Lý Thánh Tôn), Vỹ (đường Quang Trung), Nam Việt (đường Nguyễn Trãi)…, nhưng tới thập niên 90 tất cả đều chấm dứt để nhường cho những thợ ảnh đơn lẻ. Sự tồn tại của tiệm ảnh hôm nay chỉ phục vụ cho dịch vụ cưới.


Thời gian trôi đi nhưng những tấm ảnh chụp xưa đều mang giá trị lưu niệm và vĩnh cửu. Thời đại số hôm nay, ai cũng là thợ ảnh, ai cũng có thể đăng ảnh mình hay lưu trên không gian số nhưng chỉ một sự cố nào đó, hàng nghìn tấm ảnh của cá nhân hay gia đình mình sẽ biến mất. Vậy nên, hãy rửa những tấm ảnh có giá trị để lưu trong album, có như thế mùa xuân mới là mãi mãi.


Dương Trang Hương