10:10, 13/10/2020

Thiết tha giai điệu quê hương

"Quê hương là chùm khế ngọt. Cho con trèo hái mỗi ngày. Quê hương là đường đi học. Con về rợp bướm vàng bay...". Chỉ nghe lời ca thân quen đó ai cũng thấy nao lòng, từ trong sâu thẳm tâm hồn trỗi dậy cảm xúc "quê hương". Đúng là đã lâu rồi, chúng ta ít nghe bài hát nổi tiếng "Quê hương" của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch, phổ thơ Đỗ Trung Quân. "Quê hương" đã đến với công chúng yêu nhạc gần "40 mùa khế ngọt", "40 mùa hoa cau"...

“Quê hương là chùm khế ngọt. Cho con trèo hái mỗi ngày. Quê hương là đường đi học. Con về rợp bướm vàng bay...”. Chỉ nghe lời ca thân quen đó ai cũng thấy nao lòng, từ trong sâu thẳm tâm hồn trỗi dậy cảm xúc “quê hương”. Đúng là đã lâu rồi, chúng ta ít nghe bài hát nổi tiếng “Quê hương” của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch, phổ thơ Đỗ Trung Quân. “Quê hương” đã đến với công chúng yêu nhạc gần “40 mùa khế ngọt”, “40 mùa hoa cau”...

 

Dòng sông Nam Bộ. (Ảnh: Internet)

Dòng sông Nam Bộ. (Ảnh: Internet)


Bài hát ra đời như một sự ngẫu nhiên tình cờ. Đó là vào năm 1984, khi Giáp Văn Thạch - chàng nhạc sĩ trẻ ở vùng kinh tế mới Bình Dương đọc trên Báo Khăn Quàng Đỏ thấy bài thơ nhỏ có tên “Bài học đầu cho con” của Đỗ Trung Quân. Thế là một trưa đầy nắng hè, trong cánh rừng cao su tận Bình Dương, có chàng trai bấm phím guitar hòa giai điệu theo bài thơ nhỏ này: “Quê hương là chùm khế ngọt. Cho con trèo hái mỗi ngày...”. Cứ thế bài hát “Quê hương” được hình thành trong những ngày gian khó mà trong veo cảm xúc đó. Giáp Văn Thạch đem bản nhạc đi gửi các báo, tạp chí rồi Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh. Nhà thơ Đỗ Trung Quân kể, vào một chiều hè năm 1985, khi đó, ông đang là công nhân xí nghiệp in ở TP. Hồ Chí Minh, chuẩn bị vào ca thì có một chàng trai đồng lứa đến gặp tự xưng là Giáp Văn Thạch ở tận Bình Dương tới gặp. Trong quán cà phê, Giáp Văn Thạch có đưa bản nhạc và xướng âm cho tác giả bài thơ nghe. Chính Đỗ Trung Quân lúc đó cũng chưa cảm nhận hết được vẻ đẹp của giai điệu phổ thơ mình, cho đến một ngày tiếng hát của Bảo Yến vang lên trên sóng truyền hình, phát thanh rồi ra tận ngoài bắc qua tiếng hát của Quang Phát, Tuyết Tuyết, Thu Hiền. Giai điệu phối bản nhạc của Tuyết Tuyết được làm nhạc hiệu của chương trình du lịch nổi tiếng của Đài Tiếng nói Việt Nam thật xao xuyến, da diết. Bản nhạc được Đài Truyền hình Nhật NHK trao tặng là bài hát được sử dụng lâu dài nhất trên hệ thống phát thanh truyền hình hơn 10 năm (1986 - 1996). Thật đáng tiếc là khi đang ở đỉnh cao nhiệt huyết thì Giáp Văn Thạch không may bị bạo bệnh mất ở tuổi 35, chưa được hưởng những vinh quang từ tác phẩm của mình sau đó khi “Quê hương” trở thành bài hát nổi tiếng.


Cùng với “Quê hương” của Giáp Văn Thạch, có bài hát thứ hai cũng nổi tiếng của nhạc sĩ tài hoa Từ Huy - “Quê hương tuổi thơ tôi”. Đây là bài hát Từ Huy trở lại quê hương xứ Quảng với dòng sông Thu Bồn xanh biếc màu tuổi thơ của nhạc sĩ. Bài hát là những hồi ức thuở bé thơ của Từ Huy, một bức tranh tràn trề sắc màu cảm xúc cùng giai điệu thiết tha xúc động về dòng sông, lũy tre, cánh diều, bờ ruộng, bầu trời... Đây thực sự là món quà Từ Huy chắt lọc tinh hoa âm nhạc cho quê hương mình, vì phong cách nhạc của Từ Huy rất tươi tắn, sống động, trẻ trung, hiện đại mà chúng ta thấy quen thuộc như: Mùa xuân tình yêu, Những lời em hát, Một thoáng quê hương, Ngày Tết quê em... Thời gian đã trôi xa, nhưng cho đến hôm nay, món quà của Từ Huy dành tặng quê hương mình cũng là dành tặng mọi người qua giọng hát của Mỹ Tâm vẫn làm cho thính giả yêu nhạc thấy thổn thức xúc động.


Nhạc sĩ Hoàng Hiệp với bài hát “Trở về dòng sông tuổi thơ” cũng đầy âm hưởng tha thiết, dạt dào cảm xúc mang nét rất cá nhân. Hoàng Hiệp được mệnh danh là “ông hoàng phổ thơ” với nhiều ca khúc nổi tiếng hàng đầu trong nền ca khúc cách mạng như: Câu hò bên bến Hiền Lương, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Ngọn đèn đứng gác, Viếng lăng Bác... Nhưng những năm cuối đời về miền quê hương Nam Bộ của mình, ông tự viết những bản nhạc xinh xắn trên nền giai điệu tuyệt vời như Về đất Mũi Cà Mau, đặc biệt bài Trở về dòng sông tuổi thơ - bài hát về quê hương thông qua cảm xúc về dòng sông thuộc hàng hay nhất của âm nhạc cách mạng. Để làm được thành công đó, chắc chắn Hoàng Hiệp đã lấy hết từ trái tim, tâm hồn, những tinh túy của kiến thức âm nhạc để sáng tác. Bài hát này qua các giọng ca Mỹ Linh, Nhã Phương, nhưng có lẽ thành công nhất vẫn là ca sĩ Lệ Thu biểu diễn, với tất cả sự rung cảm thiết tha nhất của người nhạc sĩ với dòng sông tuổi thơ quê hương. 

                                          
Dương Trang Hương