10:10, 06/10/2020

Băn khoăn với sân khấu truyền thống

Từ nhiều năm nay, câu chuyện về kinh phí dựng vở diễn, chương trình nghệ thuật của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã được đề cập nhiều lần. Dẫu vậy, tình cảnh ăn đong của nhà hát vẫn diễn ra và chưa biết đến khi nào có hồi kết.

Từ nhiều năm nay, câu chuyện về kinh phí dựng vở diễn, chương trình nghệ thuật của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã được đề cập nhiều lần. Dẫu vậy, tình cảnh ăn đong của nhà hát vẫn diễn ra và chưa biết đến khi nào có hồi kết.


Mới đây, Đoàn Tuồng của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã diễn báo cáo vở Thạch Sùng. Vở diễn có thời lượng khoảng 60 phút, với gần 40 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, cùng với đạo diễn, biên kịch tham gia. Trong khoảng 15 ngày, các thành viên tham gia vở diễn đã tích cực dàn dựng, tập luyện để có thể đưa đến công chúng một tác phẩm tròn trịa. Kinh phí để dựng vở diễn khoảng 95 triệu đồng. Theo lãnh đạo Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, số kinh phí này đã cao hơn so với bình thường. Với một vở diễn được xếp vào diện chương trình lẻ như vậy, kinh phí thông thường được cấp chỉ khoảng 50 triệu đồng. "Kinh phí thấp nên chúng tôi đã phải cố gắng tận dụng tối đa trang phục sẵn có, đơn giản nhất về cảnh trí, đạo cụ sân khấu. Nhưng dù sao thì điều đó cũng đã làm giảm chất lượng vở diễn đi nhiều”, ông Vũ Tiến Thêm - đạo diễn vở Thạch Sùng cho biết.

 

Cảnh trong vở tuồng Thạch Sùng vừa được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh dàn dựng.

Cảnh trong vở tuồng Thạch Sùng vừa được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh dàn dựng.


Theo kế hoạch, mỗi năm, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh được giao dàn dựng 2 vở và 2 chương trình lẻ cho cả Đoàn Tuồng và Đoàn Dân ca kịch. Tổng kinh phí để 2 đoàn thực hiện nhiệm vụ hơn là 900 triệu đồng/năm. Nếu nhìn ra một số nhà hát khác trong khu vực như: Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (TP. Đà Nẵng) thì mức kinh phí trên còn khiêm tốn. Vì kinh phí eo hẹp nên mỗi lần dựng vở, làm chương trình mới, nhà hát đều rất cố gắng lựa chọn kịch bản đến công tác dàn dựng vở diễn sao cho phù hợp nhất. Tuy nhiên, việc liệu cơm gắp mắm như trên không tránh khỏi những hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật của vở diễn. Chẳng hạn, do kinh phí thấp nên nhà hát không mời được ê-kíp giỏi để dàn dựng; phục trang, cảnh trí đều phải tận dụng, chắp vá từ những vở diễn trước đó. Những tác động đó đã khiến cho chương trình, vở diễn của cả 2 đoàn chỉ đạt mức trung bình khá và đáp ứng ở mức tương đối nhu cầu của người dân ở vùng sâu, vùng xa, khách du lịch..., khó có thể tham gia các hội thi, liên hoan sân khấu.


Vấn đề lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng của vùng đất Khánh Hòa được đưa vào định hướng phát triển hoạt động của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh. Song điều này chỉ được thực hiện từ năm 2006 trở về trước. Chẳng hạn, những kịch bản có chất lượng về Khánh Hòa đã được đặt hàng và dàn dựng như: Vở tuồng Huyền thoại Mẹ xứ sở (năm 2001); vở dân ca Thai Xuyên Trần Quý Cáp (năm 2002); vở tuồng Xứ Trầm dậy lửa Cần Vương (năm 2005), Thanh gươm giữ nước (năm 2006). Từ năm 2006 đến nay, vẫn chưa có một kịch bản mới nào về Khánh Hòa được thực hiện.


Bà Hoàng Yến - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh chia sẻ, mức kinh phí 900 triệu đồng/năm cho cả 2 đoàn nghệ thuật dựng vở là quá thấp so với tình hình hiện tại. Vậy nên, tập thể nhà hát rất mong nhận được sự quan tâm của tỉnh để đơn vị có thể làm tốt hơn các vở diễn, chương trình nghệ thuật phục vụ khán giả được hiệu quả hơn.


Để Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh có thể nâng cao chất lượng các chương trình, vở diễn vừa đặc sắc, đậm nét truyền thống dân tộc, vừa hiện đại, gần gũi với công chúng, nhất là giới trẻ đòi hỏi cần có sự đầu tư thích đáng. Có như thế, nhà hát mới đề xuất đặt hàng viết các kịch bản chất lượng, dàn dựng những vở diễn mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả, cũng như tiến tới việc liên kết phục vụ khách du lịch.


Giang Đình