10:12, 06/12/2019

"Đêm đông" - bản nhạc 80 tuổi!

Một buổi tối mùa đông tháng Chạp giá buốt năm 1939, có một chàng trai xứ Huế 20 tuổi đi lững thững như vô thức ra ga Hàng Cỏ để về quê nhưng chợt nhận ra mình không đủ tiền mua vé tàu, đành lủi thủi trở về gác trọ. Và cái Tết đó, chàng ở lại Hà Nội ăn Tết xa nhà trong khắc khoải nhớ thương hoài mong. 

Một buổi tối mùa đông tháng Chạp giá buốt năm 1939, có một chàng trai xứ Huế 20 tuổi đi lững thững như vô thức ra ga Hàng Cỏ để về quê nhưng chợt nhận ra mình không đủ tiền mua vé tàu, đành lủi thủi trở về gác trọ. Và cái Tết đó, chàng ở lại Hà Nội ăn Tết xa nhà trong khắc khoải nhớ thương hoài mong. Chàng trai đó chính là Nguyễn Văn Thương. Từ trong “mưa giăng mắc nhớ nhung, tiêu điều. Sương thướt tha bay, ôi! đìu hiu” của đêm đông Hà Nội đã làm nên một bản nhạc Đêm đông nổi tiếng.

 

 


Năm 2019 rất đặc biệt với nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương: sinh nhật 100 năm (ông sinh ngày 22-5-1919), bản nhạc Đêm đông tròn 80 năm, 17 năm nhạc sĩ về với đêm đông âm nhạc của mình (ông mất năm 2002). Học viện Quốc gia Âm nhạc Việt Nam đã tổ chức một buổi hòa nhạc lớn để tưởng nhớ một tài năng xuất chúng của nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX.

 

Với bản nhạc Đêm đông, từ ngày ra đời, đến với công chúng yêu tân nhạc tiền chiến đã gây một tiếng vang lớn, được xếp vào hàng kinh điển cùng với: Hòn Vọng phu (Lê Thương), Con thuyền không bến (Đặng Thế Phong), Thiên thai, Trương Chi (Văn Cao)… Đêm đông ra đời từ một hoàn cảnh ngẫu nhiên của chàng trai đa sầu đa cảm xứ Huế trên đất Hà Nội nhưng nội dung lại vẽ một bức tranh tràn đầy cảm xúc về thân phận con người: người lính, người vợ lính, người nghệ sĩ… giữa bầu trời mùa đông giá buốt, cô đơn, buồn tủi… Tất cả đều mang tính biểu tượng vĩnh cửu của cuộc sống con người. Ca khúc này trải qua biết bao nhiêu biến thiên của lịch sử, suốt một thời gian dài hơn 20 năm bản nhạc không được phổ biến ở miền Bắc nên nhiều người yêu nhạc không biết trong gia tài âm nhạc đồ sộ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương với Bình Trị Thiên khói lửa, Bài ca trên núi, Tình ca Việt - Lào, Dâng người tiếng hát mùa xuân, Tổ quốc ta chưa đẹp thế bao giờ, Trở về đất mẹ, Romance… còn có Đêm đông!

 

Buổi hòa nhạc kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương  của Học viện Quốc gia Âm nhạc Việt Nam.

Buổi hòa nhạc kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương của Học viện Quốc gia Âm nhạc Việt Nam.

 

Sau khi ra đời, Đêm đông lại được thịnh hành ở miền Nam từ thập niên 50 khi nhạc tiền chiến nở rộ. Người thể hiện rất thành công và sáng tạo, có tính chất bước ngoặt là ca sĩ Bạch Yến. Bạch Yến khi đó mới 15 tuổi, lên biểu diễn đã đổi tiết tấu bài hát từ Tango chính sang Slow rock, vì theo lý giải của  Bạch Yến, điệu Tango dù rất phổ biến nhưng không tải hết được âm hưởng buồn của bản nhạc, còn Slow rock dù mới du nhập vào âm nhạc miền Nam nhưng rất phù hợp với giai điệu buồn sang trọng của bài hát. Đúng như thế, Bạch Yến đã nổi tiếng gắn với bản nhạc Đêm đông trọn vẹn với sự nghiệp của danh ca này, mặc dù sau này Bạch Yến là ca sĩ Việt Nam biểu diễn những bản nhạc nước ngoài thành công nhất, từng đi biểu diễn tại Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha… Sau 30 năm, mùa đông năm 1982, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương mới gặp được danh ca Bạch Yến tại Paris, ông bày tỏ cảm ơn ca sĩ đã thay đổi phong cách thể hiện bản nhạc của mình.


Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương với 82 tuổi đời có một sự nghiệp vô cùng rạng rỡ, tài năng xuất chúng ngay từ thuở hoa niên trên đất Huế, ở mọi vị trí đều đứng trên đỉnh cao: Nhạc sĩ, nhà soạn khí nhạc, người thầy lớn. Từ một tối đêm đông buồn bã trước cách mạng, ngôi sao Nguyễn Văn Thương đã vụt sáng lấp lánh và mãi mãi lấp lánh trên bầu trời nghệ thuật với Đêm đông - bản nhạc bất tử với thời gian.


Dương Trang Hương