10:08, 20/08/2019

Ơi Nha Trang thu!

Xuất hiện vào đầu thập niên 1980, ca khúc "Nha Trang thu" của nhạc sĩ Phó Đức Phương tiếp nối "Ơi Nha Trang mùa thu lại về" của nhạc sĩ Văn Ký làm cho thành phố biển xinh đẹp đã nổi tiếng lại càng duyên dáng và đáng yêu hơn qua âm nhạc.

Xuất hiện vào đầu thập niên 1980, ca khúc “Nha Trang thu” của nhạc sĩ Phó Đức Phương tiếp nối “Ơi Nha Trang mùa thu lại về” của nhạc sĩ Văn Ký làm cho thành phố biển xinh đẹp đã nổi tiếng lại càng duyên dáng và đáng yêu hơn qua âm nhạc.


Bản nhạc của Phó Đức Phương có một nét riêng biệt khác hẳn những ca khúc trước đó và sau này về sự trẻ trung hiện đại nhưng cũng tràn đầy nét thi vị mang âm hưởng của miền đất xứ trầm biển yến. Ngay từ đầu, nhạc sĩ đã để những nốt trầm sâu tới mức không thể trầm hơn được nữa: “Kìa… nghe em, biển xanh thì thầm”. Rồi cứ thế, từng nốt theo nhịp dâng dần lên cao cho đến khi bay bổng theo hàng cây lên tới tận trời xanh. Đây chính là sự truyền cảm rất tinh tế của một cô gái đẹp miền thùy dương - Nha Trang muốn nói với mọi người, bắt đầu từ lòng biển sâu thẳm nhưng biếc xanh. Đó cũng là bức tổng phổ đủ sắc màu, hương vị và âm thanh đầy sâu lắng thiết tha của thành phố biển xinh đẹp: “Mùa thu xanh, trái nặng cành, thơm mát bàn tay. Trầm hương bay thoảng đâu đây, trời xanh xanh đến mê say”.

 

Một góc Nha Trang thập niên 80.

Một góc Nha Trang thập niên 80.


Điệp khúc lại ngược với phần mở đầu với những nốt nhạc cao, tiết tấu nhanh, luyến láy như ánh sáng trên biển trưa rực rỡ. Đó là nốt nhạc hiện đại của nhạc trẻ đương thời: “Ơi Nha Trang! Nha Trang mùa thu. Mùa Thu nhớ hoài, màu nắng mắt ai. Ơi Nha Trang! Nha Trang mùa thu, thùy dương cất lời yêu đương. Ơi Nha Trang! Nha Trang mùa thu, chiều phơi nắng vàng, lòng ai đắm say”… Tất cả đều rộn rã, rực rỡ, lấp lánh cho đến nốt nhạc cuối cùng lại dịu xuống như một sự trọn vẹn của hạnh phúc tình yêu. Nói không quá, nó giống như một bản giao hưởng thu nhỏ với nhiều cung đoạn, cao trào vời vợi rồi thẳm sâu tới tận con tim. Hiếm có một ca khúc nào về Nha Trang làm được cho đến tận hôm nay về tiết tấu cũng như giai điệu.


Đi theo nốt nhạc long lanh và tinh tế thì lời ca như một bài thơ trọn vẹn về Nha Trang vì nó hội tụ tất cả những gì nơi đây có. Không phải ngẫu nhiên miền đất xứ trầm biển yến đã thực sự làm cho mọi nhạc sĩ khi viết đều phải nhớ và truyền tải được điều đó. Với Phó Đức Phương, sự tinh tế giàu chất nghệ sĩ của ông đã làm cho người nghe ngạc nhiên và thú vị. Ngoài biển xanh, cát trắng, bầu trời vời vợi, hàng thùy dương êm dịu, cuối đoạn đầu nhạc sĩ mới để cho “trầm hương bay thoảng đâu đây” và tới kết thúc thì những nốt nhạc đang bay cao bỗng từ từ hạ xuống hình ảnh vừa bất ngờ vừa thân quen “Nha Trang mùa thu gọi chim yến về… tìm bầy”. Hình ảnh chim yến tìm bầy cũng là hình ảnh của hạnh phúc lứa đôi, của cuộc đời con người miền đất này.


Cùng thời gian này, Nha Trang có những ca khúc như: “Biển hẹn Nha Trang” (Phạm Minh Tuấn), “Nha Trang thành phố tôi yêu ” (Văn Dung), “Nha Trang biển nhớ” (Văn Chừng), hay sau này có thêm “Nguyện làm con sóng” (Đỗ Trí Dũng), “Nha Trang ngày mới” (Trọng Đài), nhưng bản nhạc của Phó Đức Phương thực sự là một ca khúc hay hiếm có về Nha Trang. Thật may mắn bài hát hay được giọng ca vàng nổi tiếng của thành phố biển thể hiện: Mỹ Hạnh - nữ ca sĩ có chất giọng hiện đại hàng đầu của nền thanh nhạc giai đoạn trước thập niên 1990 (giải nhất cuộc thi nhạc nhẹ cùng Hồng Nhung). Qua Mỹ Hạnh, công chúng càng “say đắm” hơn về Nha Trang. Ngược lại, chính nhờ ca khúc này, tên tuổi Mỹ Hạnh và Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng đã lên tầm cao của thời âm nhạc sau giải phóng. Với nhạc sĩ Phó Đức Phương, tuy có nhiều ca khúc nổi tiếng: “Những cô gái quan họ”, “Hồ trên núi”, “Phù Vân Yên Tử”, “Chảy đi sông ơi”… nhưng “Nha Trang thu” là một trong những tác phẩm được tính vào Giải thưởng Nhà nước mà ông được tặng năm 2001.


“Nha Trang thu” đã ra đời hơn 30 năm, vậy mà hôm nay nghe hát, ta ngỡ như đó là miền thơ - biển của một thời đầy xao xuyến.


Dương Trang Hương