12:06, 21/06/2019

Làm báo trên tàu 561

Với các nhà báo từng đi Trường Sa, chuyện tác nghiệp hẳn có nhiều điều đáng nhớ. Có lẽ, hiếm có chuyến đi nào mà các nhà báo lại được cùng ăn, cùng ở, cùng trao đổi chuyện nghề, thậm chí còn được trải nghiệm làm báo ngay trên ca bin tàu 561…

Với các nhà báo từng đi Trường Sa, chuyện tác nghiệp hẳn có nhiều điều đáng nhớ. Có lẽ, hiếm có chuyến đi nào mà các nhà báo lại được cùng ăn, cùng ở, cùng trao đổi chuyện nghề, thậm chí còn được trải nghiệm làm báo ngay trên ca bin tàu 561…


. Bản tin đặc biệt lúc 21 giờ


“Đây là bản tin nội bộ lúc 21 giờ, mời quý vị và các bạn cùng lắng nghe bài viết về các hoạt động trong ngày của đoàn công tác…”. Tối nào cũng vậy, vào khung giờ này, tất cả các thành viên trên tàu 561 lại được nghe bản tin “cây nhà lá vườn”: tin, bài do các nhà báo trong đoàn viết; chương trình do tổ phụ trách báo chí trên tàu biên tập và sắp xếp, phát thanh viên là ca sĩ của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng. Trên tàu không có sóng wifi, mọi người không bị hội chứng… cắm mặt vào điện thoại nên lẽ dĩ nhiên mọi sự chú ý đều dồn vào bản tin nội bộ. Phòng nào cũng có loa, các thành viên vừa sinh hoạt vừa lắng nghe chăm chú. Có lẽ, chưa có tờ báo nói nào lại gần gũi và được thính giả nhận xét sát sườn như vậy, bởi lẽ các bài báo đều phản ánh toàn diện, cập nhật đầy đủ nhất các thông tin, hoạt động trong ngày. Cảm xúc của người viết cũng chính là cảm xúc của các thành viên trong đoàn mỗi khi được vào thăm cụm đảo nào đó. Chính vì thế, mọi người đều rất háo hức đón nghe bản tin nội bộ, dù nhiều khi do biên tập vội nên vẫn còn “sạn”.

 

Cùng thực hiện bản tin nội bộ trên ca bin tàu 561.

Cùng thực hiện bản tin nội bộ trên ca bin tàu 561.


Nhà báo Thanh Thủy (Báo Hải quân Việt Nam) - người phụ trách bản tin cho biết, bản tin nội bộ trên tàu được duy trì nhiều năm nay. Tổ báo chí được thành lập ngay từ khi tàu rời bến, quy tụ nhiều phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí khác nhau cùng trên chuyến công tác. Bố cục bản tin gồm có phần cập nhật hải trình, những chương trình đoàn công tác đã và sắp thực hiện; bài viết của phóng viên về các điểm đảo. Ngoài ra, bản tin còn chia sẻ những bài viết cảm nhận hoặc những sáng tác thơ, truyện ngắn… của các thành viên trên tàu. Phần kết thúc bản tin là lời chúc mừng sinh nhật cho những ai có ngày sinh vào đúng ngày hôm đó. Điều này mang lại niềm vui bất ngờ cho những thành viên được đón sinh nhật ở một nơi rất đặc biệt, với nhiều cảm xúc đan xen trong một chuyến hành trình cũng rất đặc biệt này...


Hôm đến đảo Trường Sa Lớn - điểm dừng chân cuối cùng trước khi trở về đất liền, thay vì nộp bài cho tổ báo chí, chúng tôi quyết định lên hẳn ca bin của tàu 561 để trực tiếp làm bản tin cuối ngày. Trước mặt là mũi tàu đang rẽ sóng giữa biển khơi, bên cạnh là những thủy thủ đang chăm chú làm nhiệm vụ của mình, chúng tôi lần đầu tiên được cầm mic - vốn là tay cầm của bộ đàm chuyên phát thông báo nội bộ trên tàu - đọc bản tin một cách rành mạch và truyền cảm. Vì là bài mình viết, lại trực tiếp đọc nên chúng tôi cảm thấy tự tin hơn, dù chưa bao giờ được làm báo nói! Qua ngày hôm sau, các biên tập viên của Đài Phát thanh - Truyền hình Ninh Thuận cũng làm theo cách này của Báo Khánh Hòa. Bản tin có lẽ vì vậy mà cũng đa dạng sắc màu hơn khi thính giả trên tàu được nghe giọng của nhiều vùng miền, người phụ trách bản tin cũng đỡ vất vả hơn khi được đồng nghiệp cùng hỗ trợ...


. Tác nghiệp trên tàu


Chuyện tác nghiệp trên đảo hẳn đã có nhiều bài viết. Thời gian ghé thăm các đảo không nhiều nên cánh phóng viên luôn là những người được ưu tiên đi trước về sau khi tàu vào đảo. Đề tài trên đảo luôn được các nhà báo chia sẻ với nhau, tác nghiệp theo kiểu tập thể để tiết kiệm thời gian của các cán bộ, chiến sĩ. Nhưng khi trở về tàu 561, mỗi nhà báo lại có những cách khai thác đề tài riêng.


Có 2 nơi được thường xuyên có mặt nhà báo, đó là bếp ăn và ca bin. Các nhà báo nữ một công đôi việc, vừa trò chuyện với các anh nuôi để có tư liệu viết bài, vừa giúp tổ bếp những việc lặt vặt chuẩn bị cho bữa ăn. Có rất nhiều chi tiết thú vị quanh chuyện bếp núc được các nhà báo khai thác, chẳng hạn như để chuẩn bị 4 bữa ăn cho gần 250 con người trên tàu trong một ngày thì tổ phục vụ phải chia ca như thế nào; có lúc đang nấu ăn gặp cơn sóng lớn, tàu chao nghiêng làm thức ăn đổ hết, thế là cả tổ phải lọ mọ nấu lại... Các anh nuôi cũng rất thích trò chuyện với nhà báo, những câu chuyện xung quanh căn bếp ấm cúng giúp mọi người quên đi mệt  mỏi và những cơn say sóng trong những ngày lênh đênh trên biển.


Không hẹn mà gặp, ca bin tàu là nơi mà các nhà báo thường hay lui tới, là chỗ tác nghiệp lý tưởng khi ở đây họ có thể vừa mục sở thị công việc hàng ngày vừa có thể trò chuyện thoải mái với các thủy thủ. Nhà báo Thu Hà (Báo Tuyên Quang) chia sẻ, trừ thời gian lên đảo, ngày nào chị cũng ghé ca bin để hiểu thêm về công việc của những người lái tàu. “Tôi ghi chép được nhiều câu chuyện thú vị của những thủy thủ can trường đã từng đối mặt với những hiểm nguy trên biển, nhất là  thời gian xảy ra sự kiện giàn khoan HD 981. Những ngày đi trên tàu, nhờ những cuộc trò chuyện với các thủy thủ, tôi càng hiểu hơn về biển đảo và thấy khâm phục những chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió”. Còn với thuyền trưởng Hoàng Đình Duyến - người đã rất nhiều lần đưa các nhà báo ra Trường Sa, anh nói nhiều nhà báo đã trở thành người nhà của tàu 561. Trong số ấy, anh rất quý trọng và dành nhiều tình cảm cho cố nhà báo Đình Quân (Báo Tiền Phong, thường trú tại Khánh Hòa), người đã dành tình yêu rất lớn cho Trường Sa, có kiến thức sâu rộng về biển đảo, lần nào đi tàu cũng lên ca bin ngồi hàng giờ để trò chuyện với các anh em trong tổ lái tàu...


Những ngày lênh đênh trên biển, cánh nhà báo chúng tôi là những người không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ. Người tìm góc đẹp để quay phim, chụp hình; người đi tìm nhân vật để phỏng vấn. Nhân vật ấy có thể là một chiến sĩ trong tổ phục vụ, một sĩ quan trong ban điều hành hoặc đôi khi lại là những thành viên trong đoàn công tác. Như nhà báo Hồng Hạnh (Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa), tình cờ biết trong đoàn có các cựu chiến binh đã từng là chiến sĩ Trường Sa những năm 80, ngày nào chị cũng sang phòng gặp họ để trò chuyện và biết thêm được nhiều câu chuyện thú vị về Trường Sa, người lính Trường Sa thời chiến và thời bình...


Với các nhà báo, viết về Trường Sa luôn gợi mở nhiều cảm xúc và kỷ niệm. Có lẽ, cảm xúc ấy bắt đầu từ khi chúng tôi bước chân lên con tàu 561 rẽ sóng vượt trùng khơi để đến với Sinh Tồn, Thuyền Chài, Cô Lin, Trường Sa Lớn... 10 ngày ngắn ngủi nhưng thật khó quên khi nhiều nhà báo đã có những khoảnh khắc tác nghiệp cùng nhau thật ý nghĩa, nhất là khi cùng chung cảm xúc hướng về Trường Sa...


LỆ HẰNG