09:03, 01/03/2019

Di tích lịch sử Trường Pháp - Việt Ninh Hòa: Đừng để bị lãng quên

Sau nhiều năm bị xuống cấp nghiêm trọng, nhất là qua cơn bão cuối năm 2017, di tích lịch sử Trường Pháp - Việt Ninh Hòa với gần 100 năm tuổi đang được tu sửa và hướng tới việc phát huy giá trị di tích.

Sau nhiều năm bị xuống cấp nghiêm trọng, nhất là qua cơn bão cuối năm 2017, di tích lịch sử Trường Pháp - Việt Ninh Hòa với gần 100 năm tuổi đang được tu sửa và hướng tới việc phát huy giá trị di tích.


Di tích của một thời


Trường Pháp - Việt Ninh Hòa (số 166 Trần Quý Cáp, thị xã Ninh Hòa) được xây dựng năm 1922 dưới triều vua Khải Định năm thứ 7. Ban đầu, trường mang tên École Élémentaire Franco - Annamite de Vinh Phu (tạm dịch là Trường Sơ học Pháp Nam Vĩnh Phú). Đây là ngôi trường đầu tiên của phủ Ninh Hòa do Pháp xây dựng sau khi chế độ học hành khoa cử dưới triều Nguyễn bị bãi bỏ năm 1919. Ông Cung Quang Bào người gốc Huế được vua Khải Định cử làm Hiệu trưởng đầu tiên của trường từ năm 1923 đến 1926. Thời gian này, hai thầy Ngô Đức Diễn và Dương Chước (Trợ Chước) là đảng viên Đảng Tân Việt (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) dạy học tại đây. Cả hai thầy đều tích cực tham gia hoạt động tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước đến đội ngũ giáo viên, một số công chức, học sinh của nhà trường. Từ đó, Trường Pháp - Việt Ninh Hòa trở thành cơ sở cách mạng đầu tiên của Đảng Tân Việt ở phủ lỵ Ninh Hòa. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, các thế hệ học sinh của trường luôn nêu cao tinh thần yêu nước, hiếu học và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, là niềm tự hào của người dân nơi đây.

 

Trường Pháp - Việt Ninh Hòa tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng có tổng diện tích hơn 4.800m2, được thiết kế theo kiểu kiến trúc phương Tây. Trường còn có một bia đá cẩm thạch ghi tên 70 người có công đóng góp xây dựng trường. Nhìn chung, Trường Pháp - Việt Ninh Hòa đến nay vẫn bảo lưu được những bộ phận kiến trúc và chất liệu xưa; là nơi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng mang ý nghĩa lịch sử của địa phương cũng như trong tỉnh.

 

Di tích lịch sử Trường Pháp - Việt Ninh Hòa đang được tu sửa.

Di tích lịch sử Trường Pháp - Việt Ninh Hòa đang được tu sửa.

 

Tu sửa để phát huy giá trị di tích


Năm 2013, Trường Pháp - Việt Ninh Hòa được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Trước đó, từ năm 1994 đến 2005, trường được trưng dụng để làm Nhà truyền thống huyện Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa). Theo ông Nguyễn Hữu Hào - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã, năm 2005, sau khi Nhà truyền thống của địa phương được xây dựng mới, ngôi trường được giao cho Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quản lý, sử dụng cho đến nay. Tuy nhiên, đơn vị này chỉ sử dụng hai dãy phòng ngang được xây dựng sau năm 1950, còn tòa nhà chính xây dựng năm 1922 gần như không được sử dụng.


Ông Đoàn Hương - Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cho biết, trong nhiều năm, di tích này bị xuống cấp nhiều hạng mục. Đặc biệt, sau cơn bão số 12 cuối năm 2017, hệ thống mái ngói của di tích bị hư hỏng hoàn toàn; trần và sàn nhà bị bong tróc; tường nhà xuống cấp; hệ thống cửa sổ, cửa đi bị bể, gãy… Năm 2018, UBND thị xã Ninh Hòa đã cấp kinh phí khoảng 1 tỷ đồng để tu sửa di tích Trường Pháp - Việt Ninh Hòa, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 4.


Tuy nhiên, điều nhiều người quan tâm chính là sau khi được tu sửa xong thì công trình sẽ được sử dụng như thế nào. “Trường Pháp - Việt Ninh Hòa được giao cho Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quản lý và sử dụng để giáo dục truyền thống, bồi dưỡng chính trị cho cán bộ, đảng viên thị xã Ninh Hòa. Việc tu sửa di tích cần giữ gìn nguyên gốc di tích, bên cạnh đó địa phương cũng khai thác đúng chức năng giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau”, ông Hoàng Quý - Trưởng phòng nghiệp vụ bảo tồn di tích (thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh) đề nghị. Ông Đoàn Hương cho biết: “Lãnh đạo thị xã đang có hướng chuyển Nhà truyền thống thị xã về lại di tích này. Bởi vị trí của Trường Pháp - Việt Ninh Hòa tương đối thuận tiện cho việc tham quan, học tập của người dân và du khách. Khi đó, ngành Văn hóa sẽ trưng bày, giới thiệu, thu hút mọi người đến đây để phát huy giá trị di tích này”.


Được biết, Phòng Văn hóa Thông tin thị xã đang xây dựng kế hoạch gửi đến các trường đề nghị tổ chức cho học sinh tham quan di tích này. Qua đó nhằm khuyến khích tinh thần hiếu học, truyền thống yêu nước của thế hệ tương lai của thị xã.


Giang Đình