10:12, 10/12/2018

Một hội thi bổ ích

Sau 12 năm được tổ chức liên tục, Hội thi tìm hiểu di sản văn hóa đã trở thành sân chơi bổ ích dành cho các học sinh. Qua đó, các em thêm hiểu, thêm yêu những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc, của vùng đất mình đang sinh sống.

Sau 12 năm được tổ chức liên tục, Hội thi tìm hiểu di sản văn hóa (DSVH) đã trở thành sân chơi bổ ích dành cho các học sinh. Qua đó, các em thêm hiểu, thêm yêu những DSVH vật thể, phi vật thể của dân tộc, của vùng đất mình đang sinh sống.


Ngày 9-12, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức Hội thi tìm hiểu DSVH cấp tỉnh. Hội thi đã quy tụ được những đội thi xuất sắc được lựa chọn từ hội thi cấp huyện trước đó. Các đội đã mang đến hội thi những tiết mục được dàn dựng công phu, trang phục đẹp mắt, nội dung được chuẩn bị kỹ càng. Các em đã thể hiện được sự hiểu biết về những danh lam thắng cảnh, di tích, DSVH của thế giới, quốc gia và địa phương. “Tôi thấy các cháu tham dự hội thi đều có sự chuẩn bị tốt cả về khả năng trình diễn cũng như kiến thức. Điều này đã thể hiện được sự quan tâm, tìm hiểu khá kỹ của các cháu về những DSVH”, bà Trần Thị Hoài - khán giả cho biết. 

 

Phần thi chào hỏi của các học sinh Trường THCS Bùi Thị Xuân (TP. Nha Trang).

Phần thi chào hỏi của các học sinh Trường THCS Bùi Thị Xuân (TP. Nha Trang).

 

Ở phần thi chào hỏi, các đội vừa thể hiện được nét đặc trưng của những DSVH địa phương, vừa giới thiệu được trường học và các thành viên đội thi dưới hình thức sân khấu hóa. Với màn biểu diễn xuất sắc, phục trang đẹp, nội dung tốt, đội thi Trường THCS Bùi Thị Xuân (TP. Nha Trang) đã tạo được ấn tượng với khán giả. Với hai phần thi tiếp theo là tìm hiểu DSVH thế giới tại Việt Nam, DSVH quốc gia tại Khánh Hòa, kiến thức chung về lịch sử - văn hóa tỉnh, Luật DSVH; nhận biết DSVH thế giới tại Việt Nam, DSVH quốc gia tại Khánh Hòa qua hình ảnh, các thí sinh đã thể hiện được những hiểu biết của mình về những thông tin liên quan đến di tích, danh thắng, DSVH trong nước và của địa phương thông qua hình thức trả lời câu hỏi trắc nghiệm. Những điểm số không quá chênh lệch nhau giữa các đội trong 2 phần thi này đã phần nào phản ánh kiến thức khá tốt của các thí sinh.


Ở phần thi tài năng, các đội thể hiện rõ những thế mạnh của mình trong việc truyền đạt một cách khéo léo những DSVH phi vật thể của dân tộc. Ở đó, có màn tái hiện hội chơi bài chòi xuân của đội Nha Trang; có tiếng đàn đá ngân nga của đội Khánh Sơn; có vở dân ca kịch cảm động về tình anh em của đội Cam Ranh; có tiểu phẩm về nữ anh hùng Võ Thị Sáu của đội Vạn Ninh; có lễ cầu mưa của đồng bào Ê Đê của đội Khánh Vĩnh… Đặc biệt, tiết mục hát văn hầu đồng của đội Diên Khánh đã thực sự khiến người xem phải thán phục về kỹ thuật hát, khả năng biểu diễn của các học sinh. Đây cũng là phần thi nhận được sự đánh giá cao từ Ban giám khảo với giải thưởng dành cho phần thi tài năng xuất sắc nhất. “Sau khi được chọn để đại diện cho thành phố đi thi cấp tỉnh thì sự chuẩn bị của chúng em càng kỹ lưỡng hơn. Mỗi ngày, các thành viên trong đội đều tự tìm hiểu qua sách báo, trên mạng Internet, đồng thời vừa tập luyện các tiết mục biểu diễn. Nhờ đó, chúng em đã có được những hiểu biết rất bổ ích về các DSVH, cũng như thấy được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ những di sản đó”, thí sinh Lê Ngọc Mỹ Trinh - Trường THCS Bùi Thị Xuân chia sẻ.


Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Trưởng Ban tổ chức hội thi, qua 12 năm tổ chức hội thi cấp huyện và 2 năm tổ chức hội thi cấp tỉnh đã tạo được sự lan tỏa tình yêu, cũng như việc tìm hiểu về các di tích, DSVH. Đây là một hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền, phổ biến, nâng cao hơn ý thức, trách nhiệm cũng như lòng tự hào về DSVH đối với thế hệ trẻ. Hội thi lần này đã nhận được sự quan tâm, đầu tư của các trường học, địa phương và sự chuẩn bị kỹ càng của các thí sinh. Từ hội thi, các em đã hiểu thêm về các DSVH trong nước và của địa phương.


Giang Đình