11:04, 06/04/2018

Khi phim Việt chỉ rực rỡ về doanh thu!

Kể từ sau thành công về mặt doanh thu của bộ phim Em là bà nội của anh - phiên bản remake (làm lại) từ bộ phim Miss Granny của Hàn Quốc, các nhà làm phim Việt đua nhau làm lại các bộ phim giải trí đình đám của xứ sở kim chi.

Kể từ sau thành công về mặt doanh thu của bộ phim Em là bà nội của anh - phiên bản remake (làm lại) từ bộ phim Miss Granny của Hàn Quốc, các nhà làm phim Việt đua nhau làm lại các bộ phim giải trí đình đám của xứ sở kim chi. Hiện tại, phim Tháng năm rực rỡ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (làm lại theo kịch bản phim Sunny của Hàn Quốc) vẫn tiếp tục bám rạp. Trong khi đó, một bộ phim phiên bản Hàn khác là Ông ngoại tuổi 30 của đạo diễn Võ Thanh Hòa (làm lại theo kịch bản phim Scandal Makers) vừa được công chiếu. Trào lưu phim remake sẽ còn được kéo dài khi bộ phim Yêu em bất chấp (làm lại từ bộ phim My sassy girl - Cô nàng ngổ ngáo) cũng đang rục rịch ra mắt khán giả trong nay mai.

 


Trong suốt thời gian qua, với các phim: Tháng năm rực rỡ, Ông ngoại tuổi 30, nhiều tờ báo vẫn “vô tư” dành những lời khen bóng bẩy những sáng tạo nho nhỏ của các đạo diễn như: việc thay đổi mốc thời gian, không gian hay sử dụng các ca khúc cũ một cách tinh tế. Các nhà sản xuất, các đơn vị phát hành phim cười mãn nguyện khi khán giả vẫn ùn ùn kéo nhau ra rạp. Các con số doanh thu khủng liên tục được nhà sản xuất công bố, thế nhưng những người yêu điện ảnh Việt không khỏi âu lo cho nền điện ảnh nước nhà. Thực tế, điện ảnh Việt không rực rỡ như doanh thu những bộ phim remake đang được trình chiếu. Hiện tại, mỗi năm, điện ảnh Việt chỉ sản xuất được 40 phim, trong khi có đến 200 phim ra rạp. Đáng nói hơn, trong số phim do trong nước sản xuất thời gian gần đây, các phim làm lại quá nhiều. Phim “remake” bao giờ cũng chỉ là một món phụ, khi nó bỗng trở thành món chính thì nền điện ảnh đó thực sự có vấn đề. Những năm qua, điện ảnh của Thái Lan, Campuchia, Philippines đều có những thành công ở các liên hoan phim danh giá. Còn điện ảnh Việt mỗi kỳ liên hoan lại đau đầu với việc chọn phim đi dự thi bởi có quá ít tác phẩm có “bản sắc”. Điện ảnh là nghệ thuật của sự sáng tạo và bản sắc dân tộc, thế nên chẳng một liên hoan phim nào lại đánh giá cao những bộ phim remake cho dù nó có hay đến đâu đi chăng nữa.


Thực tế cho thấy, điện ảnh Việt thiếu những bộ phim lịch sử - điều mà nhiều khán giả mong đợi. Nhiều đạo diễn, nhà sản xuất từng viện dẫn sự khó khăn kinh phí để lý giải cho việc bỏ quên các đề tài làm phim lịch sử. Tuy nhiên, nếu nghĩ một cách thấu đáo, có lẽ đó không phải là lý do xác đáng. Cái mà điện ảnh Việt đang thiếu đó chính là tài năng và tâm huyết với lịch sử nước nhà. Trước đây, họa sĩ Nguyễn Thành Phong từng kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng mạng để có kinh phí thực hiện bộ truyện tranh Long Thần tướng. Vậy nên, nếu một đạo diễn có một dự án phim về lịch sử nước nhà, tin rằng người dân Việt Nam sẽ sẵn sàng ủng hộ tiền (như một kiểu đặt vé trước) để cho các đạo diễn làm phim.


Hy vọng, từ những bộ phim remake rực rỡ về doanh thu, những người làm phim trong nước, đặc biệt là các nhà biên kịch, sẽ có tự ái nghề nghiệp để cho ra những bộ phim Việt thuần chất, có tính nghệ thuật cao.


THÀNH NGUYỄN