06:05, 20/05/2017

Nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức: Thổi hồn vào tuồng lịch sử

Nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức - Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Khánh Hòa vừa vinh dự được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT.

Nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức - Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Khánh Hòa vừa vinh dự được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Nhắc đến ông, nhiều người nhớ đến những vở tuồng lịch sử giàu chất sáng tạo. Bằng trí tuệ và tài năng của mình, ông đã xây dựng nên một thế giới nhân vật sống động mà người xem đôi khi không khỏi giật mình khi “soi bóng người xưa”!


16 tuổi, anh học trò Nguyễn Sỹ Chức (sinh năm 1956, quê Thanh Hóa) gia nhập Đoàn ca kịch giải phóng Trung Trung bộ, được cử đi học nhạc công. Đam mê sân khấu từ nhỏ, chàng trai xứ Thanh không yên phận làm một nhạc công như nhiều đồng nghiệp, thay vào đó anh thích viết kịch bản để gửi gắm những suy nghĩ của mình qua những hình tượng trên sân khấu. Sau những giờ luyện tập, biểu diễn, người nghệ sĩ trẻ ấy đã tự tìm tài liệu, sách vở để nghiên cứu, tập viết kịch bản. Sau năm 1975, Nguyễn Sỹ Chức về công tác ở Đoàn Dân ca kịch Phú Khánh. Những vở diễn do ông chuyển thể như: Tiếng đàn thuở xa xưa (kịch bản Lê Nhị Hà), Mối tình qua Tết Lirboong (kịch bản Phạm Kim Anh), Đôi dòng sữa mẹ (kịch bản Lưu Quang Vũ) qua bàn tay dàn dựng của đạo diễn Đoàn Anh Thắng đã thành công vang dội, đánh dấu thời kỳ vàng son của sân khấu Khánh Hòa.

 

Năm 1991, kịch bản Giông tố bụi trần của Nguyễn Sỹ Chức được Nhà hát tuồng Đào Tấn (Bình Định) dàn dựng và đã được khán giả đón nhận. Thành công ấy đã tiếp thêm niềm tin để ông bước tiếp trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Từ đó đến nay, ông đã cho ra đời hàng chục kịch bản sân khấu rất chất lượng. Có thể kể đến kịch bản tuồng Trần Hưng Đạo - giải ba (không có giải nhất) cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu toàn quốc năm 1998 - 1999; Huyền thoại mẹ xứ sở - giải B kịch bản sân khấu xuất sắc năm 2000; tập kịch bản sân khấu truyền thống Nhân quả - giải B giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam 2001… Nhiều kịch bản của ông đã được các nhà hát chọn lựa dàn dựng và đoạt giải cao tại các kỳ hội diễn sân khấu toàn quốc. Có thể kể đến các vở diễn như: Sóng dậy Lê Triều, Chuyện tình bên tháp cổ (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa dàn dựng); Nguyễn Tri Phương, Phúc thần Thoại Ngọc Hầu (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh dàn dựng) - huy chương bạc tại Hội diễn sân khấu truyền thống toàn quốc các năm: 2009, 2011, 2016. Kịch bản sân khấu Phù vân (cuộc chiến giành quyền lực những năm đầu của nhà Trần) được Nhà hát Tuồng Việt Nam dàn dựng và diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 

 

Trong suốt gần 30 năm qua kể từ khi ra mắt kịch bản đầu tiên, nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức luôn sáng tác rất đều tay. Hầu như năm nào ông cũng có tác phẩm được các đoàn dàn dựng; hội diễn nào các kịch bản của ông được các nhà hát dàn dựng cũng có huy chương. Ông đặc biệt thành công với các kịch bản tuồng lịch sử như: Sóng dậy Lê Triều, Nguyễn Tri Phương (Nhạn cô thần), Phù Vân, Danh phận, Triết vương Trịnh Tùng… Trong những trang viết của mình, ông luôn tự hào về lịch sử dân tộc, đau đáu với những nỗi đau thế sự, tìm xưa để nói nay. Ông đã dành nhiều tâm huyết để ngợi ca những bậc minh triết như: vua Trần Thái Tông (vở Phù Vân), Trần Hưng Đạo; ca ngợi những vị dũng tướng như: Nguyễn Tri Phương, Bùi Thị Xuân. Soi bóng người xưa, nhà viết kịch của xứ Trầm Hương còn gửi gắm ước mơ về những vị công bộc của dân qua hình tượng Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) - vị quan thanh liêm, thương dân như con nổi tiếng của vùng đất Nam Bộ dưới triều Nguyễn. Không chỉ mang cảm hứng ngợi ca, ông còn sáng tác nhiều kịch bản mang tính phê phán như Mạc Mậu Hợp trong tuồng Danh phận.


Nói đến việc đam mê với tuồng lịch sử, nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức chia sẻ: “Tôi muốn dùng tuồng lịch sử để khơi dậy những điều tốt đẹp. Dù là những vở diễn mang cảm hứng ngợi ca hay phê phán, điều sau cùng mà tôi muốn gửi đến người xem đó là những bài học cho người hôm nay. Hãy soi bóng người xưa để có cách ứng xử đúng đắn, hợp lòng dân”.  


THÀNH NGUYỄN