10:03, 14/03/2014

"Lá biếc" rụng giữa trời xuân

Có thể đây là hai "chiếc lá" biếc xanh, long lanh nhất trên vòm cây nghệ thuật Việt Nam thập niên 80 của thế kỷ trước, như định mệnh, họ ra đi giữa mùa xuân cuộc đời và nghệ thuật, để lại tiếc nuối khôn nguôi cho mọi người. Đó là Nghệ sĩ Nhân dân Lê Dung và Nghệ sĩ Ưu tú Phương Thanh.

Có thể đây là hai “chiếc lá” biếc xanh, long lanh nhất trên vòm cây nghệ thuật Việt Nam thập niên 80 của thế kỷ trước, như định mệnh, họ ra đi giữa mùa xuân cuộc đời và nghệ thuật, để lại tiếc nuối khôn nguôi cho mọi người. Đó là Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Lê Dung và Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Phương Thanh.


Lê Dung - “người đàn bà hát”


Đó là danh hiệu lẫy lừng mà bất cứ nữ ca sĩ nào ở Việt Nam đều ước muốn, nó hơn hẳn danh từ thời thượng Diva của ngày hôm nay. Với Lê Dung thì hoàn toàn xứng đáng, bởi lẽ chị không thua kém gì Alla Pugacheva (NSND Liên Xô lừng danh được gọi là “người đàn bà hát”), vì 33 tuổi chị đã được Nhà nước phong danh hiệu NSƯT đợt đầu tiên (năm 1984). Khi đó, trong giới ca sĩ chỉ có 2 người được phong NSND là Thanh Huyền và Quốc Hương (đã mất). 40 tuổi, chị được phong NSND, trẻ nhất Việt Nam thời điểm ấy (năm 1991).

 

Nghệ sĩ Nhân dân Lê Dung.
Nghệ sĩ Nhân dân Lê Dung.


Lê Dung là ca sĩ đạt đỉnh cao thành công ở 2 dòng nhạc thính phòng bác học và nhạc nhẹ phổ thông. Chị được học tập ở nơi đào tạo âm nhạc số 1 thế giới: Nhạc viện Tchaikovsky (Nga). Những giải thưởng pha lê danh giá chị nhận ở trên sân khấu Mạc Tư Khoa, Bình Nhưỡng, Paris, Budapest... Hàng triệu khán thính giả hơn 30 năm qua đều nhớ đến Lê Dung - giọng hát trong veo như họa mi khi thể hiện những bản nhạc cách mạng sống mãi với thời gian.


Lê Dung sinh ra nơi đất mỏ Quảng Ninh, tuổi thiếu niên chị đã theo mẹ lên Hà Nội. 17 tuổi, cô gái vùng than có tiếng hát cao vút đã là diễn viên Đoàn Văn công Quân khu Tả Ngạn nổi tiếng, rồi Đoàn Văn công Quân đội..., Dàn nhạc giao hưởng hợp xướng Việt Nam. Chị có may mắn lớn là ngay từ khi ở Đoàn Văn công đã được học ở Nhạc viện Hà Nội mà người thầy đầu tiên là NSND Thương Huyền nổi tiếng dìu dắt. Có một chi tiết là khi đang học, trong một lần nghe Lê Dung hát bài “Anh ở đầu sông em cuối sông” (Phan Huỳnh Điểu), nhạc sĩ dàn dựng Phú Quang đã chê Lê Dung rất khéo mà cũng rất đau: “Em hát như người không biết yêu”... Nào ngờ sau này, ở những đêm nhạc của Phú Quang, bao giờ Lê Dung cũng được mời hát, mà tới 3 bài! Có những bài khi Lê Dung hát, khán giả bên dưới lau nước mắt nhưng tưởng đó là cơn gió thu thổi dào dạt trên mặt hồ của buổi chiều chia ly.


Thường những ca sĩ chỉ hợp từ một tới hai nhạc sĩ. Với Lê Dung là ngoại lệ, gần như chị hát hay tất cả các ca khúc của nhiều nhạc sĩ. Từ hào sảng, phơi phới như nhạc của Huy Du với “Bạch Long Vỹ đảo quê hương”, “Trên nẻo đường  quê hương” (Huy Thục), “Việt Trì thành phố ngã ba sông” (Hồ Bắc), “Anh ở đầu sông em cuối sông”, “Những ánh sao đêm” (Phan Huỳnh Điểu), “Biển hát chiều nay” (Phú Quang), nhạc sĩ tiền chiến Văn Cao, Đỗ Nhuận, cả tới Phạm Duy!


Lê Dung có cá tính mạnh, ngoài thiên phú có sẵn cộng với được học rất bài bản nên khi chị hát song ca với ca sĩ khác hình như rất khó. Khán thính giả chỉ nhớ chị song ca với hai nam ca sĩ: Tiến Thành bài “Dòng sông quê em, dòng sông quê anh” (Đoàn Bổng) và Kiều Hưng bài “Anh ở đầu sông em cuối sông”. Rồi sau đó, gần như chị toàn hát đơn ca hàng trăm bài trên sóng phát thanh hay truyền hình. Đây là thời điểm Lê Dung thể hiện tất cả sự trong trẻo, long lanh trẻ trung của mình. Nghe chị hát, người nghe có thể cầm cây bút chép lại lời vì chị hát bất cứ lời nào, ở nốt cao, nốt thấp, hay luyến láy vẫn tròn vành rõ tiếng. Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái khi xem Lê Dung hát Opera ở Nga đã kinh ngạc khi thấy chị thổi chất tinh tế của dân ca vào nhạc kịch phương Tây ngon lành và nhuần nhuyền đến kỳ lạ. Cũng chỉ có Lê Dung sau khi du học trở về, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân mới có thể dựng lại vở nhạc kịch “Cô Sao” nổi tiếng của người cha - nhạc sĩ Đỗ Nhuận, đương nhiên diễn viên ca sĩ chính là Lê Dung.


Rất tiếc trong một ngày đầu xuân mùng 5 Tết Tân Tỵ năm 2001, Lê Dung đã ra đi ở tuổi định mệnh 49, để lại bao tiếc nhớ cho bè bạn và công chúng.


Phương Thanh - “Hiền cá sấu”


Hàng trăm nữ diễn viên điện ảnh miền Bắc (ý nói nền điện ảnh cách mạng) thì chỉ có hai người có thể hóa thân vào vai diễn nhân vật miền Nam, đó là Như Quỳnh và Phương Thanh. Với vai Hiền “cá sấu” trong phim “Tội lỗi cuối cùng” năm 1979 của đạo diễn Trần Phương, Phương Thanh đã làm sửng sốt những người trong giới điện ảnh. Bởi lẽ, không thể tin được cô gái Hà Nội kia lại lột xác diễn lối diễn phá cách đến thế! Với vai này, chị đã giành giải diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V năm 1980.

 

Nghệ sĩ Phương Thanh trong phim “Tội lỗi cuối cùng”.
Nghệ sĩ Phương Thanh trong phim “Tội lỗi cuối cùng”.


Phương Thanh tên thật là Phương Thị Thanh, sinh năm 1956, quê quán Hà Nội nhưng gốc gác ở đất tổ Phú Thọ. Tuy lớn lên nơi thành thị nhưng chị lại có nét đằm thắm thôn quê, còn đôi mắt thì đúng là “xi nê ”: đen láy, thăm thẳm như hút hồn người đối diện. Nghệ sĩ Phi Nga, diễn viên đóng vai chính đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng “Chung một dòng sông” gặp đã nhận thấy đây là tài năng điện ảnh, dù khi đó Phương Thanh chỉ là cô gái mới lớn. Nhờ có cô Phi Nga dìu dắt, dạy những tiểu phẩm để Phương Thanh thi vào lớp diễn viên khóa 2 năm 1973 -  1977, khóa của những diễn viên tài năng như Minh Châu, Diệu Thuần, Vũ Đình Thân, Dũng Nhi, Thanh Quý, Bùi Bài Bình...


Trong nghiệp diễn viên của mình, Phương Thanh đóng vai chính tới 28 phim trong số 30 phim: Đứa con nuôi, Ngày mưa cuối năm, Những con đường, Tội lỗi cuối cùng, Câu lạc bộ không tên, Ai giận ai thương, Lưu lạc và trở về Sam Sao, Rừng lạnh, Bãi biển đời người (đóng ở Nha Trang), Kỷ niệm đồi trăng... Suốt thập niên 80, Phương Thanh là cái tên mà mọi đạo diễn đều muốn!


Và thật kỳ diệu, khi tham gia phim “Kỷ niệm đồi trăng” (đạo diễn phim Hà Văn Trọng), Phương Thanh đã gặp một nửa của đời mình. Đạo diễn Trọng kể, khi đóng đôi tình nhân hôn nhau tới mấy lần chưa ổn, đạo diễn gọi hai người ra nhắc chân tình: “Hai bạn phải diễn như thật, chứ giả thế này không được, trơ lắm!”. Đến khi đạo diễn vỗ tay nức nở thì cũng là lúc ngoài đời Phương Thanh đã chính thức “say nắng” anh chàng diễn viên đẹp trai nhất nhì của điện ảnh và kịch nghệ khi đó: Anh Dũng. Họ trở thành đôi vợ chồng tuyệt vời cho đến khi Phương Thanh giã từ trần thế lúc mới bước qua tuổi định mệnh 53 vào ngày 13-2-2009, khi đang cắm những bông hoa hồng của chồng nhân ngày Valentine! Sự ra đi của chị làm NSƯT Anh Dũng - khi ấy là Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam suy sụp tưởng không gượng dậy.


Nhiều người không hiểu sao khi điện ảnh bước sang kinh tế thị trường, Phương Thanh gần như không theo như bè bạn, chị lui về lo cho mái ấm của mình. Người viết bài này trong vài lần đến trụ sở Hãng phim Truyện Việt Nam ở số 4 Thụy Khuê vẫn gặp Phương Thanh ngồi chung với bạn bè cùng lứa. Hỏi riêng, chị nói thật rằng chị không thể theo được kiểu làm phim thị trường nên thôi.


Như người ta nói, nghệ sĩ sẽ bị đẩy lùi vào quá khứ khi không xuất hiện. Nhưng với Phương Thanh, điều đó không xảy ra. Nhắc tới phim hay người, khán giả đều nhớ đến “Hiền cá sấu”, đến ánh mắt đen láy của chị!


Nói thêm một chút, chồng chị - diễn viên gạo cội Anh Dũng có thời là Giám đốc Nhà hát Kịch nhưng sao chị không diễn kịch? Mặc dù chất giọng của chị là “đặc sản” có một không hai, sánh ngang với NSƯT Tuệ Minh, Minh Đức. Nhà văn Nguyễn Đình Thi khi nghe vở kịch truyền thanh “Tiếng sóng” của mình trên đài Tiếng nói Việt Nam đã khen Phương Thanh trong vai người phụ nữ Việt kiều ở Pháp về “đúng là giọng Hà Nội chuẩn!”. Hình như sau này, khi người vợ, bạn diễn của mình đã xa, nghệ sĩ Anh Dũng rất ân hận vì không giúp Phương Thanh trở lại với nghề, mặc dù biết cả đời người phụ nữ bên mình luôn cháy bỏng được diễn và cống hiến... Tiếc thay!


Hai người phụ nữ tài hoa mà mệnh ngắn nhưng như chiếc lá chao nghiêng giữa trời xuân, vẫn làm cho ta nghĩ nó không bao giờ rơi xuống đất!


Lê Đức Dương