11:02, 15/02/2019

Đảo Nam Yết: Thiên đường xanh giữa biển khơi

Tuy không có nước ngọt tự nhiên, nhưng đảo Nam Yết vẫn được phủ xanh với rất nhiều cây cổ thụ cao lớn. Đảo còn được điểm tô bằng những hàng cỏ xén, hoa thơm ngay hàng thẳng lối. Tất cả biến Nam Yết thành hòn đảo được đánh giá có cảnh sắc đẹp bậc nhất quần đảo Trường Sa.

Tuy không có nước ngọt tự nhiên, nhưng đảo Nam Yết vẫn được phủ xanh với rất nhiều cây cổ thụ cao lớn. Đảo còn được điểm tô bằng những hàng cỏ xén, hoa thơm ngay hàng thẳng lối. Tất cả biến Nam Yết thành hòn đảo được đánh giá có cảnh sắc đẹp bậc nhất quần đảo Trường Sa.


Tâm tình dưới tán bàng vuông


Trong chuyến công tác đến thăm các điểm đảo của quần đảo Trường Sa mới đây, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với cảnh sắc trên đảo Nam Yết. Cách bến cảng chỉ mấy bước chân là khoảng sân rộng rãi, được đổ bê tông sạch sẽ và được che bóng mát bởi 2 cây thuộc diện đại thụ. Trong đó, cây bàng vuông có cội lớn, phải đến 5 - 6 người ôm mới xuể. Phía trên chia thành 8 nhánh, mỗi nhánh đều to lớn như cột nhà vươn tỏa ra 8 hướng khác nhau, tạo bóng mát cho khoảng sân phía dưới khoảng 300m2.

 

Cây mù u (phía trước) và bàng vuông (phía sau) trên đảo Nam Yết.

Cây mù u (phía trước) và bàng vuông (phía sau) trên đảo Nam Yết.


Theo Trung úy Đào Văn Kha - Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết, không biết cây có tự bao giờ, nhưng từ khi giải phóng đảo, năm 1975 đã thấy cây bàng này đứng đó, hiên ngang giữa bão tố, phong ba. Theo những người đi trước, qua nhiều sóng gió, cây đã từng bị mục nát thân chính, nhưng từ gốc cây lại mọc lên 8 nhánh và phát triển mạnh, tạo nên dáng thế đặc biệt. “Một biểu tượng rất đẹp về sức sống, sức chiến đấu và khả năng sinh tồn mãnh liệt của cây. Đó cũng là những tố chất cần thiết trong mỗi người lính quân đội nhân dân Việt Nam”- Trung tá Kha khẳng định.


Cây mù u ở bên cạnh cũng cao lớn không kém gốc phải đến 3 người ôm mới xuể. Phía trên chia thành 7 nhánh lớn, xanh mướt, cành vươn ra xung quanh phải đến 30m mỗi cành. Cùng với cây bàng vuông, cây mù u này trở thành nét đặc trưng của Nam Yết.


Thiếu tá Nguyễn Kim Dũng - Chính trị viên cụm 1 đảo Nam Yết gợi nhớ: “Lần đầu tôi ra Nam Yết là năm 2015. Sau 1 năm công tác, tôi phải tạm xa Nam Yết. Điều mà tôi nhớ nhất bên cạnh các đồng đội, chiến sĩ là những hàng cây xanh - người bạn có thể chia sẻ với những anh lính xa nhà những lúc tâm tình. Nay được quay lại đảo, điều tôi vui mừng nhất là vẫn được ngồi dưới bóng mát của cây cối, nhất là cây bàng và cây mù u ở sảnh chính. Không chỉ bên ly trà nóng cùng nhau sum vầy, dưới bóng cây còn có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao như: cờ tướng, bóng chuyền, đọc sách báo… của các chiến sĩ sau giờ thao trường mỏi mệt”.


Mỗi năm, quân chủng đều tổ chức những chuyến gặp gỡ thân nhân và các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo. Gốc bàng vuông và mù u truyền thống lúc này là nơi chứng kiến và lắng nghe nhiều nhất những tâm tình của các buổi hạnh ngộ. Nơi đó có ghi dấu nỗi nhớ của người vợ trẻ với người chồng dạn dày sương gió. Có lời căn dặn, tin tưởng của người cha với đứa con trai duy nhất trong nhà. Có tiếng thánh thót của con trẻ về những câu chuyện trường lớp, đời thường với người bố đang làm nhiệm vụ ở đảo xa…


Cho Nam Yết mãi xanh

 

Không chỉ là thiên đường xanh giữa biển khơi, năm 2010, Nam Yết được đưa vào Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020. Năm 2012, Khu bảo tồn biển Nam Yết được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xếp là khu bảo tồn biển lớn nhất Việt Nam.

Từ trên cao, hòn đảo Nam Yết có hình thuôn dài như một con thuyền đang hướng mũi về bờ. Toàn bộ hòn đảo được phủ một lớp cây xanh ngăn ngắt, hầu hết là những cây bàng, mù u, phong ba và bão táp. Tất thảy đều xanh tươi, to lớn. Đại tá Trần Minh Thuần - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết: “Tôi đã từng làm việc ở đảo Nam Yết 2 năm. Nay mỗi lần được trở lại nơi này tôi đều rất xúc động. Những cảnh vật thân quen, những hàng cây do anh em cán bộ, chiến sĩ vun trồng đều ghi dấu biết bao kỷ niệm. Đây là đảo cấp 1 có bề dày thành tích, nằm ở trung tâm quần đảo Trường Sa, là Cụm trưởng của các cụm đảo Sinh Tồn. Không chỉ có nhiều cây cổ thụ, Nam Yết còn sở hữu số lượng cây dừa nhiều nhất quần đảo. Chỉ tính dừa lâu năm đã khoảng 150 gốc. Đồng thời, Nam Yết còn là nơi ươm giống dừa để cung cấp cho các đảo nổi khác”.


Theo Trung tá Đào Văn Kha, chỉ tính riêng trong năm 2018 đã có gần 5.000 cây xanh được trồng mới trên đảo. Dưới những tán cây cao lớn, hoạt động tăng gia sản xuất đặc biệt được chú trọng. Chuối, đu đủ, các loại rau xanh… đều được cán bộ, chiến sĩ vun trồng đủ dùng quanh năm. Nam Yết không có nước ngọt tự nhiên. Với nền móng là lớp cát mặt và đá vôi san hô không có khả năng giữ nước nên mưa tới đâu nước ngấm ra biển tới đó. Vì vậy, việc tiết kiệm, tận dụng tối đa nguồn nước ngọt được cán bộ, chiến sĩ đặc biệt lưu tâm. Mỗi lít nước ngọt đều được sử dụng vào ít nhất 2 công năng, chẳng hạn nước rửa rau được tận dụng thành nước tưới rau. Ngoài ra, toàn bộ rác thải hữu cơ được ủ thành phân bón cho cây cối. Ngay cả trái dừa sau khi sử dụng cũng được tận dụng vỏ trái để tạo chất xơ cho đất hoặc thành bình trồng phong lan, tạo cảnh quan cho đảo.


Không nói ra, nhưng để có được màu xanh mơn mởn của cây cối, giữa gió lớn, hơi mặn quanh năm, giữa nền cát, san hô bỏng rát, chẳng gì khác hơn ngoài bàn tay cần mẫn, chăm chỉ của nhiều thế hệ người lính kiên cường, bất khuất.


Hồng Đăng