10:11, 11/11/2022

Học kiếm, rèn "đạo"

Học kiếm, rèn "đạo" chính là ý nghĩa mà các học viên được truyền đạt khi tham gia lớp học võ tại Câu lạc bộ Kendo Nha Trang (53 Phùng Hưng, phường Phước Long), môn võ thuật mới lạ, đầy thú vị tại TP. Nha Trang.

Học kiếm, rèn “đạo” chính là ý nghĩa mà các học viên được truyền đạt khi tham gia lớp học võ tại Câu lạc bộ (CLB) Kendo Nha Trang (53 Phùng Hưng, phường Phước Long), môn võ thuật mới lạ, đầy thú vị tại TP. Nha Trang.


Ở Nha Trang, môn Kendo được biết đến vào năm 2021, với sự xuất hiện của CLB Kendo Nha Trang. Ông Võ Anh Nhân - Chủ nhiệm kiêm huấn luyện viên CLB Kendo Nha Trang, Chủ tịch Liên đoàn Kendo tỉnh cho biết, Kendo tức là học “đạo” thông qua đường kiếm, để nhấn mạnh khi nói về ý nghĩa của môn võ thuật này.

 

 *Kendo (Kiếm đạo) là môn võ thuật truyền thống có từ rất lâu đời ở Nhật Bản, đại diện cho nó chính là hình ảnh của các chiến binh Samurai. Năm 1952, Liên đoàn Kendo Nhật Bản được thành lập, đến năm 1954 được chính thức công nhận. Năm 1970, Nhật Bản tổ chức giải kiếm đạo thế giới đầu tiên tại Tokyo và kể từ đó, môn võ thuật này phát triển mạnh mẽ, rộng rãi trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.   Các học viên tập luyện tại Câu lạc bộ Kendo Nha Trang.

Các học viên tập luyện tại Câu lạc bộ Kendo Nha Trang.


Ban đầu, khi đưa môn võ thuật này về Nha Trang, ông Nhân gặp rất nhiều khó khăn bởi mọi người chưa hiểu hết về “đạo” trong Kendo. Nói đến học sử dụng kiếm, hẳn ai cũng nghĩ sẽ rất nguy hiểm, nhưng khi tìm hiểu kỹ mới thấy nó cực kỳ an toàn. Học Kendo không chỉ giúp các học viên rèn luyện thể chất, tinh thần mà còn giúp họ học cách đối nhân xử thế, tôn trọng tất cả mọi người, thể hiện từ những điều nhỏ nhặt nhất như: Võ sĩ vào phải chào sân, mặc quần áo, giáp phải ngồi đúng tư thế trang nghiêm, trong buổi tập phải tôn trọng thầy, đồng môn… Đó chính là cái “đạo” trong tinh thần mà môn võ thuật này hướng tới.


Sự an toàn trong Kendo được thể hiện khi người học được trang bị những vật dụng chuyên biệt như: Kiếm tre (Shinai), áo giáp bảo vệ (kendo-bogu) gồm mũ sắt, giáp bảo vệ bụng, găng tay… được làm từ các chất liệu riêng biệt. Quan trọng hơn, trong Kendo nghiêm cấm việc các võ sinh tấn công vào những vùng không có giáp.


Sự đặc biệt mà Kendo mang lại so với các môn võ thuật khác đó chính là thanh kiếm (Shinai). Thanh kiếm này được làm từ cây tre, có độ dẻo, đàn hồi chỉ có ở một số nơi tại Nhật Bản, Indonesia, Trung Quốc trồng. Kiếm gồm 4 thanh tre ghép vào nhau, bên trong hoàn toàn rỗng, mục đích giúp các võ sinh xóa nhòa mọi khoảng cách về thể chất, tuổi tác, cân nặng, giới tính khi thi đấu với các đối thủ. Tuy vậy, các vật dụng tập luyện môn võ này khá đắt, một bộ giáp, kiếm chất liệu ở mức trung bình có giá từ 10 triệu đồng, loại tốt có thể lên đến vài chục triệu đồng.  


Có mặt trong buổi tập của CLB Kendo Nha Trang, chúng tôi cảm nhận được không khí sôi nổi, hào hứng của các võ sinh khi thực hiện các động tác, đòn thế tấn công đối thủ. Tham gia tập Kendo được hơn 6 tháng, em Huỳnh Thiên Quý, học sinh lớp 6, Trường THCS Trần Quốc Toản cho hay: “Em thích chơi kiếm từ nhỏ nên khi học môn võ này cảm thấy rất thích thú”. Được biết, CLB Kendo Nha Trang hiện có 2 cơ sở, địa điểm chính ở đường Phùng Hưng, phường Phước Long, cơ sở 2 nằm ở phường Vĩnh Hải. CLB hiện có hơn 80 võ sinh theo tập.


Dù còn khá mới lạ và non trẻ, song những cái hay, thú vị và đặc biệt là những triết lý, tinh thần kiếm đạo, sử dụng kiếm để học “đạo” đối nhân xử thế mà Kendo mang lại cho các học viên giúp đời sống võ thuật Khánh Hòa thêm nét tươi mới, ngày càng phát triển mạnh mẽ.

 

Kendo (Kiếm đạo) là môn võ thuật truyền thống có từ rất lâu đời ở Nhật Bản, đại diện cho nó chính là hình ảnh của các chiến binh Samurai. Năm 1952, Liên đoàn Kendo Nhật Bản được thành lập, đến năm 1954 được chính thức công nhận. Năm 1970, Nhật Bản tổ chức giải kiếm đạo thế giới đầu tiên tại Tokyo và kể từ đó, môn võ thuật này phát triển mạnh mẽ, rộng rãi trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.


An Nhiên