05:07, 12/07/2019

Tranh chấp thương mại Hàn Quốc-Nhật Bản leo thang: Mỹ vào cuộc

Trước bối cảnh tranh chấp thương mại Nhật-Hàn không hạ nhiệt, Mỹ tuyên bố sẽ làm mọi thứ để giảm căng thẳng giữa 2 đồng minh ở Đông Bắc Á này.

Trước bối cảnh tranh chấp thương mại Nhật-Hàn không hạ nhiệt, Mỹ tuyên bố sẽ làm mọi thứ để giảm căng thẳng giữa 2 đồng minh ở Đông Bắc Á này.
 
Cuộc tranh chấp thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc không có dấu hiệu giảm nhiệt. Trước nguy cơ lệnh hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản đối với các công ty Hàn Quốc kéo dài và gây hậu quả bất lợi cho cả 2 bên, Mỹ (đồng minh của cả Hàn Quôc và Nhật Bản) tuyên bố sẽ làm mọi điều có thể để hòa giải, giảm căng thẳng giữa 2 đồng minh then chốt ở Đông Bắc Á. 
 
Những biện pháp “ăn miếng trả miếng" giữa Nhật Bản và Hàn Quốc được cho là tự hủy hoại lẫn nhau bởi Nhật Bản là nguồn cung cấp hoá chất và công nghệ sản xuất rất quan trọng đối với các ngành công nghiệp của Hàn Quốc, trong khi đối với Nhật Bản, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu trọng yếu.

 

Trước bối cảnh tranh chấp thương mại Nhật-Hàn không hạ nhiệt, Mỹ tuyên bố sẽ làm mọi thứ để giảm căng thẳng giữa 2 đồng minh ở Đông Bắc Á này. Ảnh: AP
Trước bối cảnh tranh chấp thương mại Nhật-Hàn không hạ nhiệt, Mỹ tuyên bố sẽ làm mọi thứ để giảm căng thẳng giữa 2 đồng minh ở Đông Bắc Á này. Ảnh: AP
 
Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày hôm qua (11/7), Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha nói rằng, cuộc tranh chấp tiếp tục leo thang với việc Nhật Bản ngừng cung cấp hoá chất sử dụng để sản xuất điện thoại thông minh và vi mạch. Ngoại trưởng Hàn Quốc còn lo ngại, lệnh hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản không chỉ phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn ảnh hưởng tới các công ty Mỹ. Hàn Quốc muốn tìm kiếm sự trợ giúp của Mỹ để giải quyết tranh chấp, cảnh báo Mỹ về những thiệt hại tiềm tàng nếu tranh chấp Hàn – Nhật kéo dài.
 
Bộ Ngoại giao Mỹ tránh nêu quan điểm về hành động của phía Nhật Bản nhưng tuyên bố coi mối quan hệ với cả 2 nước là “cực kỳ quan trọng” bởi cả 3 đối mặt với các thách thức chung của khu vực và chung các ưu tiên lợi ích tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Vì lẽ đó, Mỹ muốn tổ chức đàm phán 3 bên để giải quyết cuộc tranh chấp. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cùng người đồng cấp Hàn Quốc ngỏ ý mong đợi một cuộc gặp 3 bên diễn ra ở Bangkok, Thái Lan khi hội nghị ASEAN kết thúc vào cuối tháng này. Ông Pompeo tuyên bố với Hàn Quốc rằng cần thiết phải tăng cường liên lạc giữa 3 bên.
 
Tuy nhiên giới phân tích cho rằng, cho dù Mỹ thấu hiểu những nguy hại từ cuộc tranh chấp Hàn-Nhật nhưng Mỹ khó có thể trở thành nhà trung gian hòa giải. Cựu Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Ichiro Fujisaki cũng cho rằng, đây chỉ nên xem là vấn đề giải quyết song phương, không cần thiết vai trò hòa giải của Mỹ.
 
Trong bối cảnh tranh chấp khó có thể giải quyết trong chốc lát, chính phủ Hàn Quốc đưa ra phương án tự cứu mình, bởi các chuyên gia dự báo cuộc tranh chấp sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế trong năm nay của Hàn Quốc.
 
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tuyên bố phải cứu các công ty trong nước: “Chính phủ Hàn Quốc sẽ tăng mạnh ngân sách để hỗ trợ các công ty Hàn Quốc phát triển nguồn nguyên liệu, linh kiện, và thiết bị ngay trong nội địa mà không quá phụ thuộc vào nhập khẩu”.
 
Cụ thể, đảng cầm quyền Hàn Quốc thông báo bổ sung ngân sách 300 tỷ Won, (tương đương 255 triệu USD) để ứng phó với khủng hoảng, trong đó 1/3 số ngân sách bổ sung dùng để hỗ trợ các công ty trong nước  có được nguyên liệu trong sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường.
 
Một loạt hoạt động ngoại giao đang được xúc tiến. Trong hôm nay (12/7), quan chức thương mại của Nhật Bản và Hàn Quốc họp tại Tokyo, Nhật Bản. Phó Chủ tịch Văn phòng An ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Hyun-chong cũng đang có mặt ở Washington, Mỹ. Trong khi đó, tân Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đặc trách các vấn đề  Đông Á- Thái Bình Dương David Stilwell cũng đang có chuyến công du Nhật Bản, có thể sẽ đề cập tới cuộc tranh chấp thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc./.
 
Theo VOV