06:11, 06/11/2018

Bầu cử giữa kỳ Mỹ đối mặt với thách thức về an ninh mạng

Tin tặc đã đột nhập hệ thống dữ liệu liên quan đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ hơn 160 lần, tương tự như bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Tin tặc đã đột nhập hệ thống dữ liệu liên quan đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ hơn 160 lần, tương tự như bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
 
Hôm nay (6/11), hàng triệu cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc hội nước này, để bầu ra toàn bộ 435 ghế trong Hạ viện, 35/100 ghế trong Thượng viện, 36 thống đốc bang, cùng khoảng 6.000 ghế (tương đương gần 82% tổng số ghế) trong các cơ quan lập pháp cấp bang trên toàn nước Mỹ. Tuy nhiên, đến nay, vấn đề an ninh mạng vẫn là một thách thức cho cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa ngay cả trước và sau cuộc bầu cử này.
 
Bộ An ninh Nội địa Mỹ hôm qua cho biết, đã có hơn 160 lần tin tặc "hỏi thăm" hệ thống dữ liệu liên quan đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc hội nước này. Theo báo cáo của Bộ này, kể từ tháng 8 vừa qua, các tin tặc nước ngoài đã thực hiện hàng chục hoạt động thử và truy cập vào hệ thống bầu cử của Mỹ, bao gồm cả cơ sở dữ liệu đăng ký cử tri.
 

 

Bầu cử giữa kỳ Mỹ đối mặt với thách thức về an ninh mạng. (Ảnh minh họa: PC World)
Bầu cử giữa kỳ Mỹ đối mặt với thách thức về an ninh mạng. (Ảnh minh họa: PC World)
 
Theo giới chức an ninh Mỹ, đây là những âm mưu tấn công mạng tương tự như những gì xảy ra trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, song rất may tất cả đều đã được ngăn chặn thành công. Hiện các quan chức bầu cử địa phương Mỹ đang tăng cường chia sẻ thông tin về loại tấn công mạng mà họ gặp phải, đồng thời bảo vệ các hạ tầng cơ sở bầu cử. Mới đây nhất, văn phòng Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ ở Tây Virginia Joe Manchin cho biết, các tài khoản truyền thông xã hội của họ đã bị xâm phạm.
 
Hiện chỉ còn vài giờ nữa là diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc hội Mỹ 2018.  Đến nay, các quan chức an ninh mạng hàng đầu của quốc gia này đang tập trung tối đa mọi nguồn lực nhằm ngăn chặn các tin tặc có thể thực hiện các cuộc tấn công mạng nhằm gây gián đoạn cuộc bầu cử.
 
Đại diện Bộ An ninh Nội địa Mỹ Christopher Krebs nhận định, mọi điều đều có thể xảy ra, song đến nay Mỹ chưa thấy các dấu hiệu về “một chiến dịch tấn công mang quy mô lớn” sẽ diễn ra trong thời gian bầu cử và rằng các hoạt động tấn công mạng trong cuộc bầu cử lần này sẽ ít hơn so với cuộc bầu cử năm 2016.
 
Hồi tháng 9 vừa qua, đích thân Tổng thống Donald Trump cho rằng Trung Quốc đang tìm cách can thiệp cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ, bởi lẽ Bắc Kinh không muốn đảng Cộng hòa giành chiến thắng vì quan điểm cứng rắn của ông đối với vấn đề thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc không bằng chứng này của người đứng đầu chính phủ Mỹ.
Với 2 năm cầm quyền, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đẩy mạnh việc đảm bảo an ninh mạng cho các cuộc bầu cử. Theo Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kirstjen Nielsen, thì đây sẽ là cuộc bầu cử an toàn nhất mà Mỹ từng có.
 
Dự kiến, sau cuộc bầu cử giữa kỳ hôm nay, 3 vấn đề an ninh mạng bao gồm an ninh bầu cử, mối đe dọa chuỗi cung ứng và mã hóa sẽ vẫn là một vấn đề được cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ quan tâm. Nếu đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện, vấn đề an ninh bầu cử có khả năng trở thành một trong những vấn đề trọng tâm trong chương trình nghị sự. Khi đó, đảng Dân chủ sẽ thúc đẩy một loạt ưu tiên, trong đó có việc loại bỏ mối đe dọa cho chuỗi cung ứng và giải quyết những tranh cãi hiện nay về mã hóa các thiết bị.
 
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng sẽ phải chịu nhiều sức ép hơn từ những chỉ trích liên quan đến cuộc chiến chống lại các đối thủ nước ngoài, cũng như cần đảm bảo rằng chính quyền của ông đang thực hiện các biện pháp bảo vệ cuộc bầu cử năm 2020.
 
Trong một diễn biến có liên quan, hôm qua (05/11), Bộ Tư pháp Mỹ thông báo sẽ triển khai nhân viên đến 35 điểm bầu cử ở 19 bang trên cả nước, trong suốt thời gian diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ để “giám sát việc tuân thủ các điều luật bầu cử Liên bang”. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions nói rằng cơ quan này sẽ sử dụng công cụ rất hữu ích mà họ có, cả dân sự và hình sự, để bảo vệ các quyền của hàng triệu cử tri Mỹ tham gia bỏ phiếu. Ông Sessions cũng nói rằng, cử tri lừa đảo “sẽ không được dung thứ”./.
 
Theo VOV