11:05, 08/05/2018

Mỹ cân não với Iran trong ván bài hạt nhân-dầu mỏ

Quyết định Tổng thống Trump sắp công bố sẽ không hề bất ngờ nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran lịch sử.
 

Quyết định Tổng thống Trump sắp công bố sẽ không hề bất ngờ nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran lịch sử.
 
Ngày 7/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo trên Twitter cá nhân, ông sẽ công bố quyết định về thỏa thuận hạt nhân Iran vào 14h ngày 8/5 giờ địa phương (1h sáng 9/5, giờ Việt Nam).
 
Dù chưa chính thức công bố, song số phận của thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn được biết đến với tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) đạt được giữa Iran và P5+1 năm 2015, dường như đã ngã ngũ.
 
Quyết định Tổng thống Trump sắp công bố sẽ không hề bất ngờ nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử này. Ông Trump trước đó đã đặt thời hạn chót ngày 12/5 để các bên sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran, mà ông luôn chỉ trích là “tồi tệ nhất”.
 
Trừng phạt dầu mỏ
 
Quyết định “xé bỏ” thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 của Mỹ sẽ tác động tới các đồng minh của Washington, các đối tác thương mại và cả thị trường dầu thế giới. Các động thái tiếp theo của Mỹ sau tuyên bố của Tổng thống Trump ngày 9/5 và cả phản ứng đáp trả của Iran đang được dõi theo sát sao.
 
Tổng thống Trump không cần quan tâm liệu Iran có tuân thủ thỏa thuận với các cường quốc P5+1 hay không, chính quyền Mỹ dưới thời ông Trump sẽ theo đuổi các biện pháp trừng phạt Iran. Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, ông Trump đã tuyên bố sẽ “xé bỏ” thỏa thuận hạt nhân lịch sử này.
 
Kể cả khi Iran đang tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, thì Tổng thống Trump vẫn không chịu chấp nhận và coi bản thân thỏa thuận này là tồi tệ. Nhà lãnh đạo Mỹ đã nhắc tới việc sẽ nối lại trừng phạt trong lĩnh vực dầu mỏ vào ngày 12/5 nếu các đồng minh châu Âu không tìm được một thỏa thuận mới sửa chữa cho văn bản ký kết năm 2015 với Iran.
 
Phần còn lại của thế giới cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định của Mỹ, khi ông Trump có thể sử dụng “sức mạnh và quyền lực của nền kinh tế số 1 thế giới” để buộc các nhà đầu tư, các công ty nước ngoài ngừng nhập khẩu dầu của Iran.
 
“Kịch bản Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran chủ yếu là vì Tổng thống Trump luôn liệt Iran vào “danh sách đen” và ông Trump hành động theo cảm tính trong vấn đề này. Với Mỹ, sẽ là rút khỏi một thỏa thuận tồi tệ theo đánh giá của ông Trump, còn với châu Âu thì đó là sức ép với mối quan hệ làm ăn đang tốt dần lên với Iran”, giới phân tích thuộc Eurasia Group đưa ra nhận định hôm 7/5.
 
Mỹ có đủ quyền lực để làm như vậy. Bất cứ ai cũng phải dè chừng khi bị nền kinh tế số 1 thế giới cấm cửa. “Trừng phạt phụ” là công cụ để chính quyền Donald Trump sử dụng với các bên thứ 3, theo đó, Mỹ có thể cấm doanh nghiệp các nước khác tiếp cận thị trường Mỹ nếu họ không hưởng ứng các lệnh trừng phạt Iran.
 
Bộ Tài chính Mỹ đã chuẩn bị sẵn trừng phạt với những thể chế tài chính nước ngoài có liên hệ với Ngân hàng Trung ương Iran hay các nước không đồng ý giảm đáng kể lượng dầu nhập khẩu từ quốc gia Vùng Vịnh này.
 
Hiện Mỹ chưa công bố con số “giảm đáng kể” này là bao nhiêu. Song chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Barack Obama đã từng yêu cầu các nước cứ trong vòng 180 ngày lại phải giảm 20% lượng dầu nhập khẩu của Iran. Chính quyền của Tổng thống Trump có thể không yêu cầu như vậy. Song giới phân tích cho rằng, ông Trump đã có sẵn lựa chọn nhưng chưa công bố vì Mỹ vẫn đang đàm phán với các đồng minh châu Âu.

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran. Ảnh: Getty Images
Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran. Ảnh: Getty Images
 
Iran sẽ điêu đứng vì dầu
 
Các chuyên gia đưa ra một giả thiết rằng, khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Nhà Trắng sẽ thực hiện giai đoạn chuyển tiếp trong 6 tháng để có thể tiếp tục thương thảo với các đồng minh và đối tác. Với kịch bản này, lượng xuất khẩu dầu của Iran sẽ bắt đầu giảm mạnh trong nửa đầu năm 2019. 
 
Tuy nhiên, nếu Tổng thống Trump yêu các nhà nhập khẩu giảm ngay lập tức lượng dầu mua của Iran, thì chỉ đến cuối năm nay xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia Vùng Vịnh này sẽ điêu đứng.
 
Và kịch bản tiếp theo sẽ còn phụ thuộc vào phản ứng của Iran, các nước nhập khẩu dầu quốc tế, cũng như Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Nga và cả các nước lớn sản xuất dầu mỏ khác. Trong khi đó, các nước sản xuất dầu đang phải điều chỉnh sản lượng khai thác nhằm giải quyết vấn đề cung vượt quá cầu trên thị trường dầu thế giới.
 
Iran tuyên bố Mỹ sẽ hối tiếc khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 và thế giới đang chờ đợi phản ứng của Iran sau quyết định của Mỹ.
 
Giới chuyên gia dự kiến, các trừng phạt của Mỹ sẽ khiến thị trường thế giới giảm 500.000 thùng dầu mỗi ngày, bằng 1/3 so với trừng phạt thời Tổng thống Obama.
 
Chắc chắn Trung Quốc cùng các nước nhập khẩu dầu lớn của Iran như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tuân theo những lệnh trừng phạt của Mỹ.
 
Một kịch bản ít tổn thất nhất có thể đó là Mỹ khôi phục trừng phạt Iran, song không dùng đến “trừng phạt phụ” với các nước đang làm ăn với Iran. Với lệnh trừng phạt đơn phương, thì chỉ có các doanh nghiệp Mỹ bị cấm giao dịch với Iran. Tuy nhiên, đây lại là kịch bản ít khả thi nhất với chính quyền Tổng thống Trump lúc này.
 
“Tổng thống Trump có thể thực hiện đúng cam kết của mình trong chiến dịch tranh cử và sau khi nhậm chức là rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Song sẽ là rất phức tạp nếu Mỹ công bố các trừng phạt mới với Iran và chắc chắn căng thẳng Mỹ-châu Âu sẽ gia tăng, đặc biệt khi mối quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương vốn ngày càng trục trặc”, giới chuyên gia nhìn nhận.
 
Đến nay, Iran vẫn từ chối đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân 2015. Các bên còn lại trong P5+1 là Nga, Trung Quốc và các đồng minh châu Âu của Mỹ đều muốn níu kéo văn kiện này. Song, mọi nỗ lực thuyết phục của Anh, Pháp, Đức đều không khiến Mỹ lay chuyển.
 
Quyết định sẽ được Tổng thống Trump công bố và các bên buộc phải sẵn sàng cho một kịch bản xấu nhất./.
 
Theo VOV