Theo quy định, xã nông thôn mới nâng cao phải có sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Tuy nhiên, nhiều xã nông thôn mới nâng cao hoặc đang phấn đấu để đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vẫn còn trăn trở tìm kiếm sản phẩm đặc trưng.
Theo quy định, xã nông thôn mới (NTM) nâng cao phải có sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Tuy nhiên, nhiều xã NTM nâng cao hoặc đang phấn đấu để đạt chuẩn xã NTM nâng cao vẫn còn trăn trở tìm kiếm sản phẩm đặc trưng.
Còn nhiều khó khăn
Theo ông Trần Ngọc Chiến - Chủ tịch UBND xã Vạn Bình (huyện Vạn Ninh), địa phương đã đạt chuẩn NTM năm 2018, phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2025. Vạn Bình là xã thuần nông, chuyên sản xuất lúa và một số ngành nghề nông nghiệp khác. Tuy nhiên, sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, quy mô hộ gia đình, chưa có doanh nghiệp tham gia chế biến nông sản nên sản phẩm chủ yếu chỉ bán thô ở các chợ truyền thống. Vì vậy, chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc trưng, lợi thế của địa phương, hay khả năng áp dụng kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng đồng đều, đủ năng lực cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, ổn định, lâu dài.
Được biết, trên địa bàn xã có cây hoa mào gà khá phù hợp với thổ nhưỡng, đất đai tại thôn Bình Trung 2. Tết Nguyên đán vừa qua, hoa bán chạy, được nhiều nơi ưa chuộng, mang lại thu nhập khá cho người trồng hoa. Tuy nhiên, để hoa mào gà trở thành sản phẩm đặc trưng cho xã không phải chuyện đơn giản. Thời gian tới, xã tiếp tục tìm hướng phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, chủ lực của địa phương. Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân mở rộng diện tích sản xuất, thành lập tổ hợp tác liên kết sản xuất chế biến nông sản để định hình sản phẩm mới.
Xã Diên Điền - xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao của huyện Diên Khánh cũng trăn trở với việc tìm kiếm sản phẩm OCOP. Ông Huỳnh Văn Hưởng - Phó Chủ tịch UBND xã cho hay, Diên Điền là xã thuần nông, chủ yếu sản xuất lúa và cây ăn quả, rất khó để chọn ra sản phẩm đặc trưng tham gia OCOP. Trên địa bàn xã có di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Am Chúa có thể phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Tuy nhiên, việc đưa di tích này trở thành một sản phẩm du lịch của xã chỉ mới là ý tưởng và còn vướng nhiều quy định.
Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế các địa phương, hiện nay, các xã rất trăn trở trong việc tìm kiếm sản phẩm OCOP để đáp ứng quy định đối với xã NTM nâng cao. Tuy nhiên, các xã chưa đề xuất với cấp huyện để đưa ra định hướng phát triển.
Cần chủ động tìm sản phẩm đặc trưng
Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, xã đạt chuẩn NTM nâng cao phải có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn hoặc tương đương, còn thời hạn. Bên cạnh đó, theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, chủ thể của sản phẩm OCOP phải là các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Sản phẩm OCOP gồm các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương, đặc biệt là các đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa. Trên địa bàn các xã, sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề hay du lịch đều có. Tuy nhiên, để được chấp nhận là sản phẩm OCOP cần phải đáp ứng được các điều kiện nói trên.
Ông Huỳnh Quang Thành - Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho hay, các xã khi phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao cần rà soát, bám sát hướng dẫn để chủ động tìm kiếm sản phẩm đặc trưng phù hợp với yêu cầu. Ví dụ như: Nếu xã Vạn Bình đề xuất cây hoa mào gà thì cần bám sát Bộ sản phẩm hoa theo quy định tại Quyết định số 148 ngày 24-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Hoặc đối với đề xuất sản phẩm du lịch của xã Diên Điền, địa phương cần bám sát Bộ tiêu chí đánh giá số 26 - bộ sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch theo quy định tại Quyết định số 148… Tuy nhiên, các xã cần lưu ý: Đối tượng tham gia phải là các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh.
Toàn tỉnh hiện có 6/92 xã đạt xã NTM nâng cao, gồm: Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa (năm 2020); Vĩnh Phương, TP. Nha Trang (năm 2020); Diên An và Diên Điền, huyện Diên Khánh (năm 2021); Cam Hải Tây và Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm (năm 2021). |
Q.V