10:03, 14/03/2022

Kho bạc Nhà nước Khánh Hòa: Hướng tới kho bạc số

Đến nay, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Khánh Hòa đã cơ bản hoàn thành kho bạc điện tử với nhiều kết quả quan trọng. Năm 2022, KBNN Khánh Hòa tiếp tục phát triển các hệ thống công nghệ thông tin liên quan để tiến tới hình thành kho bạc số.

Đến nay, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Khánh Hòa đã cơ bản hoàn thành kho bạc điện tử với nhiều kết quả quan trọng. Năm 2022, KBNN Khánh Hòa tiếp tục phát triển các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) liên quan để tiến tới hình thành kho bạc số.


Hoàn thành kho bạc điện tử


Kể từ khi triển khai Hệ thống quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) vào năm 2009, KBNN Khánh Hòa đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình quản lý ngân sách nhà nước (NSNN), đồng thời đảm bảo công tác báo cáo kịp thời, số liệu chính xác để hỗ trợ các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh trong việc điều hành NSNN. Theo báo cáo của KBNN Khánh Hòa, đến nay, đơn vị đã phối hợp với 6 ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh để tạo thuận lợi cho người nộp NSNN và thanh toán chi trả kịp thời cho các đối tượng hưởng NSNN. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của KBNN Khánh Hòa hoạt động rất ổn định, phục vụ 100% đơn vị thuộc đối tượng tham gia trên địa bàn tỉnh với số lượng giao dịch hồ sơ chứng từ chi NSNN phát sinh đạt 99% lượng chứng từ chi của toàn tỉnh trên TABMIS. Có 100% đơn vị sử dụng ngân sách đã cài đặt ứng dụng cảnh báo rủi ro trên thiết bị di động để tra cứu kịp thời biến động số dư tài khoản và kết quả xử lý giao dịch hồ sơ chứng từ trên hệ thống Dịch vụ công trực tuyến nhằm phòng ngừa rủi ro và công khai minh bạch.

 

Giao dịch tại bộ phận một cửa Kho bạc Nhà nước Khánh Hòa.

Giao dịch tại bộ phận một cửa Kho bạc Nhà nước Khánh Hòa.


Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc thực hiện liên thông các ứng dụng nghiệp vụ (Dịch vụ công trực tuyến - TABMIS - thanh toán song phương điện tử) trong thời gian qua đã mang lại kết quả tốt. Trước đây, với mỗi hồ sơ chứng từ, công chức kế toán của KBNN Khánh Hòa phải thực hiện nhập số liệu thủ công từ hệ thống Dịch vụ công trực tuyến sang TABMIS. Với việc liên thông 3 hệ thống này, sau khi giao dịch viên nhận và hoàn thiện các thông tin chi thường xuyên, kế toán trưởng và lãnh đạo KBNN Khánh Hòa ký duyệt trên hệ thống Dịch vụ công trực tuyến, chứng từ được tự động liên kết sang giao diện TABMIS, thanh toán song phương điện tử và chuyển sang ngân hàng mà không cần xử lý thủ công như trước đây. Không chỉ tiết kiệm thời gian, công sức, tạo thuận tiện cho các bên liên quan, việc thực hiện liên thông này còn tránh được các sai sót về con số khi nhập số liệu thủ công; đồng thời cập nhật, cung cấp kịp thời và chính xác số liệu thu, chi NSNN qua KBNN cho các cấp chính quyền và cơ quan tài chính trong quá trình quản lý, điều hành ngân sách…


Bên cạnh đó, KBNN Khánh Hòa tiếp tục thực hiện hệ thống CNTT phục vụ chức năng quản lý ngân quỹ nhà nước như: Hệ thống kiểm soát chi đầu tư; hệ thống thanh toán điện tử tập trung… Một loạt ứng dụng CNTT cốt lõi khác cũng được đơn vị thực hiện trong thời gian qua nhằm phục vụ các chức năng quản lý về công tác lập báo cáo tài chính nhà nước, công tác quản lý ngân quỹ.


Khởi động cho tiến trình hình thành kho bạc số


Năm 2022 là năm đầu KBNN triển khai thực hiện Bản “Kiến trúc tổng thể CNTT hướng tới kho bạc số” theo Quyết định số 2739 ngày 4-6-2021 của KBNN. Bản quy hoạch kiến trúc tổng thể có ý nghĩa quan trọng, nhằm tăng cường hoạt động hiệu lực, hiệu quả của hệ thống KBNN theo mô hình quản lý, quản trị hiện đại, phục vụ các đơn vị tổ chức, người dân và doanh nghiệp, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và là “nền móng” để hệ thống KBNN tiến nhanh đến kho bạc số vào năm 2030.


Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, KBNN tập trung việc liên kết, liên thông dữ liệu với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương; củng cố, hoàn thiện dịch vụ của kho bạc điện tử; cung cấp các dịch vụ thuộc chức năng nhiệm vụ của KBNN; từng bước chia sẻ dữ liệu mở; đồng thời triển khai các dịch vụ cơ bản về phân tích rủi ro hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành dựa vào dữ liệu… Giai đoạn 2026 - 2030, KBNN tiếp tục tập trung liên thông dữ liệu số, đẩy mạnh chia sẻ dữ liệu mở, cung cấp thêm nhiều dịch vụ mới; đẩy mạnh việc phân tích rủi ro, phân tích dự báo dựa trên dữ liệu lớn, công nghệ trí tuệ nhân tạo, hướng đến hình thành kho bạc số đầy đủ… Trên cơ sở đó, ngay trong năm 2022, một trong những mục tiêu là xây dựng và triển khai chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030, đặt nền móng cho việc hình thành kho bạc số vào năm 2030.


Bà Phạm Thị Hồ Lan - Giám đốc KBNN Khánh Hòa cho biết, để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, KBNN Khánh Hòa sẽ kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải cách thủ tục hành chính, số hóa các giao dịch thu, chi NSNN; đào tạo, quy hoạch nâng cao năng lực, trình độ và tư tưởng của cán bộ; sẵn sàng triển khai các ứng dụng CNTT của KBNN…


HOÀNG DUNG