10:04, 08/04/2019

Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh: Mở rộng "phủ sóng"

Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh (viết tắt là trung tâm) chính thức khai trương, đưa vào vận hành ngày 31-8-2018. Qua gần nửa năm hoạt động, lượng hồ sơ trực tuyến tăng dần, cho thấy độ "phủ sóng" của trung tâm đang mở rộng.

Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến (DVHCCTT) tỉnh (viết tắt là trung tâm) chính thức khai trương, đưa vào vận hành ngày 31-8-2018. Qua gần nửa năm hoạt động, lượng hồ sơ trực tuyến tăng dần, cho thấy độ “phủ sóng” của trung tâm đang mở rộng.


Hồ sơ, thủ tục tăng


Tính đến ngày 12-3-2019, có 2.041 quy trình thủ tục hành chính (TTHC) toàn tỉnh được cập nhật trên cơ sở dữ liệu, công khai trên Cổng thông tin trung tâm, phục vụ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ. Trong đó, có 394 quy trình thủ tục liên thông nhiều cơ quan, nhiều cấp; nhiều nhất ở các lĩnh vực: tài nguyên và môi trường; lao động - thương binh và xã hội; tư pháp; nội vụ; đầu tư; xây dựng. Đối với các thủ tục trực tuyến mức độ 3, 4, trung tâm cũng đã tích hợp biểu mẫu online, cho phép khách hàng điền tờ khai, mẫu đơn ngay trên giao diện web mà không cần tải điền, gắn file.

 

Cán bộ Một cửa UBND huyện Khánh Vĩnh tác nghiệp trên phần mềm của Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh.

Cán bộ Một cửa UBND huyện Khánh Vĩnh tác nghiệp trên phần mềm của Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh.


Đến nay, đã có gần 300 cơ quan, đơn vị (gồm cả  ngành dọc tham gia giải quyết liên thông như: công an, bảo hiểm xã hội, thuế) với gần 6.700 cán bộ, công chức, viên chức tác nghiệp giải quyết hồ sơ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên trung tâm cho gần 150.400 khách hàng trong và ngoài tỉnh. Gần 252.000 hồ sơ đã được giải quyết trên phần mềm Một cửa điện tử (mới), trong đó có hơn 29.000 hồ sơ trực tuyến (11,62%). Tính ra, bình quân mỗi tháng, trung tâm giải quyết hơn 40.000 hồ sơ. Năm 2018, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn ở mức rất thấp 1,68%, giảm 1,5 lần so với năm 2017. Số lượng, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến được các sở, UBND cấp huyện tiếp nhận và giải quyết thành công đạt gần 78.000 hồ sơ. Tính chung các khối, số lượng và tỷ lệ hồ sơ trực tuyến năm 2018 đã tăng gấp 2,6 lần năm 2017 và gấp hơn 15 lần so với năm 2016.


Kết quả trên đã góp phần giúp tỉnh đạt kết quả cao trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Năm 2018, chỉ số CCHC trung bình của tỉnh tăng 3,54% so với năm 2017; chỉ số hài lòng chung vượt mục tiêu đề ra.


Tiếp tục hướng tới khách hàng


Khác với các trung tâm dịch vụ hành chính công, Trung tâm DVHCCTT của Khánh Hòa là một hệ thống thông tin điện tử tổng hợp của UBND tỉnh trên mạng Internet; cung cấp các dịch vụ hành chính công trực tuyến thông qua 1 địa chỉ duy nhất. Trung tâm gồm Cổng thông tin DVHCCTT (có bộ phận Một cửa trực tuyến cho toàn bộ cơ quan hành chính tỉnh) và 4 phân hệ cơ sở dữ liệu (TTHC, người dùng, khách hàng, kết quả giải quyết TTHC). Đảm bảo quản lý, vận hành toàn bộ chức năng, dịch vụ của trung tâm là Trung tâm Công nghệ thông tin và DVHCCTT tỉnh, được tổ chức lại từ Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông). Như vậy, việc thành lập trung tâm không làm phát sinh nhân sự, không tốn thêm không gian và chi phí xây trụ sở mới; ngoài 1 đơn vị quản lý và vận hành, các bộ phận cấp sở vẫn làm việc tại các sở.


Tuy vậy, hệ thống lại cho phép tích hợp nhiều tính năng, tiện ích. Với 1 địa chỉ duy nhất trên mạng Internet (hanhchinhcong.khanhhoa.gov.vn), hệ thống cung cấp toàn bộ DVHCCTT của các sở, ngành, địa phương. Các cơ quan hành chính có 1 cổng thông tin dùng chung; bộ phận Một cửa trực tuyến chung tại 1 địa chỉ duy nhất thay vì 165 website riêng lẻ; có cơ sở dữ liệu TTHC dùng chung và cơ sở dữ liệu người dùng chung...; cho phép chuyển hồ sơ liên thông đa chiều. Cơ sở dữ liệu TTHC được hệ thống hóa cả 3 cấp đã giải quyết hồ sơ với nhiều tình huống thủ tục mà hệ thống cũ không làm được.


Tại huyện miền núi Khánh Vĩnh bước đầu cũng cho thấy cảm nhận tích cực của người dùng với trung tâm. Tới làm thủ tục khai sinh, nhập hộ khẩu cho đứa cháu mới sinh, bà Hoàng Thị Thanh Xuân (thôn 6, xã Khánh Nam) cho biết, bà chỉ tới một buổi là xong. Cán bộ hỏi rồi nhập liệu và chuyển đi giải quyết, bà không phải đến nhiều cơ quan. Bà Trương Thị Kim Thoa (thôn Đồng Bé, xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh), người đăng ký trực tuyến thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và giấy chứng nhận đăng ký thuế cũng thừa nhận, việc giải quyết trực tuyến tại bộ phận Một cửa UBND huyện Khánh Vĩnh rất thuận tiện. Chị ở nhà mà vẫn tương tác được với chuyên viên khi vướng mắc và được giải đáp đến cùng; việc giải quyết cũng nhanh chóng. Còn theo chị Cao Thị Huỳnh Như - công chức phụ trách công tác CCHC xã Khánh Phú, phần mềm Một cửa điện tử (mới) có rất nhiều tiện ích. Ví dụ, khâu tiếp nhận hồ sơ có tính năng tạm ngưng tính thời hạn giải quyết nếu cần gửi xác minh. Tuy hệ thống còn một số vướng mắc, nhưng nếu nỗ lực khắc phục chắc chắn sẽ phát huy tối đa tiện ích, mang lại nhiều lợi ích hơn cho khách hàng.   


Ông Nguyễn Trọng Thái - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, đến nay, Khánh Hòa vẫn là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai được mô hình trung tâm. Với thông điệp “Chúng tôi sẵn sàng phục vụ!”, thời gian tới, Ban điều hành trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình hoàn thiện trung tâm; đồng thời tổng hợp, tiếp thu, chỉnh sửa các vấn đề về kỹ thuật, bổ sung các tiện ích mới. Thực tế, việc xây dựng các mô hình phục vụ thông minh chỉ có nền tảng vững chắc khi xây dựng được chính quyền điện tử, có công dân, tổ chức, doanh nghiệp điện tử sẵn sàng thụ hưởng. Hiện nay, đề án về khu dân cư điện tử cũng đang trong quá trình xây dựng báo cáo tư vấn. Đây là một “mảnh ghép” không thuộc trung tâm nhưng sẽ bổ trợ đắc lực cho trung tâm, vì tạo ra một không gian điện tử, cho phép kết nối nhiều dịch vụ cung cấp, trong đó có DVHCCTT. Đề án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020.  


NGUYỄN VŨ