11:05, 07/05/2018

Cải cách hành chính năm 2017: Vẫn thiếu sự hài lòng

Nối tiếp 4 năm liên tục tăng vị thứ trong bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính toàn quốc, năm 2017, Khánh Hòa tiếp tục thăng hạng: tăng 6 bậc so với năm 2016, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố.

Nối tiếp 4 năm liên tục tăng vị thứ trong bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (CCHC) toàn quốc, năm 2017, Khánh Hòa tiếp tục thăng hạng: tăng 6 bậc so với năm 2016, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố.

 
Chỉ số CCHC cấp tỉnh năm 2017 được xác định theo 38 tiêu chí, 81 tiêu chí thành phần. Trong đó, 60 tiêu chí, tiêu chí thành phần được các bộ thẩm định qua báo cáo của địa phương, chiếm 65,5 điểm; 21 tiêu chí, tiêu chí thành phần được đánh giá qua điều tra xã hội học, chiếm 34,5 điểm. Nét mới là cùng với giá trị trung bình của 7 chỉ số thành phần, chỉ số CCHC cấp tỉnh năm 2017 còn sử dụng chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) như một chỉ số thành phần, chiếm 12% tổng điểm. Năm 2017, chỉ số CCHC trung bình của các tỉnh, thành phố đạt 77,72%; Khánh Hòa đạt 83,97%, tăng 3,13% so với năm 2016. Đây là năm thứ 5 liên tiếp Khánh Hòa tăng vị thứ về chỉ số CCHC.

 


7 chỉ số thành phần vượt trung bình chung


Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, Khánh Hòa có 7 chỉ số thành phần vượt giá trị trung bình chung, gồm (theo thứ tự xếp hạng tiêu chí thành phần từ cao xuống): hiện đại hóa hành chính; cải cách tài chính công; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; công tác chỉ đạo điều hành; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh.


Trong đó, chỉ số hiện đại hóa hành chính của Khánh Hòa đạt cao nhất với 83,59%, xếp thứ 2 toàn quốc. Nội dung áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 đạt điểm tối đa. Các nội dung: ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, tác động của cải cách đến hiện đại hóa hành chính… đều đạt cao. Được biết, toàn tỉnh có 35 website, 165 trang thông tin điện tử công khai TTHC về tiếp nhận hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4; 165 trang thông tin một cửa điện tử; 181 trang thông tin quản lý văn bản và điều hành với hàng chục nghìn tài khoản người dùng. Trung tâm dữ liệu tỉnh và mạng diện rộng (WAN) được đầu tư hoàn chỉnh, tăng cường năng lực hàng năm để đảm bảo vận hành thông suốt 6 ứng dụng dùng chung của tỉnh. Trong năm, hệ thống tin nhắn đã gửi gần 151.000 tin; nhận và phản hồi gần 1.300 tin nhắn tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ.


Chỉ số cải cách tài chính công của tỉnh cũng xếp thứ 7 toàn quốc. Các địa phương, trong đó có Khánh Hòa đã tích cực rà soát, ban hành danh mục sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước và quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công ở một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Hai nội dung liên quan đến thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sử dụng kinh phí quản lý hành chính và tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh đã đạt điểm tối đa.


Ở chỉ số cải cách TTHC, tỉnh xếp thứ 12. Nhiều nội dung đạt điểm tối đa như: kiểm soát quy định TTHC; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với TTHC. Trong năm, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công bố danh mục 249 TTHC thuộc thẩm quyền của các sở được cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định, trong đó, có những thủ tục được cắt giảm  1/3 - 1/2 thời gian giải quyết.


Cần tiếp tục khắc phục


Tuy đạt kết quả khá cao trong triển khai nhiệm vụ CCHC, nhưng ở tiêu chí Tác động của CCHC đến sự hài lòng của người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Khánh Hòa chỉ đứng thứ 62/63. Tiêu chí này được đánh giá trên 2 nội dung: chỉ số SIPAS và tác động của CCHC đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chỉ số SIPAS của tỉnh chỉ đạt 69,42%, thấp hơn giá trị trung vị 79,76%.


Theo ông Nguyễn Trọng Thái - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, chỉ số SIPAS giúp địa phương đánh giá thực trạng cung ứng dịch vụ hành chính công, so sánh giữa các yếu tố của cùng một dịch vụ và giữa các cơ quan, các cấp, lĩnh vực, địa phương trong cùng một dịch vụ…, từ đó tìm ra những tồn tại trong CCHC, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ và có giải pháp khắc phục. Bởi thực tế, mọi nỗ lực cải cách là nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phát triển kinh tế.


Để tiếp tục duy trì, cải thiện chỉ số CCHC và chỉ số SIPAS của tỉnh những năm tới, Sở Nội vụ kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Quyết định số 14/2015 của UBND tỉnh về bổ túc hoặc từ chối giải quyết hồ sơ, xin lỗi và hẹn lại thời gian trả kết quả nếu trễ hạn. Đối với các lĩnh vực dịch vụ nhận được sự hài lòng thấp của người dân, tổ chức, cần cải cách mạnh mẽ, kiên quyết. Cụ thể, việc hướng dẫn, giải thích của công chức phải đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu. Khi có sai sót, trễ hẹn, phải chủ động giải trình và xin lỗi người dân theo quy định. Tinh thần, thái độ phục vụ, giao tiếp với người dân, tổ chức doanh nghiệp phải chuyên nghiệp, lịch sự, văn minh… Sở cũng kiến nghị tiếp tục hoàn thiện quy trình giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đổi mới, cải tiến cách thức giao dịch hồ sơ, nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính. Đặc biệt, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, giải quyết TTHC.


NGUYỄN VŨ