Hiện nay, tại một số hồ chứa nước có tình trạng đất của các hộ dân đang chồng lấn với phạm vi bảo vệ công trình hồ chứa nước. Hàng chục hộ dân đang sử dụng hàng chục héc-ta đất sản xuất trong phạm vi bảo vệ các công trình thủy lợi, trong đó nhiều trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài. Thực trạng này đang gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý và người dân có đất ven các hồ, đập.
Hiện nay, tại một số hồ chứa nước có tình trạng đất của các hộ dân đang chồng lấn với phạm vi bảo vệ công trình hồ chứa nước. Hàng chục hộ dân đang sử dụng hàng chục héc-ta đất sản xuất trong phạm vi bảo vệ các công trình thủy lợi, trong đó nhiều trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâu dài. Thực trạng này đang gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý và người dân có đất ven các hồ, đập.
Những vi phạm do “lịch sử để lại”
Giữa lòng hồ Suối Trầu (xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa), có một ngôi làng tách biệt với bên ngoài. Ở đây, hàng chục ngôi nhà, chủ yếu là nhà cấp 4 cũ kỹ nằm rải rác khắp lòng hồ, còn người dân trồng trọt kiểu nước xuống tới đâu, gieo hạt tới đó. Người dân cho hay, làng này đã tồn tại ngót 50 năm, từ trước khi có hồ. Len theo những con đường nhỏ hẹp, đầy ổ voi ổ gà loanh quanh giữa lòng hồ, chúng tôi gặp ông Nguyễn Thụy Lê đang bán vịt cho thương lái. Ông Lê cho biết, mảnh đất của gia đình được khai hoang từ những năm 1970. Cha mẹ cho ông từ năm 1983 và sinh sống ổn định cho đến nay. Năm 1999, huyện Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa) đã cấp GCNQSDĐ cho ông với diện tích 12.896m2, trong đó có 200m2 đất thổ cư, còn lại là đất trồng cây hàng năm.
Cách nhà ông Lê không xa là nhà ông Nguyễn Thân. Năm 1980, ông mua đất của một hộ dân khai hoang tại đây và dựng nhà, lập nghiệp. Hiện nay, diện tích đất của gia đình ông chưa được Nhà nước cấp GCNQSDĐ. “Trước đây, khi mua đất, họ chỉ ranh giới rồi định giá, chứ không đo đạc. Hiện tại, đất rộng khoảng hơn 1ha nhưng gia đình chưa đo bao giờ”, ông Thân chia sẻ.
Ở xung quanh hồ Đồng Bò (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) có 17 hộ dân đã sinh sống hơn 30 năm qua. Đa phần các hộ dân đều đến khai phá, canh tác từ khi chưa hình thành hồ. Trong số 17 trường hợp vi phạm hành lang an toàn hồ, đã có 15 hộ được Nhà nước cấp GCNQSDĐ. Ông Nghiêm Xuân Lãng (thôn Phước Điền, xã Phước Đồng) cho biết: “Tôi trồng cây ở đây từ năm 1979, đến năm 1984 Nhà nước làm hồ Đồng Bò, gia đình còn hiến nửa quả đồi. Phần đất còn lại bên ngoài phạm vi hồ, gia đình vẫn làm ăn bình thường và đã được cấp sổ đỏ. Đến năm 2017, mốc giới an toàn hồ được cắm, phần đất của gia đình sử dụng lâu nay bỗng nhiên nằm trong hành lang an toàn hồ đập. Từ đó đến nay, dù đây là đất trồng cây lâu năm nhưng gia đình đành để hoang chứ không sử dụng bởi nếu mình làm sẽ bị ngành chức năng lập biên bản vi phạm an toàn hồ thủy lợi”.
Khó cho đơn vị quản lý
Trước đây, khi xây dựng hồ, đập, vấn đề tạo hành lang an toàn chưa được các cơ quan quản lý quan tâm. Các hộ dân có đất xung quanh công trình thủy lợi đa phần đều hình thành trước khi có hồ. Từ đó đến trước khi có mốc giới an toàn, họ vẫn canh tác ổn định trên thửa đất của mình. Chính điều này khiến cho công tác quản lý gặp không ít khó khăn. Ông Dương Tiến Vũ - Trưởng Văn phòng Nha Trang, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa (gọi tắt là Công ty Thủy lợi Khánh Hòa) cho biết: “Trong 17 hộ có đất nằm trong phạm vi an toàn hồ Đồng Bò, có đến 15 hộ đã có GCNQSDĐ. Khi người dân trồng cây lâu năm hoặc xây dựng, lực lượng quản lý hồ yêu cầu dừng nhưng nhiều người không chịu chấp hành. Họ nói đã được Nhà nước cấp sổ đỏ thì họ có quyền canh tác. Gặp trường hợp như vậy, chúng tôi rất khó xử bởi thực tế họ đã được cấp GCNQSDĐ”.
Ông Nguyễn Minh Sơn - Trưởng ban Quản lý hồ Suối Trầu khẳng định, các hộ dân sinh sống ngay trong lòng hồ Suối Trầu là chưa phù hợp so với các quy định hiện nay. Thực hiện chỉ đạo của Công ty Thủy lợi Khánh Hòa, ban quản lý hồ đã tiến hành rà soát, xác minh trong lòng hồ hiện nay có 17 hộ dân sinh sống, khu vực cạnh hạ lưu đập phụ có 7 hộ sinh sống. Các hộ này đa số đến đây sinh cơ lập nghiệp từ những năm 1970-1980. Trong đó, có 2 hộ đã được cấp GCNQSDĐ. Vì phần lớn các hộ dân đến ở trước khi hồ chứa nước được xây dựng nên lực lượng quản lý, bảo vệ hồ chỉ có thể nhắc nhở đối với các trường hợp vi phạm có khả năng ảnh hưởng đến an toàn công trình, chẳng hạn như trồng cây lâu năm, xây dựng công trình kiên cố… Đơn vị cũng chỉ nhắc nhở chứ không đủ thẩm quyền để có thể áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn.
Ông Nguyễn Thái Hùng - Giám đốc Công ty Thủy lợi Khánh Hòa cho biết, phần lớn diện tích đất của người dân chồng lấn với phạm vi bảo vệ công trình của các hồ chứa nước như: Đồng Bò, Láng Nhớt, Suối Trầu, Suối Sim… các hộ dân đã xây dựng nhà ở, vật kiến trúc hoặc trồng cây lâu năm... Công ty đã nhiều lần phối hợp với chính quyền các địa phương vận động người dân chấm dứt vi phạm. Song vì khi xây dựng các hồ chứa, Nhà nước chưa hỗ trợ đền bù giải tỏa diện tích đất trong phạm vi bảo vệ công trình dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý các trường hợp vi phạm.
Cần sớm giải quyết các bất cập
Nhằm bảo vệ các hồ chứa nước: Đồng Bò, Láng Nhớt, Suối Trầu, Suối Sim cũng như các công trình thủy lợi khác trên địa bàn tỉnh, Công ty Thủy lợi Khánh Hòa đã đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương kịp thời xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình; vận động người dân hoặc cưỡng chế khôi phục nguyên trạng. Đối với chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, các địa phương cần sớm cập nhật vào bản đồ địa chính để tránh xảy ra tình trạng cấp GCNQSDĐ cho diện tích đất thuộc phạm vi bảo vệ các công trình...
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước đây, một số hộ dân thực hiện việc hiến đất để xây dựng công trình hồ chứa nước nhưng việc bàn giao, quản lý mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình hồ chứa nước chưa hoàn thiện theo quy định dẫn đến việc cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân bị chồng lấn với phạm vi bảo vệ hồ thủy lợi… Do đó, để giải quyết thực trạng này, sở đã yêu cầu Công ty Thủy lợi Khánh Hòa phải thực hiện một số giải pháp trước mắt nhằm đảm bảo an toàn cho các hồ, đập. Đồng thời, sở đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Công ty Thủy lợi Khánh Hòa làm rõ các trường hợp người dân hiến đất để xây hồ chứa nước có diện tích đất chồng lấn với phạm bảo vệ công trình. Trong đó, xác định cụ thể diện tích các hộ dân hiến đất để xây dựng công trình; đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc các hộ dân sử dụng đất tại khu vực chồng lấn với phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi đến an toàn các hạng mục công trình hồ chứa nước. Công ty sớm xác định rõ trách nhiệm của các địa phương, đơn vị trong việc bàn giao, tiếp nhận, quản lý mốc chỉ giới và việc cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo đúng các quy định hiện hành; rà soát lại số lượng, vị trí mốc giới tại thực địa của các hồ chứa nước đã cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình so với phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Mùa mưa đã đến, chỉ cần sơ suất trong khâu bảo vệ hồ, đập có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn. Làm sao vừa đảm bảo quyền lợi cho hộ dân có đất vừa đảm bảo giữ an toàn hồ, đập là vấn đề các cơ quan chức năng cần phải giải quyết.
Công ty Thủy lợi Khánh Hòa đang quản lý, khai thác 18 hồ thủy lợi. Hiện nay, chỉ tính riêng 4 hồ chứa nước: Đồng Bò, Láng Nhớt, Suối Sim và Suối Trầu đã có tổng cộng 89 cá nhân và 1 tổ chức (UBND xã Diên Tân) có đất chồng lấn với phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Trong đó có đến 56 hộ gia đình đã được cấp GCNQSDĐ trên phần đất bị chồng lấn. |
Công Định - Đình Lâm