Được ví như người "bắc cầu", cộng tác viên công tác xã hội cấp xã đã giúp kết nối nhiều người yếu thế với các kênh hỗ trợ và tiếp cận, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội…
Được ví như người “bắc cầu”, cộng tác viên (CTV) công tác xã hội (CTXH) cấp xã đã giúp kết nối nhiều người yếu thế với các kênh hỗ trợ và tiếp cận, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội…
Cho và nhận
Cuối giờ chiều, nhờ người đón con giùm, chị Nguyễn Thị Hòa - CTV CTXH xã Vĩnh Hiệp (TP. Nha Trang) vội lên xe, tới nhà bà Nguyễn Thị Thành (thôn Vĩnh Điềm Trung) để chụp hình người cháu, hoàn tất hồ sơ xin hỗ trợ. Đây là lần thứ ba chị tới năn nỉ nhưng cháu bà Thành chưa chịu. Căn nhà, đúng hơn là tầng hầm dưới dãy nhà, sâu hun hút, chật hẹp, ẩm mốc là nơi ở của bà Thành cùng con trai và 2 cháu ngoại. Cuộc sống cả nhà trông hết vào số rau củ bà bỏ mối cho các chợ. “Nhà như vầy nên ban đầu tôi không muốn ai biết. Nhưng cô Hòa nhiều lần tới thuyết phục, tôi mới làm hồ sơ, được hỗ trợ. Cảm ơn cô nhiều lắm!”, bà Thành nói giản dị. Còn chị Hòa nhớ lại: “Ngày giáp Tết, bà Thành tìm tới nhà, để bịch me rim, dưa leo, ớt xiêm trước cửa, gọi ra là chạy ngay, em rất khó xử. Bà đã quá khó khăn, nhận sao đành!”. Rồi chị cười tươi rói, bày tỏ hạnh phúc khi nhận lời cảm ơn của bà Nguyễn Thị Hồng Cúc (thôn Vĩnh Châu). Bà Cúc có chồng bị khuyết tật, 3 con đang đi học. Nhờ chị kết nối hỗ trợ, đến nay, con lớn của bà đã đi dạy ở trường tiểu học, 2 con nhỏ đều học khá giỏi. Với 100 - 200 trường hợp giúp kết nối thành công, chị Hòa không nhớ nổi đã bao lần được cảm ơn, nhưng mỗi lời cảm ơn vẫn khiến chị xúc động, bởi biết mình đã giúp thêm được một trường hợp yếu thế. Đó cũng là động lực để chị chạy hàng chục lượt xe/ngày ở mỗi thôn với hàng chục bịch quà chất trước, sau xe trong đợt giãn cách xã hội đầu năm, để hỗ trợ từng nhà khó khăn.
Gặp lại anh Đỗ Hữu Nhơn - CTV CTXH phường Ninh Hiệp (thị xã Ninh Hòa) sau gần 2 năm được kết nối nhận bảo hiểm y tế và gói hỗ trợ dinh dưỡng, bà Lương Thị Chúng (tổ dân phố 1) mắng yêu: “Thằng quỷ này, lâu lắm không qua!”. Bà Chúng từng bị bệnh lao nặng, con trai bà bị tâm thần nhẹ, thi thoảng mới đi phụ hồ đỡ đần mẹ. Tự ti về hoàn cảnh nên hồi đầu mới gặp anh Nhơn, bà lắc đầu từ chối. Nhưng anh Nhơn không nản, kiên trì giải thích, hướng dẫn. Đến khi bà được nhận hỗ trợ, thấy anh buồn vì bà không đủ điều kiện được hỗ trợ sinh kế, bà lại... an ủi anh: “Thế là mừng lắm rồi!”.
Yêu nghề
Ngày con gái lớp 6 của bà Trần Thị Phê (thôn Cư Thạnh) đi nhận xe đạp hỗ trợ của Bảo hiểm Bảo Việt, chị Mai Thị Yến Nhi - CTV CTXH xã Suối Hiệp (huyện Diên Khánh) tới nhà chờ từ sớm. Em vừa về, chị Nhi tíu tít ra đón, nhắc thay đồ, nghỉ ngơi, rồi hỏi han em đạp xe nhẹ không, yên xe cao không... 3 năm trước, chồng bà Phê qua đời vì bạo bệnh, để lại 2 con gái đang tuổi học. Không nghề nghiệp, lại khá vụng, bà Phê chỉ biết phụ rửa chén, bắt cua, bắt ốc mùa mưa, thu nhập vài trăm ngàn đồng/tháng. Căn nhà của bà Phê là nhà vách nứa duy nhất ở xã. Thông qua Hội Phụ nữ xã, chị Nhi đã kết nối được với Câu lạc bộ OneLife Việt Nam hỗ trợ bà 50 triệu đồng xây nhà tình thương; tới đây, bà lại nhận 5 triệu đồng nuôi heo. Cô gái 25 tuổi tâm sự: “Hồi nhỏ, nhà em có 1 người thân bị suy giảm sức khỏe nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ, rồi qua đời. Vì vậy, em quyết tâm học đại học ngành CTXH để có thể giúp người yếu thế”.
Không như Nhi, chị Hòa học cao đẳng sư phạm nhưng gắn bó với nghề từ khi tỉnh triển khai dự án phát triển nghề CTXH (năm 2013). Ban đầu tham gia, chị cũng nghĩ làm tạm, nhưng rồi “người này, người khác nhờ, giúp xong lại thấy vui, lại làm tiếp”, chị Hòa nói.
Anh Nhơn cũng vậy, học cao đẳng sư phạm, rẽ sang nghề CTXH ban đầu chỉ do chưa tìm được việc làm. “Hồi mới làm, em cũng e dè với bệnh nhân lao. Dần dà, em mới thấy họ rất tội nên muốn giúp họ tiếp cận hỗ trợ để không tự ti, không là gánh nặng xã hội”, Nhơn chia sẻ. Mong muốn đó đã giúp Nhơn 4 lần tới nhà thuyết phục bà Nguyễn Thị Hoa (tổ dân phố 12) chuyển tuyến điều trị bệnh lao kháng thuốc, bất kể bị bà từ chối thẳng: “Chữa chi, già chết thôi!”. Khi bà bỏ về sau 1 ngày nhập viện, anh lại tới tìm hiểu, động viên, đề xuất phường hỗ trợ chở bà nhập viện lại và vét tài khoản hỗ trợ bà 500.000 đồng. Đến nay, bà Hoa đã được về nhà điều trị giai đoạn 2. Hơn 2 năm qua, anh Nhơn đã giúp hỗ trợ sinh kế cho 1 đối tượng; nhận 12 thẻ bảo hiểm y tế, 18 gói hỗ trợ dinh dưỡng; tiếp cận hồ sơ vào điều trị 1 trường hợp khuyết tật trí tuệ... Kết quả đó, nếu không yêu nghề, thật khó làm chu toàn.
Cần... được kết nối
Được ví như người “bắc cầu”, các CTV CTXH cấp xã đã giúp kết nối nhiều người yếu thế với các kênh hỗ trợ và tiếp cận, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội. Nhưng bản thân họ lại chưa kết nối được cho... chính mình!
Hiện nay, với phụ cấp bằng mức lương cơ bản do ngân sách chi trả, thu nhập của CTV CTXH cấp xã có thể xếp vào diện... “hộ nghèo”!. Chị Hòa cho biết: “Với thu nhập 1,49 triệu đồng, tiết kiệm lắm tôi mới đủ đóng học phí cho con và trả tiền xăng xe, điện thoại. Từ khi được kiêm nhiệm Phó Bí thư đoàn xã, thu nhập của tôi mới tăng gấp đôi và được hưởng bảo hiểm xã hội dành cho cán bộ không chuyên trách, không có chế độ thai sản”. Sau ly hôn, để thêm thu nhập cho 2 mẹ con, chị Hòa còn đi dạy gia sư 6 buổi/tuần. “Có lúc con gái dỗi, đòi mẹ nghỉ làm, cho đi chơi, tôi dỗ mãi mới chịu...”, chị Hòa bùi ngùi. Tương tự, anh Nhơn cũng đang kiêm nhiệm Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự xã; chị Nhi kiêm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã...
Thu nhập thấp, nhưng công việc của họ không hề ít. Toàn tỉnh hiện có hơn 44.270 đối tượng bảo trợ xã hội, nhưng chỉ khoảng 200 người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội; ngoài ra còn khoảng hơn 20.200 người khuyết tật, 112.000 người cao tuổi, 3.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, 10.100 hộ nghèo, 20.800 hộ cận nghèo. Số đối tượng trong cộng đồng cần thu thập, tiếp nhận thông tin, yêu cầu trợ giúp để đề xuất, kết nối quá lớn so với con số 136 CTV CTXH cấp xã. Chị Hòa trăn trở: “Mình khó khăn, nhưng nhiều người còn khó khăn hơn, làm lơ sao đành! Có người bệnh nặng năn nỉ tôi chỉ giúp, nhưng họ không thuộc trường hợp khuyết tật để hỗ trợ chế độ...”. Nhơn thổ lộ: “Bạn bè em nói, nghĩ sao mà làm công việc đó miết, rồi cưới xin, sinh nhật, tiền đâu xài! Chỉ có phụ cấp, khó khăn thật, nhưng em vẫn chọn nghề CTXH vì cứ xong hồ sơ lại thấy vui lắm. Em đang xin đi học đại học ngành CTXH, chi tiêu hàng ngày đành nhờ ba mẹ”.
Ông Trần Hiệp - Giám đốc Trung tâm CTXH - Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh thừa nhận, đa số CTV CTXH cấp xã đều kiêm nhiệm. Việt Nam đã chính thức công nhận nghề CTXH, nhưng người làm CTXH cấp xã chưa được bố trí là cán bộ chuyên trách để hưởng lương. Do kiêm nhiệm nên họ chưa phát huy được hết vai trò. Một số nơi còn bố trí kiêm nhiệm chưa phù hợp, thường xuyên thay đổi người nên kết quả khá khiêm tốn, dù hàng năm đều có bồi dưỡng nghiệp vụ. “Người làm nghề CTXH chính là cầu nối, trực tiếp giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh. Do vậy, rất cần cấp trên xem xét bỏ CTV, bố trí mỗi xã 1 người làm CTXH chuyên trách để họ chuyên tâm hơn”, ông Trần Hiệp đề xuất.
Vẫn biết các CTV CTXH cấp xã chủ yếu lấy niềm vui người khác làm động lực cống hiến, nhưng để nghề CTXH ngày càng chuyên nghiệp, rất cần sự quan tâm hơn về chính sách và sự thấu cảm của cộng đồng.
NGUYỄN VŨ - VĂN GIANG
Thực hiện Quyết định số 32 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020”, năm 2013, UBND tỉnh đã bố trí mỗi xã, phường, thị trấn có 1 CTV CTXH với phụ cấp hiện tại gần 1,5 triệu đồng/tháng. Hàng năm, các CTV CTXH cấp xã đã giúp hỗ trợ về sinh kế cho hơn 50 trường hợp; về học bổng cho hơn 160 trẻ em/9 tháng học; gửi 10 trẻ mầm non có hoàn cảnh đặc biệt; trợ giúp 20 bà mẹ đơn thân; kết nối hỗ trợ hơn 300 bệnh nhân lao; vận động hỗ trợ xây nhà tình thương cho hàng trăm trường hợp; trợ giúp tích cực cho trẻ em bị đuối nước, tai nạn, bạo hành, xâm hại…