Lượng khách đến Nha Trang tham quan, nghỉ dưỡng ngày càng tăng. Từ đây, mỗi ngày, hàng ngàn phương tiện xe khách cỡ lớn ùn ùn kéo vào thành phố, trong khi các bãi đậu xe chưa được triển khai, phương tiện đậu tràn lan lòng đường, vỉa hè, các khu đô thị... Bài toán bãi đậu xe khách du lịch ở Nha Trang đang cần lời giải đáp.
Lượng khách đến Nha Trang tham quan, nghỉ dưỡng ngày càng tăng. Từ đây, mỗi ngày, hàng ngàn phương tiện xe khách cỡ lớn ùn ùn kéo vào thành phố, trong khi các bãi đậu xe chưa được triển khai, phương tiện đậu tràn lan lòng đường, vỉa hè, các khu đô thị... Bài toán bãi đậu xe khách du lịch ở Nha Trang đang cần lời giải đáp.
Tiện đâu đậu đó
Đường Cù Huân (phường Vĩnh Thọ, TP. Nha Trang) chỉ dài khoảng 1km, thế nhưng hơn 1 năm trở lại đây, mỗi ngày có gần trăm xe khách loại lớn đậu kín hai bên đường. Những chiếc ô tô 45 chỗ đậu hàng dài chở khách đi tham quan Khu di tích Tháp Bà đã trở thành “đặc sản” hàng ngày ở tuyến đường này. Bãi đỗ xe của khu di tích ngay đầu đường chỉ đủ chỗ cho khoảng 10 xe, không đáp ứng được lượng khách tham quan lên đến 2.000 người mỗi ngày tại đây.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài những tuyến đường đông nghẹt xe khách du lịch cỡ lớn đậu xung quanh khu vực tham quan trong thành phố như: chùa Long Sơn, Viện Hải dương học, nhà thờ Chánh Tòa, danh thắng Hòn Chồng, chợ Đầm… thì rất nhiều tuyến đường ở Nha Trang như: Hòn Chồng, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Diệu, Trường Sơn, Tô Hiệu, Lê Thanh Nghị, Cù Chính Lan, Nguyễn Thị Định, Võ Thị Sáu, Cao Thắng, Nguyễn Đức Cảnh, Lý Nam Đế… cũng chịu cảnh xe 45 chỗ đậu kín 2 bên đường, cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.
Tại các khu đô thị như: Phước Long, Phước Hải, Lê Hồng Phong 2, Vĩnh Điềm Trung…, xe du lịch cũng đậu kín. Tại đây, các xe khách không chỉ đậu dưới lòng đường mà còn leo cả lên vỉa hè. Bà Nguyễn Thị Hương (Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung) phản ánh, khoảng mấy tháng nay, đường 19-5 hàng ngày có rất nhiều xe du lịch cỡ lớn đậu hai bên đường. Các xe này thường chở khách nước ngoài đi những điểm tham quan trong thành phố, sau đó lại về khu đô thị để đậu, nhiều xe đậu qua đêm. Thậm chí một số gia đình bán hàng quán ăn cũng bị các xe khách chiếm luôn không gian trước mặt, nhưng khi phàn nàn với tài xế thì xe này vừa đi, xe khác lại tới.
Một tài xế phân trần: “Nha Trang là đô thị nhỏ, đường sá quá hẹp, trong khi lượng khách du lịch đông lại không có các bãi đỗ xe, vì vậy, tiện đâu anh em đậu đó. Thú thực, chỗ nào bây giờ cũng có biển cấm, cánh tài xế chúng tôi chẳng biết đậu ở đâu, chỗ nào thanh tra, cảnh sát giao thông thường hay lui tới thì anh em né, khu nào không cấm đậu thì tranh nhau xí phần”.
Ông Ngô Khắc Thinh - Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang thừa nhận, hiện nay, hạ tầng giao thông Nha Trang quá tải và quá thiếu bãi đậu xe. Điều này khiến cho công tác quản lý, điều hành, bảo đảm an toàn giao thông gặp rất nhiều khó khăn. Tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố trong 6 tháng tăng cao bất thường.
Thiếu cơ chế đầu tư bãi đậu xe
Theo báo cáo của Sở Du lịch, ước tính 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đón gần 3,4 triệu lượt du khách, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2018. Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách du lịch, mỗi ngày, TP. Nha Trang phải tiếp nhận khoảng 1.800 xe từ 30 chỗ trở lên và khoảng 2.000 xe dưới 30 chỗ. Trong khi đó, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, riêng TP. Nha Trang đang có hơn 21.500 phương tiện là xe ô tô. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, xe ô tô đăng ký mới hơn 2.500 xe, tăng hơn 20% so với cùng kỳ và tổng lượng xe đến TP. Nha Trang trong 6 tháng lên đến gần 60.000 ô tô.
Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, với lượng phương tiện tăng chóng mặt và xe ngoại tỉnh vào thành phố cao kỷ lục như vậy thì việc quá tải hạ tầng giao thông là không thể tránh khỏi. Trong khi đó, trên địa bàn thành phố chưa có các bãi đậu xe xứng tầm được xây dựng, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xe khách đậu tràn lan ra lòng đường, vỉa hè, đậu cả vào các khu đô thị, khu dân cư.
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2017, tỉnh đã nhận thấy vấn đề này và thống nhất 12 vị trí quy hoạch bãi đỗ xe trên địa bàn TP. Nha Trang. Cụ thể, các bãi xe quy hoạch gồm: trên trục đường Nguyễn Tất Thành thuộc quy hoạch chi tiết 1/500 Khu liên hiệp Thể dục thể thao tỉnh (2,63ha); khu vực Kho cảng Bình Tân (9.600m2) trên địa bàn phường Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường; 170 Lê Hồng Phong (3.570m2); bãi đỗ phía bắc Hòn Ông, Phước Đồng (3ha); bãi đỗ xe khu vực giáp chùa Long Sơn (gần 1.500m2); bãi đỗ xe nằm trục đường Võ Nguyên Giáp (4,1ha); khu vực Đài phát xạ Đồng Đế (hơn 2,5ha); bãi nằm trục đường quy hoạch đường Vành đai 3 (tại xã Vĩnh Phương, diện tích hơn 5,2ha)…
Sau khi xem xét, cân nhắc, năm 2018, UBND tỉnh đồng ý tổ chức đấu thầu 4 bãi đỗ xe gồm: Kho cảng Bình Tân, 170 Lê Hồng Phong, bắc Hòn Ông và bãi nằm trục đường Nguyễn Tất Thành. Tuy nhiên sau đó, UBND tỉnh lại có quyết định hủy không đấu thầu các bãi xe này. Đồng thời, yêu cầu tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại 2 vị trí: Kho cảng Bình Tân và 170 Lê Hồng Phong. Hiện nay, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu trình phương án đấu giá. Đối với các khu vực thuộc xã Phước Đồng và khu vực trục đường Nguyễn Tất Thành (chưa giải phóng mặt bằng), UBND tỉnh giao UBND TP. Nha Trang chủ trì rà soát hiện trạng, nguồn gốc đất báo cáo UBND tỉnh, đồng thời gửi các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, GTVT, Xây dựng. Trên cơ sở rà soát của UBND TP. Nha Trang, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các ngành nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hay đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án.
Liên quan đến việc kêu gọi nhà đầu tư làm bãi đậu xe, ông Dần thông tin: “Việc kêu gọi nhà đầu tư làm bãi đậu xe đang gặp rất nhiều khó khăn. Bởi theo quy định, các bãi đậu xe tĩnh lại không nằm trong danh mục ngành nghề được ưu đãi đầu tư. Mặt khác, các bãi đậu xe tại TP. Nha Trang cũng không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn. Vì vậy, để kêu gọi đầu tư phải có cơ chế, chính sách cho nhà đầu tư hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. Hiện nay, tỉnh vẫn chưa xây dựng được cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực này”.
Đề xuất 3 vị trí làm bãi tạm
Tuy chưa có một bãi đậu xe nào chính thức được xây dựng, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian qua, các xe khách thường được đậu tại các bãi tạm: trục đường Nguyễn Thị Minh Khai, đường Hoàng Diệu, đặc biệt là bãi tạm trong khu sân bay Nha Trang. Tuy nhiên vừa qua, Bộ Quốc phòng không đồng ý cho tỉnh làm bãi đậu xe tạm trong khu vực sân bay Nha Trang, các bãi tạm trước đây trong khu vực này cũng bị dẹp bỏ. Điều này càng khiến Nha Trang trở nên bí bách các bãi đậu xe. Những xe khách 45 chỗ phải tìm đủ nơi để đậu, làm giao thông ngày một hỗn loạn.
Với thực trạng đó, Sở GTVT đề xuất 3 vị trí làm bãi đậu xe tạm, giải quyết trước mắt để các phương tiện xe du lịch cỡ lớn có thể đậu. Ông Nguyễn Văn Dần cho biết, trục đường Võ Nguyên Giáp địa bàn xã Vĩnh Trung có khu đất rộng khoảng 10,8ha được quy hoạch là khu công viên và dịch vụ ga đường sắt. Hiện tại, khu vực này là đất trống của người dân. Nếu UBND tỉnh đồng ý, sở đề xuất tỉnh giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh tổ chức giải phóng mặt bằng làm bãi đậu xe tạm. Đến khi dự án ga đường sắt triển khai sẽ bàn giao đất sạch cho dự án và xóa bỏ bãi đậu xe tạm này. Đây là khu đất rộng, phương án này sẽ rất khả thi nếu được triển khai.
Đồng thời, tỉnh đang có chủ trương đấu giá quyền sử dụng đất để làm bãi đậu xe tại 2 khu vực kho cảng Bình Tân và khu đất số 170 Lê Hồng Phong. Đối với khu đất 170 Lê Hồng Phong, hiện nay do Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý. Khu kho cảng Bình Tân (khoảng 6,3ha), UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi từ năm 2018, hiện nay còn lại vật kiến trúc trên đất tại đây. Trong thời gian chờ đấu giá đất tại 2 khu vực này, Sở GTVT đề xuất UBND tỉnh yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất đền bù giải tỏa tại khu Kho cảng Bình Tân, sau đó làm bãi đậu xe tạm tại 2 địa điểm này.
Ngoài ra, Sở GTVT kiến nghị UBND tỉnh đề nghị Công ty xăng dầu Phú Khánh nhanh chóng di dời cây xăng số 4 (sát chùa Long Sơn) để sớm có mặt bằng triển khai bãi đậu xe tại khu vực này.
THÀNH NAM