Những ngày đầu năm Kỷ Hợi, khi người người, nhà nhà vẫn còn vui xuân, đón Tết thì nhiều doanh nghiệp, nhà máy đã vào ca sản xuất. Trên biển, nhiều ngư dân khai thác xuyên Tết cũng vừa trở về với những con tàu cá nặng đầy khoang. Tất cả đều hy vọng một năm mới sẽ gặt hái nhiều thành công.
Những ngày đầu năm Kỷ Hợi, khi người người, nhà nhà vẫn còn vui xuân, đón Tết thì nhiều doanh nghiệp, nhà máy đã vào ca sản xuất. Trên biển, nhiều ngư dân khai thác xuyên Tết cũng vừa trở về với những con tàu cá nặng đầy khoang. Tất cả đều hy vọng một năm mới sẽ gặt hái nhiều thành công.
Rộn ràng ra quân
6 giờ sáng mùng 2 Tết (ngày 6-2), khi vầng đông vừa rạng ở phía các đảo yến, hơn 300 bảo vệ, kỹ thuật viên, nhân viên đội tàu của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa (Công ty Yến sào Khánh Hòa) đã háo hức ra quân đầu năm. Hướng ánh mắt về phía những đảo yến xa xa, ông Nguyễn Sỹ Ninh - Phó Chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ Công ty Yến sào Khánh Hòa chia sẻ: “Những ngày xuân, ai cũng mong muốn ở bên người thân, gia đình nhưng vì nhiệm vụ, lực lượng bảo vệ đảo đều sẵn sàng ra đảo để bảo vệ an toàn cho các đảo yến”.
Ông Lê Hữu Hoàng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Yến sào Khánh Hòa đánh giá, năm 2018, lực lượng bảo vệ đảo đã nỗ lực rất lớn, góp phần không nhỏ vào việc phát triển quần thể đàn chim yến cũng như nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm yến sào đảo thiên nhiên của công ty. Trong năm mới, lãnh đạo công ty mong muốn, toàn thể lực lượng bảo vệ đảo tiếp tục phát huy truyền thống, chung sức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ đảo, bảo vệ an toàn cho đàn chim yến; ngăn chặn các đối tượng xâm hại chim yến; giữ gìn môi trường sinh thái; thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm góp phần tăng sản lượng, chất lượng yến đảo thiên nhiên.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa cho hay: “Sáng mùng 4 Tết (ngày 8-2), đồng loạt công nhân của tất cả các nhà máy thuộc công ty đã vào ca sản xuất nhằm kịp thời cung ứng đủ sản phẩm cho thị trường. Trong năm 2019, công ty tiếp tục chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân viên; qua đó động viên mọi người nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Trong không khí rộn rã đầu xuân, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ niềm hy vọng về sự phát triển, bứt phá của đơn vị trong năm 2019. Ông Lý Anh Tài - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang cho biết, năm 2018, trong điều kiện liên tục gặp thiên tai, nhưng công ty vẫn cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Hiện nay, toàn bộ sản phẩm của công ty đều xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Năm 2019, công ty tiếp tục giữ vững tốc độ phát triển thị trường, phấn đấu doanh thu đạt 1.000 tỷ đồng, trong đó có 14 triệu USD xuất khẩu.
Trong khi đó, theo ông Võ Ngọc Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Cam Ranh: “Năm nay, công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu 44 tỷ đồng, đóng mới 4 con tàu có tải trọng lớn. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư đóng các loại tàu nhỏ và công tác bảo dưỡng. Đặc biệt, công ty đang đàm phán với đối tác đến từ Na Uy về các đơn hàng mới. Bên cạnh đó, công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm thị trường, tận dụng năng lực hiện có, xúc tiến ký kết nhiều hợp đồng đóng tàu cá, tàu du lịch có giá trị, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Công ty TNHH Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin (HVS) cũng bước vào năm 2019 với khí thế mới. Năm qua, công ty luôn đảm bảo việc làm ổn định cho hơn 4.500 lao động với thu nhập bình quân 9,2 triệu đồng/người/tháng. Trong năm, công ty cắt thép được 14 tàu, đã bàn giao 11 tàu, doanh thu đạt khoảng 415 triệu USD. Năm 2019, HVS phấn đấu bàn giao 18 tàu, doanh thu 461 triệu USD.
Lộc biển đầu năm
Sáng mùng 4 Tết, khi tàu cá KH 98593TS vừa cập cảng Hòn Rớ, chủ tàu Nguyễn Thanh Hải (Hòn Rớ, TP. Nha Trang) đã vui mừng báo tin cho người thân về một chuyến biển đầu năm đầy ắp lộc biển. Khi nghe tin giá cá ngừ sọc dưa tại cảng Hòn Rớ tăng hơn so với các chuyến biển trước, các thuyền viên ai nấy đều phấn khởi. Ông Hải chia sẻ: “Chuyến biển xuyên Tết của tàu tôi thắng lớn với hơn 18 tấn cá, với giá trung bình 33.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg so với trước Tết), chuyến này tàu chúng tôi thu được khoảng 600 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 300 triệu đồng”.
Vừa cập cảng, tàu KH 965552TS cũng mang theo hơn 15 tấn cá ngừ sọc dưa. Tài công Võ Linh (Hòn Rớ) chia sẻ: “Với ngư dân, chuyến biển đầu năm bao giờ cũng mang theo nhiều hy vọng về một năm thuận buồm xuôi gió. Tôi tin, chuyến tàu cập cảng đầu năm sản lượng cao thì cả năm sẽ làm ăn thuận lợi”. Theo tính toán của ông Linh, với hơn 15 tấn cá khai thác được, các thuyền viên trên tàu sẽ được chia khoảng 15 triệu đồng/người, cao gần gấp đôi so với các chuyến trước đây”.
Cũng trong sáng mùng 4 Tết, tàu cá KH 97247TS của gia đình ông Trần Quốc Bảo (Hòn Rớ) cập cảng với gần 20 tấn cá ngừ sọc dưa khai thác được từ ngư trường DK1. “Hiện nay, ngư trường Trường Sa - DK1 đang rộ cá ngừ sọc dưa nên các tàu lưới cản đường dài của Khánh Hòa tập trung về đây khai thác. Để kịp khai thác luồng cá, chúng tôi sẽ tranh thủ vài ngày vui xuân, đi chúc Tết người thân, bạn bè, rồi lại sắm sửa nhu yếu phẩm để tiếp tục vươn khơi, bám biển”, ông Bảo nói.
Không khí trên bến, dưới thuyền tại cảng Hòn Rớ trở nên sôi động hơn khi các tàu cá xa bờ đang tấp nập chuẩn bị vươn khơi. Người nhanh tay đưa đá lạnh vào khoang, người bơm dầu, người mang theo nhu yếu phẩm và cả bánh chưng, bánh tét, kẹo mứt… Tất cả đều hy vọng năm nay sẽ là năm làm ăn có hiệu quả của cộng đồng ngư dân Khánh Hòa.
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng ban Quản lý cảng Hòn Rớ cho biết, từ rạng sáng mùng 4 Tết đến nay, trung bình mỗi ngày có hơn 10 tàu lưới cản đường dài chuyên khai thác cá ngừ sọc dưa cập cảng Hòn Rớ. Tàu nào về cũng đạt sản lượng cao, từ 15 - 20 tấn/tàu. Hiện nay, giá cá ngừ sọc dưa nậu vựa thu mua tại cảng cũng cao hơn so với các chuyến biển trước nên hầu hết các tàu đều có lãi khá, thu nhập của bạn thuyền cũng cao. Để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, cảng Hòn Rớ đã bố trí các ca trực 24/24 giờ vào thời gian cao điểm tàu cập cảng, xuất bến. Ở cầu cảng, các dịch vụ hậu cần nghề cá như: nước ngọt, đá cây, xăng dầu… được ban quản lý cảng bố trí hợp lý để ngư dân tiếp cận thuận lợi.
Với đội tàu hơn 10.000 chiếc, trong đó có hơn 1.300 tàu khai thác xa bờ, tập trung khai thác chủ yếu ở các ngư trường Trường Sa, DK1, năm 2019, ngành Thủy sản tỉnh phấn đấu sản lượng khai thác thủy sản đạt 100.000 tấn, tăng 2,16% so với năm 2018. “Để nâng cao chất lượng sản phẩm hải sản, Chi cục Thủy sản tỉnh sẽ tạo điều kiện tối đa cho ngư dân tiếp cận các chính sách bảo quản sản phẩm sau khai thác; mở rộng các chuỗi liên kết khai thác hải sản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả chuyến biển. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận với các chính sách hỗ trợ để đóng tàu công suất lớn, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình… để chuyển dần sang nghề cá xa bờ, hiện đại; thực hiện tốt các biện pháp để ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định…”, ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh chia sẻ.
ĐÌNH LÂM - HẢI LĂNG