11:01, 15/01/2019

Phập phồng cúc Tết

Khoảng 10 ngày nữa, hoa cúc từ các làng hoa nổi tiếng ở Ninh Hòa, Cam Lâm sẽ theo xe thương lái đổ ra khắp các nẻo đường, góc phố trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, thương lái lại tỏ ra lo âu khi không chắc chắn cúc sẽ bung hoa đúng dịp.

Khoảng 10 ngày nữa, hoa cúc từ các làng hoa nổi tiếng ở Ninh Hòa, Cam Lâm sẽ theo xe thương lái đổ ra khắp các nẻo đường, góc phố trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, thương lái lại tỏ ra lo âu khi không chắc chắn cúc sẽ bung hoa đúng dịp.


Hoa cúc hư nhiều


Những ngày cuối năm, về các vùng trồng hoa cúc nổi tiếng trong tỉnh như: Ninh Giang, Ninh Bình (thị xã Ninh Hòa) hay Cam Đức, Cam Thành Bắc (huyện Cam Lâm), đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh tất bật của nông dân trên đồng hoa. Người lặt bỏ lá vàng, tỉa bớt nụ, người cột cắt cây chống…

 

Nông dân Cam Lâm chăm sóc hoa cúc.

Nông dân Cam Lâm chăm sóc hoa cúc.


Vừa cột lại cây chống cho cây, ông Phan Như Ý - tổ dân phố Phong Phú 2 (phường Ninh Giang) chia sẻ: “Tôi trồng hoa cúc đã gần 20 năm nhưng chưa có năm nào gặp khó như năm nay. Thậm chí, vụ hoa cúc Tết năm ngoái tuy ảnh hưởng của bão số 12 nhưng thiệt hại lại không bằng mưa lụt năm nay. Mưa kéo dài liên tục đã khiến cho 1.000 chậu cúc đại đóa, pha lê của gia đình tôi thối rễ, chết đến 400 chậu; 600 chậu còn lại quá èo uột nên phải vô phân, vô thuốc liên tục nhưng cây cũng rất thấp. Tính ra chi phí cho mỗi chậu cúc loại trung năm trước chỉ khoảng 180.000 đồng thì năm nay lên đến 250.000 đồng, đó là chưa tính chi phí nhân công”. 


Rảo bước qua những vườn cúc gần đó, chúng tôi được ông Phan Văn Kính, tổ dân phố Phong Phú 1 bày tỏ: “Năm nay, cúc không đẹp bằng năm trước. Những chậu cúc đại năm trước phải cao đến 1,4 - 1,5m nhưng năm nay đã cận Tết rồi mà cây chỉ cao chừng 1,2 - 1,3m. Nụ hoa năm nay cũng nhỏ hơn mọi năm do thiếu nắng, dù chúng tôi đã kéo điện, thắp sáng suốt đêm nhưng cũng không cải thiện được nhiều. Năm nay, do cúc chết đến 40 - 50%, chi phí lại tăng khoảng 30 - 35% nên gia đình nào làm tốt thì cũng chỉ hòa vốn hoặc có lời chút đỉnh”. Để minh chứng cho điều mình nói, ông Kính dẫn chúng tôi đi xem những chậu cúc vàng lá, thân thấp lè tè, tuy đã vô nhiều phân, thuốc nhưng vẫn không thể cứu được nên gia đình ông đành bỏ.


Đến vùng cúc thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm), chúng tôi được ông Ngô Hiền (thôn Bãi Giếng Trung) dẫn đi thăm vườn cúc với 3.000 chậu cúc lớn nhỏ đang được gia đình ông dồn sức chăm sóc để chuẩn bị bán dịp Tết. “Đến nay, gần 400 chậu cúc của gia đình tôi rơi vào cảnh chết rễ, rụng nụ, lá... vì mưa nhiều, không cứu vãn được đành phải bỏ. Những chậu còn lại, gia đình tôi phải tăng cường thêm nhân công thuê nhặt lá, vô phân để kịp ra hoa”, ông Hiền chia sẻ.


Trong khi đó, tại vùng trồng hoa cúc Cam Thành Bắc, khi tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân cũng tỏ ra lo lắng, chỉ mong những ngày cuối năm thời tiết ổn định để yên tâm chăm sóc hoa bán Tết. Ông Trần Văn Hạnh - người trồng cúc xã Cam Thành Bắc cho biết: “Họ hàng nhà tôi có 6 gia đình trồng hoa cúc thì ai cũng bị tình trạng chết cây nhiều hoặc cây không ra hoa được vì mưa, ngập úng lâu ngày. Riêng gia đình tôi phải bỏ hết hơn 200 chậu vì mưa liên tục cuối năm 2018”.


Giá tăng cao


Lơi tay trò chuyện cùng khách, những người trồng hoa cúc bày tỏ, năm nay tuy thời tiết bất lợi, số lượng hư hao nhiều nhưng bù lại giá hoa năm nay cao nên nông dân vẫn chưa lâm vào cảnh thua lỗ. Ông Phan Như Ý cho hay: “Hiện nay, những vườn cúc đẹp đã được thương lái mua hết tại vườn; giá tăng khoảng 40 - 50% so với trước. Cụ thể, với cúc chậu đại, giá bán tại vườn là 1,5 triệu đồng/chậu, năm trước chỉ 1 - 1,1 triệu đồng/chậu; cúc chậu trung 450.000 đồng/chậu, năm trước chỉ 350.000 đồng/chậu; cúc chậu nhỏ gần 200.000 đồng/chậu, năm trước chỉ khoảng 120.000 đồng/chậu. Với giá bán này, sau khi trừ chi phí đầu tư, trừ số hoa bị hư gia đình tôi vẫn lãi được vài chục triệu đồng để tiêu Tết”. 

 

Người dân vùng cúc Ninh Giang đang tất bật những công đoạn cuối cùng để hoàn tất vụ cúc Tết.

Người dân vùng cúc Ninh Giang đang tất bật những công đoạn cuối cùng để hoàn tất vụ cúc Tết.


Tương tự, tại Cam Lâm, đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 80% số hoa cúc được thương lái đặt mua. Giá hoa cũng tương đương với giá hoa tại thị xã Ninh Hòa. Nhờ giá cao nên hầu hết các hộ đều từ hòa vốn đến có lãi ít. Ông Ngô Hiền chia sẻ: “Mới rồi, thương lái gọi điện cho biết ngày 19-12 âm lịch sẽ cho xe đến tận vườn để đưa toàn bộ hoa cúc đã mua của gia đình tôi đi TP. Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đồng Nai... để bán. Với giá bán cao như năm nay, nếu không thiệt hại do mưa kéo dài thì chắc chắn nông dân trồng hoa cúc sẽ thu được lợi nhuận rất cao”.


Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hải - một thương lái ở thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh) chuyên thu mua hoa cúc đưa đi bán ở TP. Hồ Chí Minh lý giải: “Sở dĩ năm nay hoa cúc được thương lái thu mua với giá cao là do nguồn cung giảm, giá hoa tăng. Năm nay, không riêng gì các làng hoa cúc ở Khánh Hòa mà những địa phương trồng hoa cúc khác ở miền Tây, khu vực Nam Trung bộ cũng bị thiệt hại do thời tiết nên nguồn cung trở nên khan hiếm. Ngoài việc tìm mua hoa ở trong tỉnh tôi còn ra tận Phú Yên, Bình Định để lùng mua hoa đẹp bán Tết. Năm nay, do giá thu mua từ vườn cao nên chắc chắn hoa cúc đến tay người mua sẽ cao hơn mọi năm”.


Nỗi lo nở muộn


Điều khiến những thương lái như ông Hải lo lắng hiện nay không phải là chuyện giá hoa mà là cúc có nở rộ vào dịp Tết hay không, bởi nếu cúc không ra hoa đúng dịp thì mọi nỗ lực, vốn liếng của ông đều đổ sông đổ bể. “Cách nay chừng 1 tháng, tôi liên tục lui tới các vườn hoa để kiểm tra sự phát triển của nụ hoa để cùng với nhà vườn tìm cách kích cho hoa ra đúng dịp. Năm nay, hoa có thể sẽ nhỏ hơn đôi chút nhưng nhiều hy vọng sẽ ra đúng dịp Tết. Đến thời điểm này, chúng tôi không thể tiếp tục kích thích thêm bằng phân, thuốc, cũng không thể tiếp tục thắp điện để kích hoa bởi cây sẽ “chai”, thậm chí có thể không bung hoa, khi đó thương lái sẽ ôm trọn thua lỗ”, ông Hải nói. Hỏi thêm các thương lái thu mua cúc về độ chắc chắn cúc sẽ bung hoa đúng dịp, không ai dám khẳng định chắc 100% như năm ngoái mà họ chỉ đặt hy vọng 70 - 80% hoa sẽ nở đúng dịp.


Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Chí Liêm - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm cho hay: “Năm nay do mưa nhiều, thiếu nắng nên tại nhiều vùng trồng cúc trên địa bàn huyện, tình trạng ra hoa chậm khá phổ biến, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người trồng cúc và thương lái thu mua hoa cúc. Dự kiến từ 20 tháng Chạp, toàn bộ 70.000 chậu cúc lớn nhỏ tại thị trấn Cam Đức (30.000 chậu), xã Cam Hải Tây (5.000 chậu), xã Cam Thành Bắc (25.000 chậu), xã Cam Hòa (4.500 chậu), Cam Hiệp Nam (5.000 chậu), Cam Phước Tây (500 chậu) sẽ được đưa ra thị trường phục vụ nhu cầu Tết của người dân trong và ngoài tỉnh”.


Tương tự, ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết: “Trên địa bàn thị xã có 250.000 chậu cúc lớn nhỏ, tập trung chủ yếu tại Ninh Giang, Ninh Bình, Ninh Phụng, Ninh Đông, Ninh Hà… Đến thời điểm này, đã có khoảng 70% lượng hoa, chủ yếu là hoa đẹp đã được thương lái thu mua hết tại vườn chờ ngày đưa ra thị trường. Tuy nhiên, nhiều thương lái bày tỏ sự lo lắng khi có người đã đổ tiền tỷ để mua hoa nhưng không biết hoa có nở đúng dịp hay không. Hy vọng mọi chuyện cuối năm sẽ tốt đẹp với cả người trồng lẫn người mua”.


Tết đã cận kề, ở các vùng trồng hoa cúc trong tỉnh, nông dân vẫn đang tất bật với những công đoạn cuối cùng để tạo cho được những chậu hoa cúc rực rỡ sắc xuân đưa đến tay người chơi Tết. Hy vọng, năm nay hoa cúc Khánh Hòa sẽ kịp khoe sắc trên khắp các nẻo đường.

BÍCH LA - VĨNH THÀNH