10:10, 30/10/2018

Nguy cơ mất một ngôi làng

Tuy lãnh đạo xã Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) nhiều lần khẳng định tình trạng khai thác đất, cát tại khu vực suối Lách (thôn Quảng Phúc) đã giảm nhiều, nhưng khi chúng tôi tiếp cận khu vực này thì phát hiện hàng chục máy móc vẫn miệt mài đào đất, múc cát. Nhiều người lo lắng, trong tương lai một ngôi làng của đồng bào dân tộc Raglai sẽ không còn đất sống.

 

Tuy lãnh đạo xã Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) nhiều lần khẳng định tình trạng khai thác đất, cát tại khu vực suối Lách (thôn Quảng Phúc) đã giảm nhiều, nhưng khi chúng tôi tiếp cận khu vực này thì phát hiện hàng chục máy móc vẫn miệt mài đào đất, múc cát. Nhiều người lo lắng, trong tương lai một ngôi làng của đồng bào dân tộc Raglai sẽ không còn đất sống.


Khai thác ồ ạt


Từ đường Nguyễn Công Trứ (xã Cam Thành Nam) men theo con đường dẫn qua cánh đồng, chúng tôi vào khu vực sinh sống của 30 hộ đồng bào dân tộc Raglai nằm cheo leo bên suối Lách (xin được tạm gọi là làng). Quá trình di chuyển, chúng tôi phải liên tục nép xe sát bên đường để né xe tải chở cát chạy qua, bụi tung mù mịt.

 

zzKhai thác đất, cát tại khu vực suối Lách như một đại công trường.

Khai thác đất, cát tại khu vực suối Lách như một đại công trường.


Ghé nhà ông Bo Linh, chúng tôi bất ngờ khi thấy toàn bộ khu vực đất đồi ở chân núi Hòn Rồng phía sau nhà đã bị phá tan tành. Gần 10 máy múc đang thi nhau múc cát lên khu vực tập kết. Các xe tải cỡ lớn lần lượt vào vận chuyển ra quốc lộ cung cấp cho các dự án. Cạnh đó, một máy nổ công suất lớn đang hút cát từ suối Lách lên bãi để cho ráo nước. Con suối cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ ngày nào cũng đục ngầu, hoang tàn...  


Ông Linh cho biết, tình trạng khai thác này diễn ra gần 10 năm nay nhưng cơ quan chức năng không xử lý triệt để. Khi người dân bức xúc lên tiếng thì những đối tượng này còn lớn tiếng nạt nộ. Chính quyền lên kiểm tra thì họ tắt máy không làm việc, khi vừa đi khỏi thì họ nổ máy làm tiếp. Người dân lo nhất là xe tải chở đất chạy bạt mạng, rất nguy hiểm cho trẻ con vui chơi gần đó.

 

Xe múc lén lút múc đất ở khu vực có cây lớn.

Xe múc lén lút múc đất ở khu vực có cây lớn.


Trao đổi với phóng viên, ông Lê Xuân Nam - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Cam Ranh cho biết, khi còn làm Bí thư Đảng ủy xã Cam Thành Nam, ông đã nhiều lần trực tiếp đến hiện trường khai thác đất, cát ở khu vực này để bắt quả tang, gọi công an và chính quyền xã đến lập biên bản xử lý. Tháng 4-2018, khi thi công làm lại con đường Cù Lao dẫn từ đường Nguyễn Công Trứ vào làng, các đối tượng khai thác đất, cát không có đường đi nên đã thuê ruộng của người dân, tự đắp một con đường rộng khoảng 5m để đi né sang đường kế bên, rồi chạy ra đường Nguyễn Công Trứ. Đất mà họ khai thác chủ yếu là đất trồng cây lâu năm và một phần đất dự phòng phát triển rừng. Họ đã thỏa thuận với các chủ đất để mua lại rồi đào đất, cát đi bán. Một số doanh nghiệp đang thực hiện khai thác ở đây như: Thuần Vinh, Thành Được, Phúc Tú, Quang Chi...


Nguy cơ mất làng


Cách đây khoảng 3 năm, tình trạng khai thác cát không ồ ạt như bây giờ. Hiện nay, nhiều khu vực trước kia là đất canh tác nay đã bị múc đất bán để lại những hố sâu khổng lồ; nhiều đoạn trước kia là đất của người dân nay đã sạt lở xuống suối. Như nhà ông Bo Linh, mỗi khi vào mùa mưa, nhà lại bị sạt lở một đoạn. Chỉ vào chuồng dê sát gốc cây, ông Linh cho biết, trước kia chuồng dê nằm tít ngoài kia. Đất sạt lở rồi cứ lui dần lui dần đến gốc cây. Cứ đà này thì mấy năm nữa chắc nhà cũng không còn mà ở.

 

Trẻ con trong làng tắm ở một hố do đào đất để lại, cạnh đó xe tải chạy, máy múc hoạt động.

Trẻ con trong làng tắm ở một hố do đào đất để lại, cạnh đó xe tải chạy, máy múc hoạt động.


Ngồi bên hiên nhà, ông Bo Thân thở dài ngao ngán: “Ở đây không có ai có ruộng hết. Thanh niên thì đi làm thuê cho các dự án ở khu vực bán đảo Cam Ranh, nhưng khi thì mưa gió, khi thì ốm đau nên chỉ đủ ăn qua ngày. Trước kia, cả làng uống nước ở suối Lách, nhưng hiện nay suối đã bị phá nát, nước đục ngầu. Người có điều kiện thì mua nước lọc về uống, người nghèo quá thì đợi đêm múc nước suối về lắng rồi nấu lên uống. Biết là sẽ bệnh tật vì ô nhiễm, nhưng nghèo khổ quá nên phải chịu”. Khi chúng tôi hỏi về hệ thống nước sạch cấp về từng hộ, ông Bo Linh lắc đầu: “Cấp nước về chứ có nước đâu mà xài. Lâu lâu mở ra thấy chảy nước đục ngầu, cũng gần như nước suối”. Sợ chúng tôi không tin, ông Linh đi khắp xóm vặn vòi nước để chứng minh.


Ông Cao Điệp Phới - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP. Cam Ranh, Trưởng ban Dân tộc HĐND TP. Cam Ranh cho biết, ông đã nhiều lần đến khảo sát tại khu vực này và cảm nhận được sự nguy hiểm nếu tình trạng khai thác đất, cát cứ tiếp tục diễn ra. Không chỉ ảnh hưởng nặng về môi trường sống, khu vực này còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, trôi nhà cửa của đồng bào dân tộc thiểu số. “Đặc thù ở đây là các hộ sống dọc theo triền đất dọc suối Lách, trong khi ở phía dưới các đối tượng ngày đêm khai thác khoáng sản gây sạt lở, hàm ếch. Nếu có một trận mưa lớn thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi đã kiến nghị UBND TP. Cam Ranh về lâu dài phải bố trí nơi ở mới cho người dân, nhưng thành phố chưa có quỹ đất”, ông Phới cho hay.


Đâu là giải pháp?


Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đức Thánh - Chủ tịch UBND xã Cam Thành Nam khẳng định: “Dạo này, thành phố làm căng lắm, họ không dám khai thác nữa đâu”. Khi chúng tôi cho biết, cách đây vài ngày vẫn thấy họ khai thác như một đại công trường. Lúc này, ông Thánh lại phân trần: “Tôi cho anh em đi tuần liên tục, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật nhưng họ làm lén lút nên rất khó xử lý. Cuối tháng trước, tôi có bắt quả tang một vụ, nhưng tháng này thì chưa phát hiện. Tôi có cả người dân cài cắm trên đó, họ khai thác là dân điện báo tôi ngay…”.


Quá bức xúc với tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở đây kéo dài nhiều năm nay, trong cuộc họp HĐND TP. Cam Ranh mới đây, ông Lê Xuân Nam đã chất vấn lãnh đạo UBND TP. Cam Ranh. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố đã đề nghị lãnh đạo UBND xã Cam Thành Nam trả lời. “Xã xác nhận là có tình trạng đó nhưng cũng không đưa ra được giải pháp gì để chấm dứt, hay ít nhất là hạn chế tình trạng này”, ông Nam cho hay.


Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thành Trung - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, trong cuộc họp giao ban ngày 25-10, lãnh đạo UBND xã Cam Thành Nam đã nhận khuyết điểm và cam kết sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý mạnh hơn nữa nạn khai thác khoáng sản trái phép ở khu vực suối Lách. UBND thành phố sẽ lập phương án chi tiết để phân công lực lượng chốt chặn tại khu vực này trong một tháng; nếu không giảm sẽ có những giải pháp bổ sung để chấm dứt tình trạng này”.



VĂN KỲ

 

 



Ông Lê Xuân Nam - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Cam Ranh: Người đứng đầu mà để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép thì xử lý nghiêm, thậm chí kỷ luật. Làm vài lần như vậy thì tôi nghĩ các đối tượng khai thác sẽ tự rút lui.



UBND TP. Cam Ranh vừa có văn bản chỉ đạo kiện toàn lại tổ kiểm tra liên ngành khoáng sản. Trong trường hợp xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép nhưng địa phương không chỉ đạo kiểm tra, xử lý mà tổ liên ngành phát hiện, xử lý thì Chủ tịch UBND các xã, phường phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố.