11:09, 04/09/2018

Sẵn sàng cho năm học mới

Năm học 2018 - 2019 được xem là năm học đón đầu đổi mới giáo dục phổ thông. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã sẵn sàng tâm thế đón đầu với việc tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất trường học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Năm học 2018 - 2019 được xem là năm học đón đầu đổi mới giáo dục phổ thông. Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã sẵn sàng tâm thế đón đầu với việc tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất trường học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên (GV), cán bộ quản lý GD.


Nao nức trường, lớp mới


Hiện nay, cơ sở mới của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn chưa kịp hoàn tất để học sinh (HS) khai giảng. Tuy vậy, theo thầy Nguyễn Thọ Minh Quang - Hiệu trưởng nhà trường, 776 HS của trường vẫn sẵn sàng tâm thế để không bỡ ngỡ khi chuyển đi, đồng thời ổn định việc học trong thời gian còn ở cơ sở hiện tại. Lễ khai giảng năm nay sẽ đặc biệt hơn bởi ban giám hiệu đã chuẩn bị tấm phướn mang thông điệp đặc biệt của năm học này.

 

1

Học sinh Trường THCS Thái Nguyên (TP. Nha Trang) đón năm học mới.


Ở huyện Khánh Vĩnh, Trường Tiểu học Cầu Bà cũng có cơ sở mới khang trang với tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng. Từ nay, HS 9 lớp tại điểm trường mới sẽ được học bán trú 2 buổi/ngày. Tại Trường THPT Lạc Long Quân, HS điểm trường 2 nằm ở xã Khánh Bình cũng đang háo hức hơn bao giờ hết, với các phòng học bố trí tại xã, các em sẽ bớt được quãng đường 15km đến điểm chính. Suốt mùa hè, cậu HS người dân tộc Raglai Cao Văn Lợi - lớp 10A8 Trường Lạc Long Quân mong mỏi từng ngày chờ khai giảng để được đi học: “Được đến trường em vui lắm, đây là năm học mới với trường mới, bạn mới. Dù có nhiều bỡ ngỡ, nhưng em sẽ cố gắng học tập”.

 

Khối phòng học mới của Trường THPT Nguyễn Trãi (Ninh Hòa) được đưa vào sử dụng từ năm học này.

Khối phòng học mới của Trường THPT Nguyễn Trãi (Ninh Hòa) được đưa vào sử dụng từ năm học này.


Tại các địa phương khác, cơ sở vật chất trường học cũng được quan tâm chu đáo. Năm nay, huyện Vạn Ninh có thêm 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, nâng tổng số trường trực thuộc phòng GD-ĐT huyện lên 58 trường. Thị xã Ninh Hòa là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi cơn bão số 12 năm 2017. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ tích cực của tỉnh, thị xã đã hoàn thành sửa chữa, xây dựng hơn 100 phòng học, trang thiết bị và nhiều công trình với tổng kinh phí hơn 26 tỷ đồng. Từ nguồn hỗ trợ 15 tỷ đồng của tỉnh và 4 tỷ đồng ngân sách địa phương, huyện Diên Khánh cũng đầu tư sửa chữa 53 trường học bị thiệt hại do cơn bão số 12; xây mới Trường THCS Diên Phú và cơ sở mới cho Trường Tiểu học Diên Thạnh, Trường Mầm non thị trấn Diên Khánh; bổ sung phòng học cho Trường Mầm non Diên Thạnh; sửa chữa, chống xuống cấp 6 trường…


Chuẩn hóa đội ngũ, ưu tiên huyện đảo


Thiếu GV cục bộ vốn không phải chuyện riêng của Khánh Hòa mà là tình hình chung cả nước. Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, hiện tại, tổng số biên chế ngành được giao 18.390 người, so với nhu cầu còn thiếu 645 người, trong đó thiếu nhất là GV mầm non và tiểu học. Áp lực nhất là số HS tăng từng năm, trong khi ngành vẫn phải thực hiện lộ trình tinh giản biên chế 10% theo quy định của Bộ Nội vụ.

 

Cô và trò Trường Mầm non Vành Khuyên.

Cô và trò Trường Mầm non Vành Khuyên.


Để giải quyết tạm thời, đối với các huyện: Cam Lâm, Diên Khánh, TP. Nha Trang và Cam Ranh không tuyển dụng GV, các phòng GD-ĐT bố trí GV theo phương án sắp xếp lại trường, lớp, nhất là các điểm phụ. Các địa phương: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Vạn Ninh, Ninh Hòa sẽ xây dựng kế hoạch tuyển dụng GV. Với các đơn vị trực thuộc, Sở GD-ĐT sẽ sắp xếp, điều chuyển GV, không tuyển dụng. Năm học 2019 - 2020, sở sẽ xây dựng kế hoạch tuyển dụng thay thế GV nghỉ hưu.


Với tinh thần đón đầu đổi mới GD phổ thông, ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý GD đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Năm học vừa qua, hơn 250 người đã được bồi dưỡng về lý luận chính trị, công tác quản lý; 200 người được bồi dưỡng về công tác kiểm định chất lượng GD; hơn 40 người được đào tạo thạc sĩ. Một số trường như: THPT Nguyễn Văn Trỗi, Tiểu học Khánh Hòa - Jeju, Tiểu học Phước Tiến... đẩy mạnh giao lưu, kết nghĩa với các trường ở Hàn Quốc, Pháp, Úc... Sở cũng rà soát, điều chỉnh, thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực; tuyển dụng, sắp xếp, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển đúng quy định, đúng vị trí việc làm; giải quyết tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ, không đủ chuẩn. Công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ quản lý GD được thực hiện đúng quy trình.


Cùng với bồi dưỡng, khuyến khích tự bồi dưỡng, sở cũng yêu cầu các đơn vị rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GD các cấp theo chuẩn/tiêu chuẩn, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng; chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học;  đổi mới phương pháp giảng dạy từ cung cấp kiến thức sang hỗ trợ phát triển năng lực và phẩm chất người học. Đặc biệt, các cơ sở GD sẽ tăng cường kiểm định chất lượng theo các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế và công khai kết quả kiểm định để xã hội, người học đánh giá. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chương trình, công tác quản trị nhà trường của các cơ sở GD mầm non, phổ thông; việc quản lý dạy thêm học thêm, thu chi ngoài ngân sách, tuyển sinh đầu cấp, thực hiện quy định về hồ sơ, sổ sách của các nhà trường và GV; thanh tra việc liên kết đào tạo, việc thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn, thực hiện quy chế dân chủ trong các cơ sở giáo dục; xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân sai phạm và công khai thông tin cho xã hội, nhân dân được biết.


Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên các cơ sở GD; GV người DTTS; GV ở miền núi, hải đảo; GV dạy lớp có HS khuyết tật; GV công tác ở huyện đảo Trường Sa rất được chú ý thực hiện. Hiện nay, sở đã tuyển dụng đủ GV ra huyện đảo Trường Sa; đồng thời phối hợp với Sở Nội vụ tập huấn chuyên môn nghiệp vụ GD mầm non, GD tiểu học cho các GV công tác tại huyện đảo. Đầu tháng 8, ngành đã bàn giao đầy đủ trang thiết bị dạy học, tài liệu chuyên môn, tài liệu tham khảo, sách giáo khoa, quần áo, đồ dùng học tập cho HS cho UBND huyện Trường Sa để chuyển đến các trường... với kinh phí gần 80 triệu đồng. Các trường học trên đảo đã sẵn sàng bắt đầu năm học mới cùng với các trường trên đất liền.


Theo ông Lê Tuấn Tứ, năm học này, ngành sẽ tập trung nâng cao chất lượng GD ở các cấp học và trình độ đào tạo, chú trọng GD ở huyện đảo Trường Sa; quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực HS.



TIỂU MAI - HẠ PHONG



 




Theo ước tính của Sở GD-ĐT, năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 278.805 HS từ nhà trẻ đến THPT. So với năm học 2017 - 2018, công tác tuyển sinh lớp 1 đạt 23.420 em, tăng gần 2.000 HS; lớp 6: 19.695 HS, tăng gần 100 HS; lớp 10: 12.511 HS trúng tuyển hệ công lập, đạt 81,2% so với số đăng ký và đạt 105,8% so với kế hoạch UBND tỉnh giao (không tính Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh), tăng hơn 1.000 HS.

 

__________________________________________________

 

Đến nay, toàn tỉnh đã có 546 trường mầm non, phổ thông và các trung tâm với hơn 8.100 phòng học, trong đó có hơn 500 phòng các loại được xây mới. Năm 2018, toàn tỉnh đã đầu tư gần 378 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất trường học. Nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT đã rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07 sửa đổi Nghị quyết số 05 về quy hoạch phát triển hệ thống GD-ĐT tỉnh giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Ngành cũng tham mưu UBND tỉnh cho phép xây dựng đề án thành lập trường mầm non Khu công nghiệp Suối Dầu; phấn đấu đến năm 2020 thành lập mới 43 trường học.