Những ngày này, ngư dân trong tỉnh được mùa cá nục, cá cơm, không khí tại các cảng cá sôi động hơn...
Những ngày này, ngư dân trong tỉnh được mùa cá nục, cá cơm, không khí tại các cảng cá sôi động hơn. Tuy nhiên, theo nhiều ngư dân, niềm vui này sẽ không kéo dài lâu, bởi từ nhiều tháng nay việc đánh bắt không hiệu quả, nhiều tàu nằm bờ.
Được mùa, vẫn lo...
9 giờ sáng, cảng cá Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh) lục tục những con thuyền kéo nhau vào bến, trên khoang đầy ắp cá nục, cá cơm. Bà Lê Thị Đợi - thương lái ở Đại Lãnh cho biết, những ngày qua, cá nục, cá cơm về ùn ùn, bình quân một ngày 40 - 50 tấn. Tuy nhiên, chỉ khoảng 1 tuần nữa cá nục cũng hết bởi thời tiết đã chuyển lạnh.
Mấy ngày nay, cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang) đón nhiều tàu về bến với những khoang thuyền khá nặng với cá nục, cá ồ, sọc dưa… Anh Nguyễn Đăng Khoa - thuyền trưởng tàu cá KH-90686-TS cho biết, tàu vừa cập cảng với sản lượng cá nục hơn 25 tấn. Đây là chuyến biển đầu tiên thắng lớn sau thời gian dài đánh bắt không hiệu quả. Tuy thu hoạch một lượng lớn sản phẩm đủ trang trải chi phí chuyến biển nhưng các tàu vẫn bị thương lái ép giá, bình quân giá cá nục chỉ 8.000 đồng/kg (so với 10.000 đồng/kg trước đây).
Tuy đang được mùa cá, nhưng điều đáng buồn là đi dọc các cảng cá trong tỉnh, tàu nằm bờ rất nhiều. Những chuyến biển thua lỗ triền miên, không đủ chi phí nhiên liệu, vật tư, bạn thuyền khiến chủ tàu phải neo tàu hay đánh bắt cầm chừng. Đã có người rao bán tàu vì không còn thiết tha với nghề biển… Anh Nguyễn Văn Thành (phường Vĩnh Thọ, Nha Trang), chủ một tàu cá loại lớn (520CV) thường xuyên đánh bắt ở Trường Sa cho biết: “Một chuyến biển cầm cự cả tháng mới dám đưa tàu vào bờ vì nếu đi nhiều sẽ lỗ tiền dầu. Nhưng bây giờ đánh khơi cũng khó mà lộng càng khó hơn. Nản quá, tôi phải neo tàu không đi nữa, ở nhà phụ vợ công việc nhà, dành dụm tiền bán mắm để đắp đổi. Thu nhập không như trước là do nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, ngư trường thu hẹp do ngư dân chấp hành lệnh chống khai thác bất hợp pháp của Liên minh Châu Âu (IUU), tàu đóng mới nhiều… Nhà nước hỗ trợ tiền dầu chậm, ngư dân không thể ra khơi. Mới đây, 2 tàu của gia đình tôi lĩnh tiền dầu gần 300 triệu đồng nhưng không đủ bù tiền dầu tạm ứng của các cây xăng trước đó 6 tháng”.
Ông Thân Văn Hợi - Phó ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ cho hay, cảng Hòn Rớ tập trung nhiều ngư dân các tỉnh, thành, đón nhiều loại tàu như: khai thác cá ngừ đại dương, lưới cản đường dài, lưới rút Bình Định và cả ghe lặn Quảng Ngãi, vậy mà nhiều tháng nay sản lượng qua cảng hàng ngày chỉ vài chục tấn, giảm nghiêm trọng so với những năm trước. Từ đầu năm đến nay, bình quân 600 - 700 tấn/tháng. Tổng sản lượng 8 tháng năm 2018 toàn cảng chỉ đạt 6.551 tấn, bằng 50% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản lại cho rằng, tình hình khai thác gặp khó là có thật nhưng việc thống kê số tàu nằm bờ không khả thi. Bởi ngư dân thường nghe ngóng tình hình, khi ngư trường không thuận lợi thì để tàu nằm bờ nhưng khi thuận lợi lại đưa tàu ra khơi. Theo Trạm Nuôi trồng thủy sản Vạn Ninh, số liệu tàu không đăng kiểm (trễ hạn từ 2 tháng đến hơn 2 năm) tại huyện Vạn Ninh hiện tại là 520 chiếc so với tổng số 1.027 chiếc công suất từ 20CV trở lên phản ảnh phần nào số liệu tàu nằm bờ, ngư dân bán tàu hay chuyển nghề khác.
Cần chính sách hỗ trợ
Theo ông Đỗ Văn Cuộc - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Lãnh, hiện nay việc trợ giúp ngư dân rất khó. Một số người bán tàu hay chuyển sang đánh bắt đối tượng khác, nhưng được một thời gian cũng gặp khó. Xã Đại Lãnh là vùng khó khăn theo quy định mới, Hội Nông dân xã đang làm hồ sơ hỗ trợ cho 5 đối tượng được vay theo quy định này để nuôi bò hay nuôi trồng thủy sản… Tổng kinh phí 250 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Tính - Chủ tịch Hội Nông dân phường Vĩnh Thọ (Nha Trang) cho biết, toàn phường có 63 tàu cá công suất từ 150CV trở lên. Do khó khăn ngư dân đã bán tàu, hiện chỉ còn 32 tàu nhưng thường xuyên nằm bờ. Hội Nông dân kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ thuyền viên bị tai nạn trên biển (trước đây hỗ trợ 10 triệu đồng/người chết và 3 - 5 triệu đồng/người bị thương nhưng 3 năm nay chính sách này không còn).
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, sản lượng khai thác thủy sản 8 tháng là 58.125 tấn, giảm 6% so với cùng kỳ.
Ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, chuyện ngư dân gặp khó khăn, Chính phủ đang tìm cách hỗ trợ nhưng việc khắc phục không thể ngày một ngày hai. Hiện nay, Chính phủ đã phê chuẩn Đề án phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước. Một số tỉnh đã thí điểm, riêng Khánh Hòa đến năm 2020 mới thực hiện. Về đề nghị tăng hỗ trợ nhiên liệu lên 6 chuyến biển/năm (hiện nay là 4 chuyến), hay việc hỗ trợ dầu chậm, chi cục cho rằng, chính sách như vậy là ổn. Khánh Hòa có hơn 9.800 tàu cá, trong đó có 1.371 tàu đánh bắt xa bờ, nếu tăng hỗ trợ lên 6 chuyến, ngân sách cân đối cả nước sẽ rất lớn, nên Nhà nước chỉ cần hỗ trợ kịp thời. Liên quan đến hỗ trợ thuyền viên gặp nạn, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm thuyền viên ở mức cao nhất là 70 triệu đồng/trường hợp, ngư dân miễn đóng phí và bảo hiểm thân tàu, chỉ đóng phí 50% cho các tàu đánh bắt xa bờ (các trường hợp hỗ trợ người chết, người bị thương không phải là chính sách của Nhà nước mà từ nguồn kêu gọi xã hội hóa). Khánh Hòa cũng rất cân nhắc về phát triển số lượng tàu đóng mới. Theo kế hoạch, toàn tỉnh đóng mới 175 tàu đánh bắt xa bờ nhưng hiện nay chỉ đóng 30 tàu (Nghị định 67)…
Giải thích lý do tuy gặp khó nhưng tổng sản lượng thủy sản khai thác 8 tháng vẫn tăng, ông Én cho rằng, nhìn chung tình hình khai thác không thuận lợi nhưng cũng tùy vào từng nghề, từng đối tượng. Nghề câu đại dương không thuận nhưng nghề lưới cản, lưới vây ngư dân vẫn làm được. Tỷ trọng khai thác xa bờ đóng vai trò chủ đạo nên dù các hình thức khai thác gần bờ hoặc nghề câu giảm mạnh, số tuyệt đối vẫn tăng nhẹ (68.309 tấn, tăng 3,74% so cùng kỳ).