10:09, 21/09/2018

Bài toán lấp đầy các khu đô thị

Trên địa bàn TP. Nha Trang hiện có hàng chục khu đô thị đang triển khai nhưng tốc độ lấp đầy quá chậm. Có ý kiến cho rằng do một số khu đô thị có hạ tầng chưa hoàn thiện nên người dân chưa đến ở...

Trên địa bàn TP. Nha Trang hiện có hàng chục khu đô thị (KĐT) đang triển khai nhưng tốc độ lấp đầy quá chậm. Có ý kiến cho rằng do một số KĐT có hạ tầng chưa hoàn thiện nên người dân chưa đến ở; trong khi một số chuyên gia đánh giá nguồn cung đất nền đã vượt quá xa nhu cầu ở thực tế là nguyên nhân khiến tỷ lệ lấp đầy ở các KĐT chưa cao.


Nhà cửa thưa thớt


Đến KĐT An Bình Tân, chúng tôi bất ngờ khi những lô đất ở đây được rao bán từ năm 2014 nhưng đến nay chỉ có đường T12 và T5 là có đông dân cư ở, các đường khác chỉ lác đác vài nhà mới xây hoặc bỏ hoang cho cỏ mọc. Ông Nguyễn Đình Hương - một người dân cho biết, khoảng 2 năm trước khi ông mới chuyển đến đây ở chỉ lác đác vài nhà. Buổi tối không dám đi bộ ra ngoài vì quá hoang vu, heo hút. Nhà lỡ có chuyện gì thì gọi hàng xóm cũng chẳng nghe thấy. Theo ông Huỳnh Hòa - Trưởng ban quản lý dự án KĐT An Bình Tân, KĐT này rộng 71ha với khoảng 1.800 lô đất nhưng đến nay mới chỉ có hơn 100 hộ đến ở. Mỗi tháng công ty ép cọc khoảng 5 - 10 lô đất để người dân xây nhà.

 

Dọc đường số 4 chạy qua Khu đô thị Lê Hồng Phong 2 tuy đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nhưng rất ít nhà dân.

Dọc đường số 4 chạy qua Khu đô thị Lê Hồng Phong 2 tuy đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nhưng rất ít nhà dân.


Nằm sát bên là KĐT Hoàng Long rộng gần 30ha nhưng chỉ lác đác vài căn nhà mới xây. Tại đường D1A có một căn nhà duy nhất nằm trơ trọi giữa hàng chục lô đất đã phân ranh giới, cắm mốc. Tại đường số 6, đường 24 cũng có vài căn nhà mới xây nhưng chưa có người đến ở. Trong khi đó, KĐT Lê Hồng Phong I cũng đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng từ 3 năm nay nhưng tỷ lệ người dân đến xây nhà để ở rất ít. Dọc trục đường số 4 chạy qua KĐT này chỉ lác đác vài căn nhà đang xây, chủ yếu để đón đầu kinh doanh, còn lại chủ yếu các lô đất ép cọc nằm chờ. KĐT VCN Phước Hải và KĐT Lê Hồng Phong II được đánh giá là có tỷ lệ lấp đầy cao nhất nhưng đất trống vẫn còn khá nhiều.


Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Bất động sản Hà Quang (chủ đầu tư hai KĐT Lê Hồng Phong I và Lê Hồng Phong II), KĐT Lê Hồng Phong I rộng 38,2ha với gần 1.500 lô nhưng hiện nay mới có khoảng 150 hộ đến ở. KĐT Lê Hồng Phong II rộng 65ha với hơn 2.000 lô nhưng đến nay cũng chỉ có hơn 700 hộ đến sinh sống.

Hạ tầng chưa hoàn thiện


Theo quan sát của chúng tôi, ngoài các KĐT đã đi vào hoạt động lâu năm như: Vĩnh Điềm Trung, Phước Long thì dọc trục đường số 4 hiện nay chỉ có KĐT VCN Phước Hải là có Trường Mầm non Họa Mi và Trường Tiểu học Phước Hải 3. Các KĐT còn lại đều mới chỉ phân lô bán nền và đang trong quá trình hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Đáng chú ý, một số KĐT triển khai hoàn thiện hệ thống đường giao thông, điện, nước quá chậm.

 

Ngày 20-9, từ đường số 4, chúng tôi rẽ vào KĐT Hoàng Long và chứng kiến ngay từ lối vào là một bãi tập kết xà bần và rác thải khổng lồ. Nhiều chủ đất phải cắm biển cảnh báo với nội dung “đất đã có chủ, xin đừng đổ xà bần”. Cạnh đó là lối đi bằng đường tạm vòng vèo dẫn vào một con đường đã hoàn thiện phía bên trong. Khi chúng tôi định chạy thẳng đường số 6 qua KĐT An Bình Tân thì phải dừng lại bởi giao nhau giữa hai KĐT này là con đường đang thi công, không thể đi ngang qua. Một số người dân đã dùng những tấm ván cũ để bắc qua đoạn đào sâu nhưng vừa băng qua thì ván gãy, xe suýt té xuống hố. Ông Hoàng Tất Thắng (phường Phước Long) cho biết, ông mua lô đất trong KĐT Hoàng Long gần 2 năm trước nhưng vẫn chưa dám xây nhà ở vì hạ tầng còn quá nhếch nhác. Nhiều người như ông Thắng bỏ gần 2 tỷ đồng để sở hữu lô đất 100m2 trong KĐT này nhưng vẫn phải thuê nhà ở.


Muốn đi vào KĐT An Bình Tân, chúng tôi phải chạy vòng ra Đại lộ Nguyễn Tất Thành hoặc đi đường số 24 từ KĐT mới Phước Long. Tuy nhiên, hạ tầng trong KĐT này cũng không khá hơn KĐT Hoàng Long. Đường T12 có nhiều người ở nhất nhưng vỉa hè vẫn còn nham nhở. Các đường khác chủ đầu tư vẫn đang thi công láng nhựa. Theo ông Huỳnh Hòa, ngoài 6ha chưa thể giải phóng mặt bằng, dự án còn 10ha đã cưỡng chế xong nhưng không thể thi công do người dân liên tục cản trở. Tuy vậy, tại các khu vực có thể thi công thì dự án vẫn quá chậm tiến độ. Đơn vị đang cố gắng cuối tháng 9 sẽ trải nhựa xong các con đường nhưng với thời tiết mưa liên tục thì không thể hoàn thành.


Theo các chuyên gia bất động sản, bên cạnh nguyên nhân các chủ đầu tư chưa chú trọng hoàn thiện hạ tầng theo đúng thiết kế; việc triển khai đồng loạt hàng chục KĐT với hàng chục nghìn lô đất được mở bán đã vượt quá nhu cầu thực tế của người dân hiện nay. Ở một số thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, việc giải quyết vấn đề này sẽ đơn giản hơn khi tỷ lệ tăng dân số cơ học rất cao. Trong khi ở Nha Trang dân số chỉ khoảng 600.000 người, tỷ lệ tăng dân số cơ học rất ít.

 

Lối vào Khu đô thị Hoàng Long là bãi xà bần nhếch nhác.

Lối vào Khu đô thị Hoàng Long là bãi xà bần nhếch nhác.

 

Sẽ tăng cường quản lý


Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, nguyên nhân khiến nhiều KĐT có tỷ lệ lấp đầy quá chậm là do chủ đầu tư xây dựng các công trình trên đất chậm tiến độ; trong khi người mua nhà đất chưa có nhu cầu hoặc chưa có điều kiện kinh tế để xây dựng nhà ở. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư dự án chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội để chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền quản lý hoặc đấu nối vào hạ tầng chung của khu vực. Từ đó có thể thấy các KĐT thu hút được đông đúc dân cư vào ở phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất vẫn là vai trò của chủ đầu tư trong việc đưa KĐT của mình trở thành nơi đáng sống, là nơi người dân lựa chọn để gắn bó lâu dài.


Ông Lê Văn Dẽ - Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, không có đủ cơ sở để khẳng định nhu cầu nhà ở, đất ở trên địa bàn TP. Nha Trang không tương xứng với các dự án KĐT đã và đang triển khai. Bên cạnh đó, một dự án KĐT hoàn thành quá trình xây dựng, chuyển giao đưa công trình vào khai thác sử dụng cần thời gian nhiều năm và không chỉ để phục vụ nhu cầu nhà ở trước mắt mà còn về lâu dài của địa phương. Ngoài ra, hiện nay, nhiều người từ các tỉnh khác chọn Nha Trang làm nơi sinh sống cũng là một yếu tố làm tăng nhu cầu về nhà ở trên địa bàn. Mặt khác, việc có nhiều KĐT triển khai đồng nghĩa trong thời gian tới sẽ có nhiều sản phẩm nhà ở, đất ở đã đầu tư hoàn chỉnh về hạ tầng được đưa vào kinh doanh. Đây là một yếu tố giảm giá nhà ở, đất ở cũng như cải thiện điều kiện sống tốt hơn cho người dân.


“Nhằm tăng cường quản lý hoạt động đầu tư xây dựng KĐT, thời gian tới, sở sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở trong KĐT, đảm bảo các công trình hoàn thành đúng tiến độ. Bên cạnh đó, sẽ hướng dẫn, kiểm tra chủ đầu tư nghiệm thu, bàn giao, chuyển giao đưa vào sử dụng các công trình trong KĐT, đảm bảo chất lượng công trình theo đúng quy định pháp luật về xây dựng”, ông Dẽ nói.


VĂN KỲ