Những ngày này, người dân và chính quyền 2 địa phương Ninh Hòa, Vạn Ninh (Khánh Hòa) - nơi tâm cơn bão số 12 đi qua, đang nỗ lực xây, sửa nhà để đón Tết. Tất cả với quyết tâm không để người dân thiếu nơi ở, thiếu lương thực trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất.
Những ngày này, người dân và chính quyền 2 địa phương Ninh Hòa, Vạn Ninh (Khánh Hòa) - nơi tâm cơn bão số 12 đi qua, đang nỗ lực xây, sửa nhà để đón Tết. Tất cả với quyết tâm không để người dân thiếu nơi ở, thiếu lương thực trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất.
Niềm vui nhà mới
Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Vấn đề quan tâm hàng đầu của tỉnh là phải đảm bảo trong dịp Tết Nguyên đán, không có hộ nào phải chịu cảnh màn trời chiếu đất; thiếu đói. Để làm được việc này, các địa phương phải đôn đốc, bám sát tiến độ thi công, giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc của từng trường hợp cụ thể. Cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở phải chịu trách nhiệm trước tỉnh về việc hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà cho người dân trước Tết Nguyên đán; đảm bảo việc triển khai các chính sách hỗ trợ về nhà ở đến tận tay người dân, công khai, minh bạch, đúng đối tượng…
Trong tiết trời se se lạnh của những ngày cuối năm, trở về các vùng quê nơi tâm bão đi qua, chúng tôi cảm nhận được không khí Tết đang len lỏi từng ngóc ngách bên những ngôi nhà mái đỏ tươi. Đứng nhìn căn nhà cấp 4 rộng 40m2 mới vừa xây xong được 2 ngày, bà Nguyễn Thị Bước (thôn Tân Lập, xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa) mừng vui cho biết: “Hôm bão vào, căn nhà cũ đổ sập. Cứ tưởng năm nay, gia đình phải đón Tết ở nhà bạt, vậy mà hôm nay được vào ở trong căn nhà mới. Đêm về nhà mới, tôi không ngủ được vì quá vui mừng”. Bà Bước có hoàn cảnh khá éo le. Con gái bị chết vì tai nạn giao thông, bà đã 70 tuổi nhưng vẫn phải nuôi dưỡng mẹ già 91 tuổi và đứa cháu ngoại 12 tuổi. Gia đình bà được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà. Bà con lối xóm đã tình nguyện sang giúp bà xây nhà nhằm giảm bớt chi phí và tặng bà nhiều vật dụng trong nhà: quạt điện, chăn đệm…
Tết năm nay cũng là cái Tết ý nghĩa đối với gia đình ông Nguyễn Út (hộ nghèo thôn Hà Già, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) khi được về sống trong ngôi nhà rộng 40m2 được xây dựng từ nguồn ngân sách và Mặt trận hỗ trợ. Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới, ông Út cười rạng rỡ: “Trước đây, chúng tôi sống trong ngôi nhà xuống cấp, mấy chỗ ngói hỏng được che tạm bằng bạt, mưa hắt vào tận giường. Bão ập đến, cả nhà phải chạy sang hàng xóm trú nhờ. Được các cấp, ngành cùng các tấm lòng hảo tâm hỗ trợ, gia đình tôi đã có được ngôi nhà vững chắc. Tết này được ở nhà mới không gì vui bằng...”.
Cũng tại thôn Hà Già, bên cạnh những ngôi nhà đã hoàn thành, vẫn còn nhiều ngôi nhà đang được khẩn trương xây dựng. Ông Đặng Ngọc Tâm - một trong những hộ cận nghèo có nhà bị sập được hỗ trợ tâm sự: “Sau bão, mọi thứ với gia đình tôi như sụp đổ theo căn nhà bị sập hoàn toàn. Niềm hy vọng của cả gia đình được thắp lên khi được Nhà nước hỗ trợ để xây lại nhà. Niềm vui của chúng tôi lại được nhân lên khi căn nhà mới, đẹp hơn nhà cũ đang được tô trát để hoàn thiện. Gia đình tôi sẽ được đón Tết đầm ấm trong căn nhà mới”.
Còn đó những khó khăn
Với khối lượng công việc lớn, lại phải xây dựng nhà trong điều kiện thiếu hụt nhân công, giá vật liệu cao, nhiều căn nhà ở vùng sâu vùng xa, chỉ riêng việc vận chuyển nguyên vật liệu cũng tốn nhiều thời gian. Ông Nguyễn Ngọc - chủ thầu xây dựng tại xã Ninh Sim cho biết: “Thời gian qua, trên địa bàn Ninh Hòa mưa nhiều, kéo dài nên tiến độ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, nhân công thì thiếu hụt trầm trọng, giá lại cao. Ngày thường công chính chỉ 300.000 đồng/người/ngày, hiện nay thuê tới 500.000 đồng cũng không có người. Ngoài ra, do nhiều nhà xây cùng lúc nên các đại lý vật liệu xây dựng cung ứng chậm…”.
Đây cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương trong việc khắc phục lại nhà ở cho người dân sau bão tại Ninh Hòa. Ông Trần Văn Minh - Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa lý giải: “Sở dĩ tiến độ xây dựng nhà bị sập chưa được như mong muốn là do thợ xây hiện nay rất khan hiếm, giá lại rất cao; một số hộ đã nhận được tiền hỗ trợ nhưng chưa xây do chưa chọn được ngày đẹp hoặc chờ giá vật liệu, nhân công giảm xuống mới tiến hành xây. Ngoài ra, nguồn kinh phí, vật liệu một số nhà tài trợ hứa cho nhưng chưa được phân bổ về”. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Minh trăn trở, trong điều kiện giá nhân công, vật tư cao như hiện nay, các hộ có nhà bị sập được hỗ trợ lại đều là hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn, điều kiện để thêm tiền vào xây nhà gần như không có nên để xây được 1 căn nhà như mong muốn không phải dễ.
Trong khi đó, ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, ngoài yếu tố thời tiết mưa nhiều, giá vật liệu tăng, thợ xây khan hiếm thì yếu tố địa bàn cách trở, các công trình giao thông bị hư hỏng khiến việc vận chuyển vật liệu khó khăn, phải tăng bo nhiều lần cũng làm cho tiến độ xây, sửa nhà cho người dân chưa như mong muốn. Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn quá khó khăn, nguồn hỗ trợ vẫn còn có hạn nên gia đình khó xây dựng lại nhà. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 99 trường hợp có nhà bị sập hoàn toàn không được hỗ trợ là do đã được hỗ trợ xây nhà chính ở địa phương khác, đất ở là đất lấn chiếm và vi phạm quy hoạch. Những hộ này chính quyền phải tốn nhiều thời gian xác minh cặn kẽ. Một số địa phương còn chậm trễ trong việc niêm yết danh sách những hộ được hỗ trợ nên họ phải chờ đợi, kéo dài thời gian nhận hỗ trợ…
Gấp rút hoàn thành trước Tết
Trên đường đi kiểm tra tiến độ, đôn đốc việc xây dựng nhà cho người dân sau bão, ông Lê Thiên Nhất - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Sim khẳng định: “Toàn bộ 24 căn nhà bị hư hỏng rất nặng, 37 căn nhà bị hư hỏng nặng đã được người dân khắc phục xong, tiền hỗ trợ đang được chính quyền chuyển đến tận tay người dân. Đối với 7 căn nhà bị sập hoàn toàn do bão thuộc diện được hỗ trợ thì đã có 1 căn nhà xây xong, chủ nhà đã chuyển vào ở; 5 căn đang được tô trát; 1 căn khởi công muộn nhất cũng đã đạt hơn 40% khối lượng công việc, chậm nhất đến ngày 10-2 sẽ xây dựng xong”. Theo chia sẻ của ông Nhất, tuy khó khăn nhưng nhờ bám sát, đôn đốc tiến độ khắc phục nhà ở từng ngày nên việc khắc phục nhà ở của các hộ bị sập, hư hỏng nặng cơ bản hoàn tất.
Không riêng xã Ninh Sim, tại các xã: Ninh Tây, Ninh Tân, Ninh Thượng…, chính quyền địa phương, cán bộ thôn cũng đôn đốc tiến độ xây dựng lại nhà ở bị sập cho người dân sau bão. Ông Trần Văn Minh - Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa khẳng định: Đến nay, toàn bộ nhà bị hư hỏng, người dân đã tự khắc phục xong, toàn bộ số tiền hỗ trợ của tỉnh đã được chuyển xuống UBND cấp xã để chuyển đến tay người dân. Đối với nhà bị sập hoàn toàn, đến nay UBND thị xã đã ra quyết định hỗ trợ cho 438 nhà, các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng 92 căn. Trong số đó đã có 150 căn xây dựng xong, người dân đã chuyển vào ở; chỉ có số ít nhà chưa khởi công, người dân cam kết sau Tết Nguyên đán sẽ xây dựng để chờ giá nhân công, vật liệu giảm; số còn lại hầu hết đã hoàn thành khoảng 70 - 80% khối lượng công việc, người dân sẽ vào ở trước Tết Nguyên đán. Ngoài nguồn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, từ nguồn của UBMTTQ Việt Nam tỉnh, thị xã Ninh Hòa còn hỗ trợ thêm 10 triệu đồng/căn cho đối tượng hộ đồng bào dân tộc thiểu số. “Mục tiêu được địa phương đặt ra là trước ngày 10-2 người dân có nhà bị sập được hỗ trợ xây dựng xong, chuyển vào ở để kịp đón Tết cổ truyền. Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc chuyển tiền hỗ trợ kịp thời theo tiến độ, thị xã còn chỉ đạo các địa phương phải bám sát, nắm bắt, đôn đốc tiến độ xây dựng từng ngày”, ông Minh chia sẻ.
Toàn huyện Vạn Ninh có 1.833 hộ bị sập nhà, hư hỏng thuộc diện được hỗ trợ với số tiền hơn 13,8 tỷ đồng. Trong đó, có 505 nhà sập hoàn toàn, 615 nhà hư hỏng rất nặng, 713 nhà hư hỏng nặng. Đến nay, số nhà sập hoàn toàn đã có 182 nhà xây xong, 263 nhà đã xây dựng được 70%, 60 nhà chưa xây do đủ kinh phí nhưng vì nhiều lý do nên gia đình chưa xây. Đối với các hộ có nhà bị hư hỏng nặng và hư hỏng rất nặng đã có 1.302 nhà đã khắc phục xong, 26 nhà chưa sửa do thiếu thợ. Đối với những hộ đất lấn chiếm, vi phạm quy hoạch, trước mắt địa phương tạo điều kiện cho họ xây dựng lại hoặc làm nhà tạm trên nền đất cũ. Đồng thời, các hộ này cũng cam kết sẽ giao trả lại đất khi Nhà nước thu hồi. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung giúp các hộ xây dựng nhà ở, đảm bảo không để bất cứ hộ nào không có nhà ở trong dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ cùng với Mặt trận vận động, phân bổ các nguồn tài trợ, thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm trong dịp Tết”, ông Phẩm nói.
Toàn tỉnh có hơn 1.700 nhà bị sập hoàn toàn, hư hỏng nặng và rất nặng thuộc các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách đã được hỗ trợ xây, sửa nhà từ nguồn ngân sách tỉnh và Mặt trận tỉnh hỗ trợ. Đến nay, tiến độ xây, sửa nhà đã đạt hơn 80%, 20% còn lại sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Đối với những hộ có nhà bị hư hỏng từ 30% trở lên thuộc các đối tượng trên cũng đã nhận tiền hỗ trợ và đã tự khắc phục được trên 90%.