05:01, 27/01/2018

Lính trẻ ở Trường Sa

Đến đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết… chúng tôi đã được hòa mình vào đời sống của những người lính trẻ hồn nhiên, yêu đời. Những buổi sinh nhật đồng đội, những đêm văn nghệ vui tươi đầm ấm đã góp phần làm đời sống những người lính đảo thêm vui tươi, gắn kết tình đồng đội, để cùng bền gan giữ đảo.
 

Đến đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết… chúng tôi đã được hòa mình vào đời sống của những người lính trẻ hồn nhiên, yêu đời. Những buổi sinh nhật đồng đội, những đêm văn nghệ vui tươi đầm ấm đã góp phần làm đời sống những người lính đảo thêm vui tươi, gắn kết tình đồng đội, để cùng bền gan giữ đảo.
 
 
Từ sinh nhật đồng đội
 
 
Chúng tôi đến đảo Sơn Ca đúng dịp Chi đoàn Đảo bộ tổ chức đêm sinh nhật đồng đội cho các cán bộ, chiến sĩ sinh trong quý I. Sinh nhật đồng đội hôm đó thêm phần sôi nổi bởi có sự góp mặt của các nữ phóng viên, nhà báo vừa từ đất liền ra đảo. Giữ vai trò MC, Thượng úy Phạm Ngọc Sang - Bí thư chi đoàn Đảo bộ đã tạo nên không khí sôi nổi, vui tươi với màn giới thiệu dí dỏm về những người có sinh nhật trong dịp này. Mỗi cán bộ, chiến sĩ đều được anh đặt cho những biệt danh riêng như: Nấm rơm, Lật đật, Dẻ cười, Sao biển… cùng với sở thích cá nhân “không giống ai”, hoàn cảnh gia đình… 
 
 
Đặc biệt, sinh nhật đồng đội ở Sơn Ca có phần “cầu truyền hình trực tiếp” người thân ở đất liền chúc mừng sinh nhật lính đảo. Người mẹ ở Sài Gòn quây quần bên gia đình chúc mừng sinh nhật con trai ở đảo, người vợ trẻ cùng đứa con bi bô tập nói từ xứ Huế xuất hiện trên màn hình hỏi thăm sức khỏe, chúc mừng sinh nhật chồng ở đảo xa… Xen lẫn giữa các màn chúc mừng sinh nhật là những tiết mục văn nghệ đầy chất lính. Giữa đảo xa, tiếng hát của họ hòa nhịp cùng tiếng sóng biển. Từ những ca khúc cách mạng trầm hùng đến những bài nhạc trẻ đang thịnh hành đều được các chiến sĩ biểu diễn say sưa. Trung úy Nguyễn Thành Bông chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ và xúc động khi được nhìn thấy hình ảnh vợ con ở quê nhà, được nhận lời chúc mừng sinh nhật từ người vợ của mình… Cảm ơn sự chuẩn bị chu đáo của anh em trong đơn vị”. 
 
 
Chiến sĩ trò chuyện sau giờ lên thao trường.
Chiến sĩ trò chuyện sau giờ lên thao trường.
 
 
Hỏi chuyện, Thượng úy Ngọc Sang “bật mí” về kịch bản: “Mỗi lần đến dịp sinh nhật đồng đội, em liên hệ với gia đình các cán bộ, chiến sĩ ở đất liền nhờ họ tự ghi hình, gửi lời chúc đến người thân ở đảo xa. Tất cả đều bí mật đến phút chót… Thế nên, có những anh lính trẻ khi được “nối cầu truyền hình” nghe những lời chúc từ mẹ, vợ cứ tưởng đó là được nghe trực tiếp nên xúc động đến rơi nước mắt”. Kể ra thì nghe đơn giản, nhưng để có được những clip trình chiếu trong sinh nhật đồng đội, anh Sang phải trao đổi rất kỹ với gia đình để làm sao có khoảng cách về thời gian để MC chèn câu hỏi vào cho ăn khớp; khi clip gửi ra đảo thì lắm khi phải trầy trật mãi mới gửi được. Chứng kiến đêm sinh nhật đồng đội ở đảo Sơn Ca, cánh phóng viên ai cũng ngợi khen vì sự sáng tạo của những người lính trẻ. 
 
 
Các chiến sĩ đảo Song Tử Tây đang đua sức ở trò chơi kéo co.
Các chiến sĩ đảo Song Tử Tây đang đua sức ở trò chơi kéo co.
 
 
Hôm đến đảo Nam Yết, chúng tôi cũng được tham dự sinh nhật đồng đội ở Cụm chiến đấu 2 được tổ chức cho các cán bộ, chiến sĩ có sinh nhật trong tháng 1. Ở đây không có “cầu truyền hình trực tiếp”, thay vào đó là đọc thư của các em nhỏ ở đất liền gửi anh lính nơi đảo xa. Đặc biệt hơn, ngoài bánh kẹo, ở đây còn có bánh sinh nhật bằng rau câu. Tiệc sinh nhật hôm ấy, đồng thời cũng là tiệc chia tay một số đồng chí về đất liền nên càng thêm xúc động. Những bài hát tặng nhau, những lời động viên giữa người sắp về bờ dành cho người ở lại sao mà nghĩa tình đến thế. Hôm ấy, Trung úy Bùi Cao Thế được vinh dự lên đọc thư của các em học sinh ở đất liền, giọng anh run lên vì xúc động. “Đây là lần sinh nhật đặc biệt nhất cuộc đời tôi. Ở đất liền, sinh nhật tôi thường có bạn bè, gia đình chung vui, còn ở đây, anh em trong đơn vị là gia đình của tôi”, Thế bày tỏ. 
 

 

Sinh nhật đồng đội là góp phần kết nối tình đoàn kết giữa những người lính trẻ
Sinh nhật đồng đội là góp phần kết nối tình đoàn kết giữa những người lính trẻ
 
 
Đến những cây văn nghệ
 
 
Tham dự đêm văn nghệ trên đảo Nam Yết, cánh phóng viên bất ngờ phát hiện trên đảo có nhóm nhạc “chuyên nghiệp” gồm 3 chiến sĩ: Nguyễn Văn Hải (quê Hải Dương), Đỗ Thành Danh và Đỗ Quang Lượng (quê ở TP. Hồ Chí Minh), trong đó Lượng đảm nhận vai trò chơi guitar, Hải lại có những màn beatbox ngẫu hứng, Danh có thể bật ngón tay làm nhịp. Hôm đó, nhóm đã tặng đoàn công tác ca khúc Nghe em hát ở Trường Sa và Long Phụng sum vầy như lời chúc đầu năm gửi đến đất liền. Hỏi chuyện, mới biết Hải ra đảo trước Danh và Lượng 6 tháng, nhưng cùng gặp nhau ở tình yêu âm nhạc. “Chúng em thường bàn bạc, luyện tập cùng nhau để có những màn biểu diễn ăn ý. Ngoài các bài hát về cách mạng, chúng em còn tập các bài nhạc trẻ… Âm nhạc đã giúp những người lính xích lại gần nhau hơn, làm vơi đi nỗi nhớ đất liền”, Danh tâm sự.  Ngoài các chương trình của đảo, nhóm còn là “khách mời danh dự” trong các chương trình văn nghệ, tiệc sinh nhật ở các cụm chiến đấu.
 
Các chiến sĩ trẻ trên đảo Nam Yết đang trình bày ca khúc Nghe em hát ở Trường Sa.
Các chiến sĩ trẻ trên đảo Nam Yết đang trình bày ca khúc Nghe em hát ở Trường Sa.
 
 
Chiến sĩ đảo Sơn Ca cổ vũ văn nghệ
Chiến sĩ đảo Sơn Ca cổ vũ văn nghệ
 
Nếu như đảo Nam Yết có nhóm nhạc, đảo Sơn Ca lại có một nhóm nhảy rất điệu nghệ. Còn nhớ, đêm văn nghệ ở công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các chiến sĩ trẻ trên đảo Sơn Ca đã biểu diễn tiết mục nhảy hiphop rất sôi động. Trò chuyện, Trung tá Nguyễn Thanh Giảng - Bí thư Liên chi đoàn của đảo cho biết, chiến sĩ trẻ có rất nhiều tài lẻ, họ có thể chơi đàn, sáo, trống banjo. “Chúng tôi luôn khuyến khích các cán bộ, chiến sĩ tham gia văn nghệ, thể thao… Qua các hoạt động này, tình đồng chí, đồng đội được gắn kết hơn rất nhiều, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đảo”, Trung tá Giảng nói. 
 
 
Những đêm tàu lênh đênh trên biển, những người lính trẻ từ đảo trở về lại được dịp trổ tài lẻ. Chỉ với vài cái xô nhựa, cánh lính trẻ đã tạo ra cả một dàn nhạc đệm để cùng nhau hát vang những khúc nhạc tươi vui đầy chất lính. Bắt chuyện, nhóm lính trẻ cười vang: Lính mà anh!
 
 
THÀNH NGUYỄN