Lâu lắm rồi, người dân đảo Bình Ba (xã Cam Bình, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) mới có một mùa tôm hùm trúng đậm, bởi sau cơn bão số 12 năm 2017, cả khu vực Duyên hải Nam Trung bộ chỉ duy nhất nơi này còn tôm hùm.
Lâu lắm rồi, người dân đảo Bình Ba (xã Cam Bình, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) mới có một mùa tôm hùm trúng đậm, bởi sau cơn bão số 12 năm 2017, cả khu vực Duyên hải Nam Trung bộ chỉ duy nhất nơi này còn tôm hùm.
Tăng… mấy chục giá
Đến đảo Bình Ba những ngày này, không khí vui tươi rộn rã tràn ngập từ trên đảo đến những lồng tôm.
Tại bè tôm của ông Đỗ Kim Lâm (thôn Bình Ba Đông), chúng tôi thấy một tàu vận tải loại lớn đang đợi sẵn chờ chất đầy tôm để chở về đất liền. Bà Lê Thị Thảo Trang (TP. Cam Ranh, người chuyên thu gom tôm hùm) cho biết, ngày nào bà cũng gom 4 - 5 tấn tôm để xuất bán sang Trung Quốc. Vừa qua, cơn bão số 12 đã làm thiệt hại gần 100% các bè nuôi tôm ở huyện Vạn Ninh và TP. Nha Trang; vùng nuôi bên đất liền TP. Cam Ranh cũng bị thiệt hại nặng, chỉ còn mỗi tôm hùm Bình Ba là nguyên vẹn nên lượng hàng khan hiếm. Các đầu mối thu gom tôm liên tục hối bà Trang lấy hàng để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chính vì khan hiếm, nên giá tôm tăng chóng mặt, ngư dân đảo Bình Ba trúng đậm. Theo bà Trang, tôm hùm chia làm 3 loại: trên 1kg/con mua tại lồng là 2,1 triệu đồng/kg; từ 0,8 đến 0,9kg/con có giá 2 triệu đồng/kg, từ 0,7kg/con trở xuống có giá 1,9 triệu đồng/kg. Giá tôm hùm xanh hiện nay cũng trên 1 triệu đồng/kg. “Hồi tháng 6-2017 giá tôm hùm xanh chỉ khoảng 600.000 đồng/kg, bây giờ tăng gần gấp đôi. Giá tôm hùm sao lúc đó cũng chỉ 1,5 đến 1,6 triệu đồng/kg tôm loại 1”, bà Trang cho biết.
Ngồi nhìn từng mớ tôm hùm được vớt lên khỏi lồng nuôi, ông Lân không giấu được niềm phấn khởi bởi lâu lắm rồi gia đình ông mới có một vụ tôm vừa được mùa vừa được giá như năm nay. Nuôi tôm hơn 15 năm, có năm được mùa thì giá lại xuống, năm được giá thì tôm không đạt. “Chưa bao giờ giá tôm hùm tăng nhanh đến thế. Thường từ giữa năm đến cuối năm chỉ chênh vài giá nhưng tháng 6-2017 tôm xanh chỉ 700.000 đồng/kg, cuối năm lên 1 triệu đồng/kg, tăng đến 30 giá. Gia đình tôi nuôi hơn 30 lồng tôm, năm nay trừ chi phí lời hơn 400 triệu đồng”, ông Lân hồ hởi khoe.
Niềm vui ở đảo quốc tôm hùm
Không quá lời khi ví Bình Ba là đảo quốc tôm hùm bởi có đến 90% hộ dân ở đây sống bằng nghề nuôi tôm. Trước kia, người dân Bình Ba còn sống nhờ vào nghề đánh bắt gần bờ. Tuy nhiên từ năm 2015, khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 44, một số vùng đánh bắt giáp Vùng 4 Hải quân đã bị nghiêm cấm, ngư trường bị thu hẹp, ngư dân bỏ dần ghe lưới để tập trung vào việc nuôi tôm hoặc làm du lịch. Thống kê của UBND xã Cam Bình cho thấy, trước năm 2015, toàn xã có gần 200 chiếc ghe với tổng công suất hơn 6.000CV. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ còn khoảng 80 chiếc với tổng công suất hơn 3.200CV. Chính vì vậy, việc trúng đậm tôm hùm như năm nay khiến toàn đảo Bình Ba phấn chấn, vui như mở hội.
Chia sẻ cùng chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Đông - người nuôi tôm cho biết, 12 lồng tôm hùm sao của ông sau 14 tháng thả nuôi, trừ chi phí lời mỗi lồng hơn 50 triệu đồng. Tuy năm ngoái có bão lớn, nhưng do nằm trong vùng kín gió nên Bình Ba không bị ảnh hưởng, tôm phát triển tốt, đạt năng suất cao. “Cùng thời điểm này năm ngoái, giá một ký tôm thịt là 1,6 triệu đồng nhưng hiện nay thương lái đang thu mua với giá 2,1 triệu đồng/kg. Sau khi trúng vụ này, tôi sẽ mở rộng thêm khoảng 5 lồng, số tiền lời còn lại sẽ sửa lại căn nhà xây đã hơn 10 năm”, ông Đông cho hay. Gần đó là bè tôm của bà Nguyễn Thị Lợi. Do nguồn vốn hạn hẹp nên gia đình bà Lợi chủ yếu nuôi tôm hùm xanh. Năm nay, gia đình bà thả nuôi 30 lồng, mỗi lồng khoảng 300 con. Chi phí đầu tư mỗi lồng (từ 9 đến 10 tháng) khoảng 9 triệu đồng. Với giá xuất bán tôm thịt khoảng 1 triệu đồng/kg, trừ chi phí gia đình bà lời khoảng 20 triệu đồng/lồng. “Năm nay trúng lớn nên số nợ ngân hàng chắc chắn trả xong. Số tiền còn lại sẽ mua sắm thêm tiện nghi cho gia đình đón Tết và thí điểm thả một vài lồng tôm hùm sao cho vụ sau”, bà Lợi nói.
Theo ông Nguyễn Ân - Chủ tịch UBND xã Cam Bình, toàn xã có 1.300 hộ thì có khoảng 1.000 hộ nuôi tôm hùm. Hộ nuôi nhiều khoảng 100 lồng, thu về hơn 5 tỷ đồng, lời khoảng 35% (trên dưới 2 tỷ đồng); hộ nuôi ít khoảng 10 lồng cũng lời vài trăm triệu đồng. Hiện nay, toàn xã còn khoảng 50 tấn tôm hùm thịt chưa xuất bán, sẽ cung cấp ra thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán. Ngoài lượng tôm xuất đi Trung Quốc, lượng tiêu thụ tại chỗ trên đảo mỗi ngày khoảng 100kg. Nhiều hộ nuôi tôm biết được nguồn hàng khan hiếm nên đang “ôm” tôm lại chờ giá cao hơn. “Lâu lắm người dân Bình Ba mới vui đến thế. Từ đầu thôn đến cuối xóm đâu đâu cũng nghe tiếng cười rôm rả khi nói chuyện về tôm hùm. Tết năm nay người dân phấn khởi, cán bộ cũng vui lây”, ông Ân chia sẻ.
Bảo vệ môi trường để phát triển lâu dài
Trong khi những vùng nuôi khác đang bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do lượng rác thải từ túi đựng thức ăn tôm hùm thả tràn lan xuống biển thì vùng nuôi tôm ngoài đảo Bình Ba vẫn giữ được nguồn nước trong xanh cần thiết cho tôm phát triển. Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Hữu Thông - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết, để giữ môi trường như hiện nay, từ năm 2010, xã đã thí điểm mô hình điểm thu gom rác thải, túi ni lông trên biển. Với vùng nuôi rộng lớn, xã lắp đặt 4 điểm thu gom rác nổi nằm rải rác giữa các bè nuôi. Xã đã vận động ngư dân mỗi khi cho tôm ăn xong thì gom rác lại, trên đường về ghé qua điểm gom rác để thả vào đó. Cuối ngày có tổ gom rác dùng ghe chở vào đất liền tiêu hủy. Nhờ vậy, nhiều năm nay vùng nuôi Bình Ba khá sạch sẽ, ít ô nhiễm, tôm hùm ít bị dịch bệnh.
Được biết năm 2017, toàn xã có 6.800 lồng tôm, đạt sản lượng 225 tấn tôm thịt xuất bán, tăng 25 tấn so với chỉ tiêu giao và tăng 20 tấn so với sản lượng năm 2016. Năm 2018, xã tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi tôm hùm, đạt mục tiêu sản lượng tôm thịt bằng hoặc cao hơn so với năm 2017. Bên cạnh đó, sẽ tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, quyết giữ vững chất lượng và sản lượng tôm hùm như hiện nay. Ông Thông chia sẻ: “UBND xã vừa tổ chức họp lấy ý kiến người dân về việc thay túi ni lông đựng thức ăn tôm hùm bằng túi lưới. Vì túi lưới dùng xong giặt sạch thì dùng được tiếp, lại bảo vệ môi trường về lâu dài nên người dân khá đồng tình. Sắp tới, chúng tôi sẽ thí điểm triển khai với quyết tâm giữ sạch môi trường, phát triển nghề nuôi tôm hùm Bình Ba bền vững, nâng cao chất lượng tôm”.
VĂN KỲ - MẠNH HÙNG