Sau hơn 3 năm hoạt động tại mỏ đá Hòn Giốc Mơ, Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng ADC (Công ty ADC) đã gây ra hàng loạt vụ việc tại địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Sau hơn 3 năm hoạt động tại mỏ đá Hòn Giốc Mơ, Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng ADC (Công ty ADC) đã gây ra hàng loạt vụ việc tại địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Hiện nay, Công ty ADC đã dừng hoạt động, nhưng các khoản thuế, phí của Nhà nước, địa phương doanh nghiệp (DN) vẫn chưa hoàn thành, không khắc phục các hậu quả gây ra như đã hứa.
Gây hậu quả từ việc khai thác đá
Công ty ADC được UBND tỉnh cấp phép khai thác đá tại khu vực mỏ Hòn Giốc Mơ, xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa vào năm 2011. Cách đây hơn 3 năm, thời điểm dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 được triển khai rầm rộ, Công ty ADC là một trong những đơn vị cung cấp đá làm đường. Sau đó, công ty tiếp tục trúng thầu cung cấp vật liệu cho Quốc lộ 26.
Ông Nguyễn Ngọc Đẩu - Trưởng thôn Ninh Đức, xã Ninh Lộc cho biết, ngay từ khi đi vào khai thác, Công ty ADC đã gây nhiều bức xúc cho người dân. Đầu tiên là việc tranh chấp đất đai vùng chồng lấn của người dân trong khu vực không được giải quyết triệt để, gây ra khiếu nại kéo dài. Người dân phải chặn đường không cho phương tiện chở vật liệu lưu thông thì Công ty ADC mới chịu giải quyết. Công ty này còn tự tiện múc đất của 2 hộ để làm hồ chứa nước tưới đường, gây bức xúc cho gia đình và chính quyền địa phương. Đầu năm 2016, Công ty ADC mở con đường nội bộ vận chuyển đất đá đã lấp 1 cống, khiến mùa mưa cuối năm hơn 30 hộ bị ngập nước kéo dài, 4ha lúa mất trắng. Công ty ADC hứa sẽ hỗ trợ trước Tết Nguyên đán nhưng đến nay lời hứa vẫn chỉ là… lời hứa.
Bà Nguyễn Thị Thắm, nhà gần cống nước bị bít là hộ nghèo của xã. Bao nhiêu năm tằn tiện, bà Thắm mới cất được căn nhà 50m2. Thế nhưng mùa mưa năm ngoái, căn nhà ngập sâu nhiều ngày khiến toàn bộ chân gạch bị thối. Lo sợ sẽ sập nhà nên gia đình bà Thắm phải tháo dỡ, chuyển đến ở nhờ nhà con gái. Công ty ADC nói sẽ hỗ trợ, nhưng đến nay ngoài việc đổ mấy xe đất lên nền nhà thì đơn vị chưa có một động thái nào.
Không chỉ vậy, cuối năm 2016, quá trình khai thác nước từ mỏ đá chảy về hạ lưu phía khu vực dân cư tạo thành dòng, làm xói lở vào diện tích nghĩa trang thôn Phong Thạnh khoảng 400m. Ngoài ra, khi khai thác DN nổ mìn phá đá, độ rung mạnh đã làm một số nhà dân bị nứt.
Phớt lờ cơ quan chức năng
Ông Trịnh Văn Trí - Chủ tịch UBND xã Ninh Lộc cho biết, xã đã nhiều lần mời Công ty ADC phối hợp giải quyết, bảo đảm quyền lợi cho bà con nhưng DN bất hợp tác.
Tháng 9-2016, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tổ chức đoàn đi khảo sát thực tế việc khai thác đá của Công ty ADC tại Hòn Giốc Mơ. Địa phương đã báo cáo với đoàn một số thiệt hại do Công ty ADC gây ra. Đến cuối tháng 10, ban có báo cáo kết quả khảo sát. Theo đó, yêu cầu Công ty ADC thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường (bụi, tiếng ồn, độ rung do nổ mìn...); có giải pháp khắc phục tình trạng đất đá vùi lấp diện tích đất sản xuất của các hộ xung quanh dự án; tiếp tục đầu tư hệ thống cống, bờ tràn của tuyến đường do công ty đầu tư, mương thoát nước tại khu vực dọc Quốc lộ 1 do công ty san lấp mặt bằng; khắc phục đoạn đường bê tông đã hư hỏng; sửa chữa đường bê tông tại thôn Ninh Đức bị hư hỏng do việc vận chuyển vật tư, đất đá từ dự án…
Ngay sau đó, ngày 2-11-2016, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo các ngành chức năng liên quan kiểm tra những bất cập về việc khai thác đá của Công ty ADC, yêu cầu DN nhanh chóng khắc phục những hậu quả gây ra. Tuy nhiên, tất cả những chỉ đạo của các cấp đều bị Công ty ADC phớt lờ.
Lãnh đạo xã Ninh Lộc cho biết, quá trình hoạt động trên địa bàn, Công ty ADC còn cho thuê địa điểm để nhiều công ty đối tác treo biển hiệu mà không xin phép địa phương. Xã nhiều lần gửi giấy mời Công ty ADC đến làm việc nhưng đến ngày hẹn không ai đến. Thời gian gần đây, địa phương không thể liên lạc được với lãnh đạo Công ty ADC. Một người nhận là quản lý tại khu vực mỏ đá cho hay, sau khi Quốc lộ 26 hoàn thiện, Công ty ADC đã ngưng hoạt động để tìm đối tác mới. Do không cung cấp vật liệu lẻ nên hầu như máy móc đã được chuyển đi, chỉ còn lại một số phương tiện quá hạn sử dụng, hoen gỉ do nhiều tháng đắp chiếu.
Doanh nghiệp “mất dạng”
Theo tìm hiểu của phóng viên, tuy Công ty ADC là DN được cấp phép khai thác đá tại mỏ Hòn Giốc Mơ, nhưng trên thực tế, Công ty TNHH Khai thác khoáng sản Thiên Hà - GMC (Công ty Thiên Hà) có trụ sở ngay tại khu vực mỏ đá, điều hành mọi hoạt động khai thác mỏ này. Trên trang web hosodoanhnghiep.vn, cả 2 DN này đều do ông Đoàn Xuân Trang làm giám đốc.
Một nhân viên làm việc tại mỏ Hòn Giốc Mơ cho hay, vì vướng nhiều vấn đề rắc rối nên Công ty Thiên Hà không còn hoạt động hơn 1 năm nay. Bộ máy của công ty đã giải thể, máy móc đã bán hoặc di chuyển đi nơi khác. Mọi hoạt động tại đây hiện do Công ty ADC phụ trách. Ghi nhận của chúng tôi, tại khu vực mỏ hiện rất hoang vắng, nhà điều hành của Công ty Thiên Hà được xây dựng khá kiên cố trên khu đất rộng lớn nhưng bỏ hoang. Máy móc khai thác đã được đưa đi gần hết, chỉ còn lại hệ thống máy xay đá. Tại khu vực mỏ này thỉnh thoảng có một số xe tải vào chở đất.
Tại mỏ đá, Công ty ADC thuê 5 người bảo vệ. Tuy nhiên hiện nay, DN này đang nợ lương của nhân viên. “Mỗi tháng anh em bảo vệ được trả hơn 3 triệu đồng. Nhưng từ nhiều tháng nay lương của anh em bị công ty nợ, người ít bị nợ 7 - 8 triệu đồng, người nhiều bị nợ tới 30 triệu đồng, mỗi tháng công ty chỉ tạm ứng cho chút ít. Hiện nay, gia cảnh mọi người đều khó khăn, không có lương trang trải cuộc sống nên càng vất vả hơn. Chúng tôi có liên hệ trực tiếp với chủ công ty thì họ nói là sẽ trả sớm nhưng không biết là khi nào. Hiện nay, anh em đều muốn nghỉ làm để tìm việc mới nhưng do bị nợ lương nên phải chờ giải quyết xong mới nghỉ việc; bây giờ bỏ giữa chừng là mất trắng”, một bảo vệ than.
Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ chủ DN để giải đáp các vấn đề liên quan nhưng đều thất bại. Phóng viên tìm đến địa chỉ Công ty ADC trên đường Hai Bà Trưng, TP. Nha Trang thì căn nhà này tầng trệt là một tiệm tạp hóa, trên lầu có treo biển công ty. Phóng viên ngỏ ý muốn được lên lầu liên hệ thì người bán tạp hóa cho biết, nhiều tháng nay văn phòng không có ai làm việc.
Như vậy, với sự “mất dạng” của các DN khai thác đá tại mỏ Hòn Giốc Mơ thì hàng loạt những hậu quả mà các đơn vị này gây ra người dân đang phải gánh chịu. Vì thế, rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc để đòi lại quyền lợi chính đáng cho người dân.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Mục tiêu chính của dự án Mỏ đá Hòn Giốc Mơ là khai thác và chế biến đá xây dựng. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 50 tỷ đồng, thời gian thực hiện 26 năm, tổng diện tích của dự án là 69,6ha, trong đó diện tích khai thác 19,6ha và vùng đệm sản xuất, tái tạo môi trường là 50ha (gồm: sân công nghiệp, kho bãi, nhà xưởng, khu nuôi trồng, cây xanh...); công suất của dự án là 350.000 m3/năm (sản phẩm nguyên khai chưa chế biến). Từ quý II/2014, dự án đã đi vào hoạt động, khai thác và xuất sản phẩm ra thị trường.
Lãnh đạo xã Ninh Lộc cho biết, theo quy định DN khai thác khoáng sản phải đóng phí bảo vệ môi trường hàng năm cho Nhà nước và địa phương được trích lại 2% để khắc phục những tổn thất môi trường tại nơi có hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang diễn ra. Tuy nhiên, từ khi hoạt động đến nay, xã không nhận được đồng nào từ nguồn phí này. Cuối năm 2016, xã đã trực tiếp đi tìm hiểu tại cơ quan DN đăng ký đóng thuế thì được biết công ty nợ thuế từ năm 2014 đến cuối năm 2016 nên khoản phí cũng không có để phân bổ về xã.