Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về bảo đảm quyền của người bị buộc tội phải được tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định?
Hỏi: Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 có quy định về bảo đảm quyền của người bị buộc tội phải được tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định?
Trả lời: Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về bảo đảm quyền của người bị buộc tội phải được tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, ngày 27-11-2015, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã thông qua BLTTHS. Theo Nghị quyết của Quốc hội, Bộ luật Hình sự năm 2015 và BLTTHS năm 2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2018.
Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai là một trong những nguyên tắc cơ bản của BLTTHS năm 2015 (Điều 25). Để đảm bảo nguyên tắc này, BLTTHS năm 2015 quy định thời hạn chuẩn bị xét xử được tính từ ngày tòa án thụ lý hồ sơ vụ án thay vì từ ngày phân công Thẩm phán chủ tọa phiên tòa như BLTTHS năm 2003. Theo đó, trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 2 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 3 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định: đưa vụ án ra xét xử; trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án.
Đối với vụ án phức tạp, chánh án tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải thông báo ngay cho viện kiểm sát cùng cấp.
Đối với vụ án được trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trường hợp phục hồi vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục chung quy định tại bộ luật này kể từ ngày tòa án ra quyết định phục hồi vụ án.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày.
BLTTHS năm 2015 bổ sung một số thời hạn nhằm bảo đảm mọi hoạt động tố tụng phải bị ràng buộc về thời hạn như: thời hạn nghị án là 7 ngày, kể từ ngày kết thúc tranh luận tại phiên tòa (Điều 326). Cụ thể hóa một số thời hạn có tính định tính trong bộ luật hiện hành bằng các thời hạn cụ thể (là 24 giờ hoặc 3 ngày kể từ khi ra quyết định), tùy thuộc vào loại quyết định và đối tượng được nhận quyết định như: tòa án gửi quyết định phân công thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa, quyết định đưa vụ án ra xét xử cho viện kiểm sát trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà