10:02, 07/02/2020

Trái đạo lý

Đối diện với cha vợ tại phiên tòa phúc thẩm, người con rể L.H.T (sinh năm 1991, trú Nha Trang) vẫn cố thanh minh, đề nghị tòa xem xét cả phần lỗi của cha vợ - nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo. Tuy vậy, không phải đề nghị nào cũng được tòa chấp nhận.

Đối diện với cha vợ tại phiên tòa phúc thẩm, người con rể L.H.T (sinh năm - SN 1991, trú Nha Trang) vẫn cố thanh minh, đề nghị tòa xem xét cả phần lỗi của cha vợ - nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo. Tuy vậy, không phải đề nghị nào cũng được tòa chấp nhận.


T. khai nhận, quá trình chung sống, do T. phát sinh mâu thuẫn, người vợ bỏ về nhà cha đẻ. Nguyên nhân mâu thuẫn có phần liên quan đến việc cho vay, cho mượn nợ của T. Bị cáo T. đã nhiều lần đến nhà cha vợ đe dọa, gây áp lực, buộc vợ về sống với mình nhưng không được. Cho rằng chính cha vợ ngăn cản vợ quay về sống chung với mình nên T. rủ V.Q (SN 1995, trú Cam Ranh) và T.Q.C (SN 1988, trú Nha Trang) đi đánh cha vợ, hứa làm xong sẽ cho tiền. Trên đường đi, cả ba chuẩn bị 2 cây gỗ. Sau đó, T. mượn xe máy đưa cho Q., C. và chỉ nơi cha vợ thường đến để Q. và C. phục sẵn, còn bản thân lánh mặt đi chỗ khác. Đúng như dự tính của T., trưa đó, cha vợ T. tới và bị Q. xông tới giữ, kẹp cổ để C. dùng cây gỗ đánh, gây thương tích 13%. Biết kết quả, T. trả cho Q. 1 triệu đồng, C. 2 triệu đồng.


Trước tòa, bị cáo thanh minh do quá bức xúc nên mới thuê người đánh cha vợ để... dằn mặt! Luật sư bào chữa cho bị cáo T. cũng thêm, bị cáo T. phạm tội do bị kích động về tinh thần và có lỗi của bị hại; đề nghị làm rõ các giấy tờ về việc cho vay, cho mượn nợ của bị cáo. Tuy nhiên, vị đại diện viện kiểm sát không đồng tình. Trong khi các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt thì cơ quan viện kiểm sát lại kháng nghị tăng nặng hình phạt với cả 3 bị cáo vì cho rằng mức án đã tuyên không đủ sức răn đe.


Phiên tòa kéo dài căng thẳng bởi bị cáo T. vẫn giữ nguyên nỗi bức xúc về cha vợ. Tuy vậy, thật khó biện minh T. chỉ hồ đồ, nhất thời phạm tội. Thực tế, ngoài lần thuê người đánh cha vợ trên, sau đó chừng chục ngày, bị cáo T. còn 2 lần thuê người rủ Q., C. đi đập phá tài sản của cha vợ, nhưng do thiệt hại dưới 2 triệu đồng nên hành vi không cấu thành tội phạm. Tiếp sau đó, bị cáo còn nhiều lần phạm tội tại Nha Trang. T., Q. từng bị xử phạt hành chính về hành vi đánh nhau; C. cũng từng bị kết án về tội gây rối trật tự công cộng. Tuy các bị cáo đã bồi thường toàn bộ cho bị hại và cha vợ bị cáo T. cũng xin giảm án, nhưng xét ở góc độ đạo đức xã hội, cho dù bức xúc, T. vẫn có thể lựa chọn một xử sự khác, thay vì thuê người tấn công cha vợ. Đó là hành vi trái đạo lý. Thực tế, hạnh phúc gia đình chẳng thể giành giật bằng bạo lực. Q., C. nhận tổng cộng 3 triệu đồng tiền công để rồi bồi thường 10 triệu đồng và hình phạt tù cũng là cái giá cho hành vi côn đồ. Hy vọng, việc tòa quyết định tăng thêm 6 tháng tù đối với mỗi bị cáo sẽ là bài học răn đe nghiêm khắc để các bị cáo tích cực cải tạo, sau này về hòa nhập xã hội biết nghiêm túc chấp hành pháp luật.


TAM THUẬT